Lời sống

Tháng Bảy 2007

“Anh em đã được gọi để hưởng tự do” (Gl 5:13)

 

Vào những năm 50, tông đồ Phaolô đã viếng thăm miền Galát tại trung thổ vùng tiểu Á, hiện nay là nước Thổ nhĩ kỳ. Lúc đó đã mọc lên những cộng đoàn Kitô là những cộng đoàn đã nhiệt tình chấp nhận đức tin. Thánh Phaolô đã miêu tả cho họ thấy Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá, và họ đã lãnh nhận phép Rửa, mặc lấy Đức Kitô, bằng cách truyền đạt cho họ sự tự do của con cái Thiên Chúa. “Họ chạy nhanh” trên con đường mới, như chính thánh Phaolô nhìn nhận.

Sau đó, bất ngờ họ lại đi tìm tự do ở nơi khác. Thánh Phaolô ngạc nhiên là họ mau quay lưng lại Đức Kitô như vậy. Do đó thánh nhân khẩn khoản mời gọi họ tìm lại sự tự do mà Đức Kitô đã ban cho họ:

“Anh em đã được gọi để hưởng tự do”

          Chúng ta đã được gọi để hưởng sự tự do nào? Chúng ta không thể làm những gì mình muốn hay sao? Chẳng hạn những người đồng thời với Đức Giêsu đã nói rằng “Chúng tôi chưa bao giờ làm nô lệ cho ai cả”, khi Người khẳng định rằng sự thật Người đưa đến sẽ làm cho họ được tự do. Đức Giêsu đã trả lời họ rằng, “Hễ ai phạm tội thì người đó làm nô lệ cho tội lỗi” (Ga 8:31-34).

          Có một cảnh nô lệ giả dối, kết quả của tội lỗi, kìm chặt tâm hồn con người. Chúng ta biết rõ nhiều biểu lộ của nó: đó là tình trạng đóng kín nơi mình, dính bén của cải vật chất, lo hưởng thụ, kiêu căng, giận dữ...

          Một mình chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng tháo gỡ tận gốc tình trạng nô lệ này. Tự do là hồng ân Đức Giêsu ban: Người đã giải thoát chúng ta bằng cách nên nô lệ cho ta cùng thí mạng vì chúng ta. Do đó Người mời gọi chúng ta sống phù hợp với sự tự do Người đã ban cho ta.

          Tự do “không phải là khả năng chọn lựa giữa sự thiện và sự ác, cho bằng càng ngày càng hướng đến sự thiện”. Chị Chiara Lubich đã nói như vậy với các người trẻ: “Tôi nhận thấy rằng sự thiện giải phóng ta, còn tội lỗi làm ta nên nô lệ. Vậy, để có được tự do thì cần phải mến yêu. Bởi vì điều làm cho ta nên nô lệ hơn nữa là chính cái tôi của mình. Trái lại khi ta luôn luôn nghĩ đến người khác, hoặc đến ý Chúa khi làm bổn phận của mình, hoặc nghĩ đến người bên cạnh, thì ta không nghĩ đến chính mình, ta nên tự do khỏi chính mình” (Roma 20.5.1995).

 

“Anh em đã được gọi để hưởng tự do”

 

          Vậy làm sao ta thực lành Lời sống này? Chính thánh Phaolô chỉ cho chúng ta điều đó, ngay sau khi nhắc nhở rằng chúng ta đã được gọi để hưởng tự do, thánh nhân giải thích rằng điều đó hệ tại việc đặt mình “phục vụ lẫn nhau”, “nhờ đức ái”, bởi vì toàn thể lề luật “được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5:13-14).

          Đây là sự mâu thuẫn của tình thương: người ta được tự do khi vì yêu thương đặt mình phục vụ người khác, khi đi ngược lại với những thúc đẩy ích kỷ, ta quên mình và chú ý đến những nhu cầu của người khác.

          Chúng ta được gọi đến hưởng tự do của tình thương: chúng ta tự do mến yêu! Phải, “để có được tự do thì cần phải mến yêu”.

 

“Anh em đã được gọi để hưởng tự do”

 

          Đức Giám mục Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn-văn-Thuận đã bị cầm tù vì lòng tin của ngài trong 13 năm trời. Cả khi ở trong tù ngài cũng cảm thấy tự do, bởi vì vẫn còn khả năng mến yêu ít là những người cai tù.

          Ngài kể lại rằng: “Khi bị biệt giam, tôi được trao cho năm lính canh: thay nhau lúc nào cũng có hai người ở với tôi. Cấp trên đã bảo họ rằng: “Cứ hai tuần chúng tôi sẽ thay các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị ông giám mục nguy hiểm đó làm “nhiễm độc”. Tiếp theo họ đã quyết định ‘chúng tôi sẽ không thay các anh nữa; nếu không ông giám mục đó sẽ làm tất cả các công an nhiễm độc’.

          Lúc đầu những lính canh không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời vỏn vẹn có, không. Thật đáng buồn... Họ tránh nói chuyện với tôi.

          Một đêm tôi có ý nghĩ: ‘Này Phan-xi-cô, anh vẫn còn giầu lắm, anh còn lòng mến Đức Kitô trong lòng; hãy yêu thương họ như Đức Giêsu đã yêu thương anh’.

          Hôm sau tôi bắt đầu yêu thương họ hơn nữa, yêu mến Đức Giêsu nơi họ, bằng cách mỉm cười, trao đổi một vào lời nhã nhặn. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe những chuyến đi ra nước ngoài của tôi... Họ muốn học ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh... Những người gác tôi đã trở thành học trò của tôi!”

 

Lm. Fabio Ciardi & Gabriella Fallacara

Lm. JB Vượng, Úc Châu chuyển ngữ

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà