Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu. (Thơ gởi tín hữu Do-thái, 12:1-4)

 

Lời Sống

Tháng tám 2007

 

 

“Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu”

(Thơ Do-thái 12:1-2)

 

          Cuộc sống của các tín hữu Kitô mà lá thơ gởi các tín hữu Do thái viết cho họ  đều biết đến những thử thách cùng đau khổ. Đôi khi người ta có thể nản lòng: tại sao không chọn con đường dễ dãi hơn, tại sao không đầu hàng?

          Trái lại tác giả lá thơ mời gọi ta tiếp tục con đường đã chọn: nó khó khăn, đòi hỏi, nhưng cuộc sống Tin mừng là cuộc sống đưa đến sự sống trọn vẹn. Hơn nữa, tác giả còn thúc đẩy các tín hữu chạy và kiên trì cả dưới gánh nặng phải chịu.

          Cũng như đối với mỗi vận động viên điền kinh, mỗi người chúng ta là những người quyết định theo Đức Giêsu cũng thế, để đạt tới đích thì cần phải kiên trì, hay kháng cự, có khả năng giữ vững, là khả năng phát xuất từ xác tín rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, và từ nhất quyết muốn thành công.

          Nhưng trên hết chúng ta được mời gọi nhìn thẳng lên Đức Giêsu, Đấng đã đi trước cùng dẫn đường cho ta. Thực vậy, trên thập giá, nhất là khi cảm thấy mình bị Chúa Cha bỏ rơi, Người là mẫu gương cho lòng can đảm, kiên trì, chịu đựng: Người đã biết đứng vững trong cơn thử thách và đã phó thác nơi bàn tay của Thiên Chúa mà Người cảm thấy như đã bỏ rơi mình (Xem Mác-cô 15:34).

 

“Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu”

 

          Chị Chiara Lubich thường đề cập đến Đức Giêsu, Đấng can đảm, không đầu hàng trước thử thách lớn lao nhất: Người là mẫu gương cho cuộc chạy đua của chúng ta và mẫu gương phải vượt qua những thử thách thế nào. Mỗi đau khổ của ta hay thử thách của cuộc sống đều đã được Đức Giêsu nhận lấy cho mình trong giây phút bị bỏ rơi trên thập giá.

          Chúng ta hãy để cho chính chị Chiara chỉ cho chúng ta phải nhìn thẳng về Người thế nào.

          “Chúng ta bị sự sợ hãi giữ chặt sao? Đức Giêsu trên thập giá, khi bị bỏ rơi, không xem ra là Người bị sự sợ hãi là Chúa Cha đã quên mình xâm chiếm sao?”

          Khi chúng ta bị tình trạng nản lòng cùng thất vọng giữ chặt, ta còn có thể nhìn lên Đức Giêsu, Đấng mà trong lúc đó “xem ra bị tràn ngập bởi ấn tượng là trong cuộc khổ nạn, Người không được Chúa Cha an ủi và xem ra Người không còn can đảm để kết thúc cơn thử thách đau đớn nhất của mình... Những cảnh huống đưa ta đến chỗ bị rối loạn sao? Trong đau khổ kinh hoàng ấy Đức Giêsu xem ra không còn hiểu gì về những điều đang xẩy ra, vì Người kêu lên “Tại sao?” ... Và khi bị ảo tưởng ập đến hay bị nỗi kinh hoàng hay rủi ro bất ngờ, hoặc một cơn bệnh hay một tình cảnh vô lý làm tổn thương, lúc nào chúng ta cũng có thể nhớ đến đau khổ của Đức Giêsu bị bỏ rơi, vì Người đã nhận lấy tất cả những thử thách này và hàng ngàn thử thách khác nữa” (In cammino col risorto, Città Nuova, Roma 1994, p.148-149).

          Người luôn ở bên cạnh ta trong mọi khó khăn, sẵn sàng chia sẻ mọi đau khổ với ta.

 

“Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu”

 

          Vậy ta thực hành Lời sống này thế nào? Bằng cách nhìn lên Đức Giêsu và tập thói quen “gọi tên Người trong những thử thách của cuộc sống. Chúng ta thưa với Người: Chúa Giêsu bị bỏ rơi là cô đơn, Chúa Giêsu bị bỏ rơi là nghi ngờ, Chúa Giêsu bị bỏ rơi là sự tổn thương, Chúa Giêsu bị bỏ rơi là thử thách, Chúa Giêsu bị bỏ rơi là  sự tiêu tan, v.v.

          Và khi gọi tên Người, ta sẽ nhìn thấy Người tỏ tường và nhận ra Người dưới mọi đau khổ và Người sẽ yêu thương hơn đáp lại ta; và khi chấp nhận Người, thì Người sẽ trở nên niềm an bình, sự an ủi, lòng can đảm, sự quân bình, nên sức khỏe, nên sự chiến thắng cho ta. Người sẽ là lời giải thích cho mọi sự và giải pháp cho mọi sự”.

 

“Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu”

 

          Đối với bà Lu-i-gi-a cũng vậy. Cách đây nhiều năm bà gặp một tờ giấy có lời giải thích về Lời sống này. Chính bà kể lại như sau:

          “Tôi bất ngờ nhận được một tin kinh hoàng: đứa con lớn của tôi, lúc đó 29 tuổi, bị tai nạn xe cộ rất nặng. Tôi nghẹn ngào chạy đến bệnh viện. Con tôi nằm đó, bất động, bất tỉnh. Tôi thất vọng. Trong những ngày lo lắng chờ đợi tình cờ tôi đi ngang nhà nguyện ở bệnh viện và thấy bản Lời sống mời gọi tôi nhìn thẳng lên Đức Giêsu bị bỏ rơi. Tôi chú ý đọc: tôi tự nhủ, đúng, Lời sống nói đến thử thách của mình... Bây giờ không còn hy vọng gì nữa, nhưng phòng hồi sinh không xem ra là một cuộc tử đạo nữa, mà là sợi giây nối liền với tình thương Thiên Chúa. Và cầm lấy bàn tay đứa con, tôi có thể cầu nguyện cho nó đang hấp hối. Con tôi đã chết, nhưng không bao giờ tôi đã cảm thấy nó sống động như vậy”.

 

Lm. Fabio Ciardi và Gabriella Fallacara


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà