Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyê anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. (Thơ 2 gởi Ti-mô-thê 4: 1-4)

 

Lời sống

Tháng Mười 2007

 

 

“Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”

(Thơ 2 gởi Ti-mô-thê 4: 2)

 

          Phải, cần phải lên tiếng luôn luôn, nói với mọi người!

          Biết bao lần Lời sống mời gọi chúng ta sống, mời gọi ta trở nên tình thương. Nhưng cũng cần phải chuyển đạt cho người khác lời Chúa, rao giảng, thông đạt lời ấy, đến chỗ kéo họ vào cuộc sống hiến thân, huynh đệ.

          Những lời cuối cùng của Đức Giêsu là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, hãy rao giảng Tin mừng... (Xem Mc 16:15; Mt 28:19-20).

          Chính lòng hăng say này thúc đẩy thánh Phao-lô đi khắp thế giới lúc đó và nói với những người thuộc văn hoá cùng niềm tin khác nhau: “Đối với tôi, rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một điều cần thiết bắt buộc tôi phải làm!” (1 Cr 9:16).

          Khi lặp lại những lời của Đức Giêsu và vững mạnh trong kinh nghiệm của mình, thánh Phao-lô cũng nhắn nhủ người môn đệ trung thành là Ti-mô-thê, và mỗi người chúng ta là:

 

          “Hãy rao giảng lời Chúa...”

 

          Để cho việc nói năng được hiệu nghiệm thì trước tiên – khi nào có thể - cần phải tạo nên mối liên hệ với những người nói chuyện với ta.

          Cả khi không thể nói bằng miệng, ta vẫn có thể nói bằng con tim. Đôi khi lời nói chỉ có thể diễn tả bằng sự im lặng kính trọng, bằng một nụ cười, hay bằng cách chú ý đến thế giới của người kia, đến những gì họ ưa thích, đến những vấn đề của họ, bằng cách gọi tên họ, để họ nhận ra là mình quan trọng đối với chúng ta. Và thật sự như vậy: chúng ta không bao giờ dửng dưng đối với người khác.

          Những lời không có tiếng ấy, nếu đúng lúc, sẽ không thể không mở ra một chỗ trống nơi cõi lòng và thường người khác chú ý đến ta và đặt câu hỏi. Đó là lúc rao giảng. Không cần phải chờ đợi, mà cần phải lên tiếng rõ ràng, nói ít lời, nhưng nói về lý do tại sao có cuộc sống Kitô.

 

          “Hãy rao giảng lời Chúa...”

 

          Làm sao chúng ta thực hành Lời Sống này và rao giảng Tin mừng chỉ bằng cuộc sống của ta? Làm sao hiến tặng Tin mừng cho tất cả mọi người?

          Bằng cách yêu mến mỗi người, không phân biệt ai.

          Nếu chúng ta nên những tín hữu Kitô đích thực, bằng cách sống tất cả những gì Tin mừng dạy, thì những lời ta nói sẽ không phải là những lời trống rỗng.

          Lời rao giảng sẽ còn sáng ngời hơn, nếu chúng ta biết làm chứng cho trung tâm điểm của Tin mừng là sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, ý thức rằng “Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

          Và đó là chiếc áo mà thường người tín hữu Kitô, đàn ông cũng như phụ nữ, người lập gia đình hay không, người lớn hay trẻ em, người bệnh hay khoẻ, đều có thể mặc vào để ở khắp nơi và luôn luôn, với cuộc sống của mình, họ làm chứng cho Đấng họ tin tưởng, Đấng họ muốn mến yêu.

 

                                                                             Chiara Lubich

 

 

         


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà