Lời Chúa:

 

Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nỡ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêư người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng lọai; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Thư gởi tín hữu Roma 13:8-10).

 

Lời sống

Tháng Mười Hai 2007

“Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Thơ Roma 13:10)

 

Những lời này kết thúc một đoạn dài trong lá thư gởi các tín hữu ở Roma. Trong thư thánh Phaolo trình bày cho ta thấy cuộc sống đạo như một cuộc sống yêu thương người anh chị em mình. Thực sự đó là việc thờ phượng tinh thần mới mà người tín hữu Kitô được mời gọi dâng lên Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (Xem Rm 12:1), Đấng gợi lên điều đó nơi tâm hồn họ.

Tóm tắt lại nội dung đoạn này, thánh tông đồ khẳng định rằng lòng thương yêu người bên cạnh làm cho ta thực hiện được trọn vẹn, hoàn hảo ý Chúa chứa đựng trong Lề luật (nghĩa là những điều răn). Lòng thương yêu người anh chị em mình là cách thế tốt đẹp nhất, đích thực nhất để tỏ ra lòng ta yêu mến Thiên Chúa.

 

“Yêu thương là chu toàn Lề Luật”

 

Nhưng thực tế sự trọn vẹn và toàn hảo này hệ tại điều gì? Người ta nhận ra điều đó từ những câu trước, nơi thánh tông đồ vạch ra cho ta những diễn tả cùng hiệu qủa khác nhau của lòng thương yêu này.

Trước hết lòng yêu thương người bên cạnh đích thực không làm điều ác (Xem Rm 13:10). Như vậy nó làm cho ta sống tất cả mọi điều răn của Thiên Chúa, không trừ một điều răn nào (Xem Rm 13:9), bởi vì trước tiên chúng hướng đến chỗ làm cho ta tránh xa tất cả mọi hình thức độc ác ta có thể làm cho chính mình và cho những người anh chị em mình.

Sau đó ngoài việc không làm điều ác nào, lòng thương yêu đó còn thúc đẩy chúng ta thực hiện tất cả những điều tốt mà người bên cạnh cần đến (Xem Rm 12:6-8).

Lời này thúc đẩy chúng ta đến lòng yêu thương liên đới cùng nhậy cảm đối với những nhu cầu, ước vọng, những quyền lợi chính đáng của người anh chị em mình; đến lòng yêu thương tôn trọng phẩm giá con người cùng phẩm giá Kitô; đến lòng yêu thương tinh tuyền, toàn diện, có khả năng chia sẻ, mở rộng đến mọi người, như Đức Giêsu đã dạy chúng ta.

Ta không thể thực hiện lòng yêu thương này, nếu ta không sẵn sàng vượt ra ngoài tính ích kỷ của mình và thái độ tự mãn của mình. Vì thế Lời này giúp chúng ta vượt trên tất cả mọi khuynh hướng ích kỷ (kiêu ngạo, tham lam, ưa khoái lạc, tham vọng, phù phiếm, v.v), mà chúng ta mang trong mình và chúng tạo nên cản trở chính cho lòng yêu thương ấy (Xem Rm 12,9-21).

 

“Yêu thương là chu toàn Lề Luật”

 

Vậy làm sao chúng ta thực hiện được Lời sống trong tháng Giáng sinh này?

Bằng cách để ý đến những đòi hỏi khác nhau của lòng yêu thương người bên cạnh mà Lời sống nhắc nhở ta.

Trước hết ta hãy tránh làm điều ác dưới mọi hình thức cho người bên cạnh. Ta hãy luôn luôn chú ý đến sinh hoạt nghề nghiệp của mình, đến môi trường nơi ta sinh sống. Điều kiện đầu tiên để thể hiện lòng yêu thương Kitô là không bao giờ đi ngược lại những điều răn của Chúa.

Hơn nữa ta hãy để ý đến điều tạo nên cái hồn, nên động lực, nên đối tượng của tất cả mọi giới răn. Như ta đã thấy, mỗi giới răn đều muốn đưa ta đến một lòng yêu thương càng ngày càng để ý hơn, càng ngày càng tế nhị và tôn trọng hơn, càng ngày càng cụ thể hơn đối với những anh chị em mình. 

Cùng một trật ta hãy phát triển nơi mình tinh thần từ bỏ chính mình, vượt trên tính ích kỷ của mình, là điều đi liền với  việc thực hiện lòng yêu thương Kitô.

Như vậy chúng ta sẽ chu toàn ý Chúa trọn vẹn; sẽ chứng tỏ cho Người thấy lòng yêu thương của ta theo cách thế Chúa hài lòng nhất (Xem Rm 12:2).

 

“Yêu thương là chu toàn Lề Luật”

 

Đó là kinh nghiệm của một luật sư làm việc tại Bộ Lao động. Ông kể lại:

“Một hôm tôi đưa cho ông chủ một hãng xưởng giấy tố cáo là công nhân của ông đã không được trả lương theo luật định. Sau mười bốn ngày không ngừng tìm tòi tôi tìm thấy những giấy tờ chứng tỏ sự lầm lỗi đó. Tôi cầu xin Đức Giêsu sức mạnh được trung thành với những lời của Người muốn tôi đối sử theo sự thật, và cùng một trật cũng là khí cụ cho tình thương của Người.

Trước những bằng chứng, người chủ hãng bào chữa nói rằng có một số luật xem ra không công bằng. Tôi cho ông ta thấy rằng những sai lầm của người khác không thể biện minh cho những lầm lỗi của ông. Trong câu chuyện sau đó tôi hiểu rằng ông ta có cùng những đòi hỏi về công lý và bình đẳng như tôi, nhưng ông đã để mình bị môi trường lôi kéo.

Cuối cùng ông bảo tôi: ‘Ông đã có thể dằn mặt tôi và đè bẹp tôi, nhưng ông đã không làm. Vì thế tôi có bổn phận luân lý là phải bắt đầu lại’. Tuy nhiên một việc khẩn cấp đang chờ đợi và ông không có giờ để làm giấy nhận lỗi. Vì thế ông lấy một tờ giấy trắng, ký tên và cho tôi thấy là ông sẵn sàng thay đổi ngay tức khắc”.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà