“Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy qúy trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em. Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy, vì công việc họ làm. Hãy sống hoà thuận với nhau.

Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người. Hãy coi chừng: đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người.

Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyên không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.

Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (Thơ gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca 5:12-22)

 

Lời Sống

Tháng Giêng 2008

 

“Anh em hãy cầu nguyện không ngừng”

 

Năm nay “Tuần lễ cầu nguyện cho công cuộc hiệp nhất các tín hữu Kitô” kỷ niệm một trăm năm. Lần đầu tiên “Tuần lễ cầu nguyện cho công cuộc hiệp nhất các tín hữu Kitô” được cử hành từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng năm 1908. Sáu mươi năm sau, năm 1968, Tuần lễ này đã được Ủy ban Đức tin và Thể chế (thuộc Hội đồng Đại kết các Giáo hội) và Văn phòng thăng tiến hiệp nhất các tín hữu Kitô (thuộc Giáo hội Công giáo) cùng  soạn thảo. Từ ngày đó hàng năm có thói quen là các tín hữu công giáo và các tín hữu thuộc nhiều Giáo hội đã gặp nhau để cùng soạn thảo một cuốn sách nhỏ đưa ra những đề nghị để cử hành Tuần lễ cầu nguyện này.

Năm nay Lời Chúa, được một nhóm đại kết rộng lớn ở Hoa kỳ chọn lựa, trích từ lá thơ thứ nhất thánh Phaolô gởi các tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca tại Hi-lạp. Đó là một cộng đoàn nhỏ, trẻ trung và thánh Phaolô cảm thấy là sự hiệp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn cần phải được vững chãi hơn. Vì thế thánh nhân mời gọi họ “sống hoà thuận”, kiên nhẫn với mọi người, đừng lấy ác báo ác mà làm điều thiện lẫn cho nhau và cho tất cả mọi người, và “cầu nguyện không ngừng”; hầu như thánh nhân nhấn mạnh rằng cuộc sống hiệp nhất trong cộng đoàn Kitô chỉ có thể thực hiện được bằng một cuộc sống cầu nguyện mà thôi. Chính Đức Giêsu cũng đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ được hiệp nhất: “Xin cho họ tất cả nên một.” (Gv 17:21).

 

 

“Anh em hãy cầu nguyện không ngừng”

 

Tại sao lại phải “cầu nguyện luôn luôn”? Bởi vì cầu nguyện là điều chính yếu cho bản thân con người. Chúng ta đã dược tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như từ Thiên Chúa mà ra, có khả năng sống mối liên hệ hiệp thông với Chúa. Như vậy mối liên hệ thân tình, cuộc chuyện vãn bộc phát, đơn sơ cùng đích thực với Chúa – đó là cầu nguyện – là điều tạo nên con người chúng ta, cho phép ta trở thành những con người đích thực, có trọn vẹn phẩm giá của con cái Thiên Chúa.

Được tạo dựng từ Thiên Chúa, chúng ta có thể sống trong mối liên hệ liên tục với Người, với tâm hồn đầy tràn tình thương của Chúa Thánh Thần và với niềm tin tưởng ta có đối với Cha của mình: niềm tin tưởng đưa đến chỗ chuyện vãn với Người thường xuyên, giãi bầy cho Người mọi chuyện của ta, những ý nghĩ, những dự tính của mình; niềm tin tưởng làm cho ta nóng lòng chờ đợi giây phút dành để cầu nguyện – xếp đặt trong ngày sống với những bổn phận làm việc, gia đình -, để đặt mình vào mối liên lạc sâu xa với Đấng, ta biết, Người yêu thương ta.

Cần phải “cầu nguyện luôn luôn”, không chỉ vì những nhu cầu của ta, mà cũng để góp phần vào việc xây dựng Thân thể Đức Kitô và góp phần vào sự hiệp thông hoàn toàn cùng nhãn tiền trong Giáo hội của Đức Kitô. Đây là mầu nhiệm ta có thể thấy được đôi chút khi nghĩ đến những bình thông nhau. Khi ta đổ nước vào một trong những cái bình này, thì mực nước dâng lên trong tất cả mọi bình. Điều đó cũng xẩy ra khi một người cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để thờ lạy Người cùng cảm tạ Người. Cũng giống như vậy, khi một người được nâng lên thì những người khác cũng được nâng lên.

 

 

“Anh em hãy cầu nguyện không ngừng”

 

Làm thế nào để “cầu nguyện không ngừng”, nhất là khi ta bị lôi cuốn vào cuộc sống hàng ngày?

“Cầu nguyện luôn luôn” không có nghĩa là làm nhiều tác động cầu nguyện, mà là hướng tâm hồn cùng cuộc sống về Thiên Chúa, là sống chu toàn ý Chúa: đó là học hành, làm việc, chịu cực, nghỉ ngơi và cả chịu chết vì Người nữa. Đến chỗ ta không thể sống cuộc sống hàng ngày mà không gắn liền chính mình với Thiên Chúa.

Hành động của ta như vậy được biến thành một hành động thánh thiện và toàn thể ngày sống trở thành một lời cầu nguyện.

Ta có thể dâng lên Chúa mọi hành động, bằng cách thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con làm vì Chúa”; hoặc trong lúc khó khăn, “Điều gì quan trọng? Mến Chúa quan trọng”. Như vậy chúng ta sẽ biến đổi mọi sự nên một hành động mến yêu.

Và lời cầu nguyện sẽ liên tục, vì tình thương sẽ tiếp tục.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, chuyển ngữ


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà