LỜI CHÚA:

 

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.” (Mat-thêu 5:17-19)

 

Lời Sống

Tháng Hai 2008

 

 

“Ai tuân hành [những điều răn này] và dạy người ta làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong nước Trời”  (Mat-thêu 5:19)

 

Đức Giêsu, với đám đông vây quanh, đi lên núi và tuyên bố những lời danh tiếng. Những lời đầu tiên, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, phúc thay ai hiền lành...”, đã cho thấy tính chất mới mẻ của sứ điệp Người mang đến.

Đó là những lời đem lại sự sống, ánh sáng, hi vọng, mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ mình, để họ được soi sáng và cuộc sống của họ có được hương vị cùng ý nghĩa.

Sau khi đã được sứ điệp lớn lao này biến đổi, các môn đệ được mời gọi thông truyền cho người khác những giáo huấn họ đã lãnh nhận và đem ra thực hành trong cuộc sống.

 

“Ai tuân hành [những điều răn này] và dạy người ta

  làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong nước Trời”

 

Ngày nay hơn bao giờ hết, xã hội chúng ta cần phải biết đến những lời của Tin mừng và được chúng biến đổi. Đức Giêsu vẫn cần phải lặp lại rằng: đừng giận giữ với anh em mình; hãy tha thứ và rồi anh em sẽ được thứ tha; hãy nói sự thật để không cần phải thề; hãy yêu thương thù địch mình; hãy nhìn nhận là anh em có một người Cha duy nhất và hết thảy anh em đều là anh chị em với nhau; những gì anh em muốn người ta làm cho mình, anh em cũng hãy làm cho người ta. Đó là ý nghĩa của một số những lời trong “bài giảng trên núi” mà, nếu đem ra sống thực, chúng đã đủ để thay đổi thế giới.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta loan báo Tin mừng của Người. Nhưng trước khi “giảng dạy” những lời ấy, Người đòi chúng ta phải “tuân giữ” chúng. Để nên những người có thể tin được chúng ta phải trở nên những “người chuyên môn” về Tin mừng, nên một “Tin mừng sống động”. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nên những chứng nhân bằng cuộc sống và giảng dạy Tin mừng bằng lời nói.

 

“Ai tuân hành [những điều răn này] và dạy người ta

  làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong nước Trời”

 

Đâu là cách thế tốt nhất để thực hành Lời này? Hãy để cho chính Đức Giêsu là Người dạy ta, bằng cách lôi kéo Người đến với ta và giữa chúng ta với tình thương yêu lẫn nhau. Lúc đó chính Người sẽ gợi cho chúng ta những lời để đến với người khác, sẽ chỉ cho ta những con đường, mở ra cho ta những cánh cửa để đi vào tâm hồn những người anh em, hầu làm chứng cho Người ở bất kỳ nơi nào, cả tại những môi trường khó khăn nhất và trong những hoàn cảnh rối ren nhất. Chúng ta sẽ thấy thế giới, thế giới nhỏ bé nơi chúng ta sống, được biến đổi, trở lại với sự hoà hợp, lòng thông cảm và hoà bình.

Điều quan trọng là giữ cho sống động giữa chúng ta sự hiện diện của Người bằng tình thương yêu lẫn nhau, ngoan ngoãn lắng nghe tiếng của Người, tiếng lương tâm luôn nói với ta, nếu ta biết làm cho những tiếng khác im đi.

Người sẽ dạy chúng ta phải làm thế nào để “tuân giữ” cách vui vẻ và với tinh thần sáng tạo cả những điều răn “nhỏ nhất”, hầu chu toàn cách hoàn hảo cuộc sống hiệp nhất của ta. Ngõ hầu người ta có thể lặp lại cho chúng ta, như người ta đã nói về những tín hữu Kitô đầu tiên rằng: “Hãy xem họ thương yêu nhau thế nào, đến chỗ sẵn sàng thí mạng cho nhau” (Tertuliano, Apologeticum, 39, 7). Việc Tin mừng có khả năng sinh ra một xã hội mới ta có thể thấy được qua những mối quan hệ của ta được tình thương canh tân thế nào.

Chúng ta không thể giữ cho mình hồng ân đã nhận được và được mời gọi lặp lại với thánh Phao-lô rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9:16). Nếu để cho tiếng nói nội tâm hướng dẫn, ta sẽ khám phá ra những khả năng luôn mới mẻ để thông truyền, bằng cách nói năng, viết lách và đối thoại. Ước mong Tin mừng trở lại chiếu sáng, qua con người chúng ta, nơi gia đình chúng ta, nơi các thành phố của ta, nơi xứ sở chúng ta. Một cuộc sống mới cũng sẽ nở ra nơi ta; niềm vui sẽ tăng thêm trong tâm hồn chúng ta; Đấng Sống lại sẽ ngời sáng hơn... và Người sẽ coi chúng ta , là “lớn trong Nước của Người”.

Điều đó cuộc sống của chị Ginetta Calliari đã chứng tỏ cho thấy cách tỏ tường. Khi đến nước Brasil năm 1959 cùng với nhóm Focolare đầu tiên, chị bị chấn động khi tiếp xúc với những cảnh bất bình đẳng nặng nề của xứ đó. Họ nỗ lực sống yêu thương lẫn nhau bằng cách thực hành Lời Chúa. Chị nói: “Người sẽ mở đường cho chúng ta”. Thời gian trôi qua, cùng với chị họ phát triển và củng cố một cộng đoàn mà ngày nay đón tiếp hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp cùng tuổi tác, những dân cư sống ở favellas ( khu ổ chuột) cùng những người thuộc giai cấp khá giả, họ dấn thân phục vụ những người nghèo nhất. Như thế họ đã có thể thực hiện những công cuộc xã hội làm thay đổi bộ mặt của những favellas tại nhiều thành phố. Một “dân tộc” bé nhỏ hiệp nhất tiếp tục cho ta thấy rằng Tin mừng là chân thực: đó là của hồi môn chị Ginetta đã có thể mang theo khi chị về Trời.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà