Lời Sống

Tháng Sáu, 2009

 

 

“Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái,

vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.”

(Ga 15:5)

 

Bạn có tưởng tượng được một cành tách rời khỏi cây nho không? Nó không có tương lai, không còn hi vọng gì nữa, không sinh hoa trái và chỉ còn nước khô héo và đốt đi thôi.

Hãy nghĩ đến cái chết tinh thần Bạn sẽ chịu như một tín hữu Kitô, nếu Bạn không hiệp nhất với Chúa Kitô. Thật đáng sợ! Đó là sự khô cằn hoàn toàn, cho dầu Bạn vất vả từ sáng đến tối, cho dầu Bạn tưởng mình làm lợi cho nhân loại, cho dầu bạn hữu vỗ tay khen thưởng Bạn, cho dầu của cải trần gian tăng thêm, cho dầu Bạn hi sinh đáng kể. Tất cả những điều đó có ý nghĩa cho Bạn trên trần gian, nhưng không nghĩa lý gì đối với Đức Kitô và cho trường cửu. Và chính cuộc sống đó mới quan trọng hơn.

 

“Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái,

vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.”

 

Làm sao Bạn có thể ở lại nơi Đức Kitô và Người ở lại nơi Bạn được? Làm sao nên cành xanh tươi và cứng rắn hợp với thân nho được?

Trước hết Bạn cần phải tin vào Đức Kitô. Nhưng điều đó chưa đủ. Đức tin của Bạn phải đi vào chiều kích cụ thể của cuộc sống. Nghĩa là Bạn phải sống phù hợp với niềm tin ấy, bằng cách đem ra thực hành những lời Đức Giêsu dạy.

Như thế Bạn không thể bỏ qua những phương thế thần linh Đức Kitô đã để lại cho Bạn, nhờ đó Bạn có được hoặc tìm lại được sự hiệp nhất với Người đã bị sứt mẻ.

Và rồi Đức Kitô sẽ không cảm thấy Bạn vững vàng nơi Người, nếu Bạn không nỗ lực tháp nhập vào cộng đoàn Giáo hội, vào Giáo hội địa phương của Bạn.

 

“Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái,

vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.”

 

“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy”.

Bạn có thấy Đức Kitô nói về sự hiệp nhất giữa Bạn với Người thế nào, nhưng Người cũng nói đến sự hiệp nhất của Người với Bạn nữa không? Nếu Bạn hiệp nhất với Người, và Người nơi Bạn, thì Người hiện diện trong thâm tâm Bạn. Và từ đó nẩy sinh một mối liên hệ và một cuộc chuyện vãn của tình thương yêu lẫn nhau, một sự cộng tác giữa Chúa Giêsu và Bạn, môn đệ của Người.

Và đây là hiệu qủa: đó là sinh nhiều hoa trái, đúng như một cành hợp nhất chặt chẽ với cây nho đem lại những chùm nho ngọt ngào.

“Nhiều hoa trái” có nghĩa là Bạn sẽ có đem lại hoa trái thực sự trong việc tông đồ, nghĩa là Bạn có khả năng mở mắt nhiều người nhìn đến những lời duy nhất, cách mạng của Đức Kitô, và Bạn sẽ có khả năng đem đến cho họ sức mạnh để sống theo những lời ấy. “Nhiều hoa trái” cũng có nghĩa là Bạn sẽ biết khơi dậy, hoặc xây đắp những công cuộc lớn nhỏ hầu nâng đỡ nhiều nhu cầu khác nhau của thế giới theo những đặc sủng Chúa đã ban cho Bạn.

“Nhiều hoa trái” có nghĩa là “nhiều”, chứ không phải là “ít”. Điều đó có thể có nghĩa là Bạn sẽ biết đưa vào nhân loại quanh mình một luồng gió sự thiện, sự hiệp thông, tình yêu thương lẫn nhau.

 

“Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái,

vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.”

 

Nhưng “nhiều hoa trái” không chỉ có nghĩa là sự thiện tinh thần cùng vật chất của người khác, nhưng cả của Bạn nữa.

Cả việc phát triển nội tâm, cả việc thánh hoá mình cũng tùy thuộc vào sự hiệp nhất của Bạn với Đức Kitô.

Thánh hoá mình. Có lẽ từ này, với thời gian, đối với Bạn xem ra lỗi thời, vô ích, hay vô tưởng.

Không phải như vậy. Thời gian hiện tại sẽ qua đi và cùng với nó là những cái nhìn phiến diện, sai lầm, không chính yếu. Sự thật sẽ tồn tại. Hai ngàn năm trước, thánh Phao-lô Tông đồ nói rõ rằng Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người Kitô nên thánh. Thánh Tê-rê-sa người Avila, tiến sĩ Giáo hội, đoan chắc rằng bất kỳ ai, cả người đang lữ hành, đều có thể đạt đến sự chiêm niệm cao cả nhất. Công đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng toàn thể dân Chúa đều được mời gọi nên thánh.

Đó là những lời chắc chắn.

Vì thế Bạn cũng hãy tìm cách thu lượm trong cuộc sống mình “nhiều  hoa quả” thánh thiện, là điều chỉ có thể thực hiện được nếu Bạn hiệp nhất với Đức Kitô.

 

“Thầy là cây nho, anh em là cành.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,

thì người ấy sinh nhiều hoa trái,

vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.”

 

Bạn có nhận thấy Chúa Giêsu không đòi trực tiếp hoa quả, mà Người coi đó như hiệu quả của việc “hiệp nhất” với Người không?

Có thể Bạn cũng sa vào lầm lỗi mà nhiều người Kitô mắc phải: đó là tính ham hoạt động, làm việc, làm việc vì lợi ích cho người khác, mà không có giờ để xem họ có hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô không.

Đó là một sai lầm: người ta tưởng là đem lại hoa quả, nhưng đó không phải là hoa qủa của Đức Kitô nơi Bạn, mà Đức Kitô cùng Bạn mang lại.

Để mang lại hoa quả lâu dài, hoa quả mang dấu thần linh, thì cần phải hợp nhất với Đức Kitô, và Bạn càng hợp nhất với Đức Kitô bao nhiêu thì Bạn càng mang lại nhiều hoa qủa bấy nhiêu.

Hơn nữa động từ “ở lại” Chúa Giêsu dùng cho ta hiểu rằng đó không phải là những lúc ta mang lại hoa quả, cho bằng đó là một tình trạng sinh hoa qủa lâu dài.

Đúng vậy, nếu Bạn biết những người sống như vậy, thì Bạn sẽ thấy là có thể bằng một nụ cười giản di, bằng một lời nói, bằng cử chỉ thông thường, bằng thái độ trước những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, những người này đánh động cõi lòng, đôi khi đến chỗ làm cho người ta tìm lại được Thiên Chúa.

Các thánh nhân đã làm như vậy. Nhưng chúng ta không được ngã lòng. Cả những tín hữu Kitô thường cũng có thể mang lại hoa quả. Bạn hãy nghe đây.

Chúng ta đang ở nước Bồ-đào-nha. Cô Maria lên đại học sau khi xong trung hoc. Môi trường ở đây khó khăn. Nhiều người bạn của cô tranh đấu theo ý thức hệ của họ, và mỗi người đều muốn lôi kéo những sinh viên chưa quyết định theo phe mình.

Cô Maria biết rõ con đường của mình, cho dầu không dễ giải thích cho người khác: đó là theo Chúa Giêsu và hiệp nhất với Người. Những người bạn không biết gì về tư tưởng của cô, liệt kê cô vào loại không định hướng, không lý tưởng. Đôi khi cô cảm thấy ngại ngùng, nhất là khi vào nhà thờ. Nhưng cô vẫn đi nhà thờ, vì cảm thấy mình cần phải hiệp nhất với Chúa Giêsu.

Lễ Giáng sinh gần đến. Cô Maria nhận thấy trong số các sinh viên có người không thể về nhà, vì quá xa, và cô đề nghị những người bạn khác cùng mua quà tặng cho những người  ở lại. Cô bỡ ngỡ thấy mọi người đều đồng ý ngay lập tức.

Ít lâu sau có những cuộc bầu phiếu và lại một bất ngờ khác, cô đã được chọn làm người đại diện cho cả khoá. Nhưng còn bất ngờ hơn nữa khi cô nghe nói: “Chị được bầu là đúng rồi, vì chị là người duy nhất có đường lối rõ ràng, là người biết mình muốn gì và phải thực hiện ra sao”. Bây giờ có vài sinh viên muốn biết về lý tưởng của cô và muốn sống như cô.

Đó là một kết quả tốt cho việc cô Maria kiên trì hiệp nhất với Chúa Giêsu.

                                     

                                                                   Chiara Lubich