Lời sống

Tháng Hai 2010

 

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.

Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10:9)

 

Đức Giêsu nói về mình như người thực hiện những lời Thiên Chúa đã hứa và những mong đợi của một dân tộc mà lịch sử của họ được đánh dấu bằng mối giao ước không hề bị hủy bỏ với Chúa của họ.

Ý niệm về cái cửa cũng tương tự và giải thích được với một hình ảnh khác Đức Giêsu dùng: “Chính Thầy là con đường, không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Xem Ga 14:6). Như vậy Người thực sự là con đường và là cửa mở đến Chúa Cha, đến chính Thiên Chúa.

 

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.

Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”

 

Cụ thể thì Lời này có ý nghĩa gì đối với cuộc sống chúng ta?

Ta có thể rút ra rất nhiều ý nghĩa từ những đoạn Tin mừng khác có liên quan với câu này của Gioan, nhưng trong tất cả những ý nghĩa ấy chúng ta chọn ý nghĩa “cái cửa hẹp” mà ta phải cố gắng đi qua để vào sự sống (Xem Mt 7:13).

Tại sao ta phải chọn? Thưa bởi vì xem ra đó là ý nghĩa đưa ta đến gần sự thật mà Đức Giêsu nói về mình và nó cho thấy rõ hơn cả là ta phải đem ra thực hành thế nào.

Khi nào Đức Giêsu trở thành cái cửa hoàn toàn mở rộng đến Chúa Ba ngôi? Khi mà đối với Người, cửa Trời xem ra đóng lại; lúc đó Người trở thành cái cửa dẫn về Trời cho tất cả mọi người chúng ta.

Đức Giêsu bị bỏ rơi (trên thập giá) là cái cửa, nhờ đó cuộc trao đổi giữa Thiên Chúa và nhân loại được thể hiện hoàn toàn: đó là khi trở thành hư vô, Người hợp nhất các con cái lại với Chúa Cha. Chính sự trống rỗng ấy (khi cái cửa không còn nữa) làm cho con người liên lạc được với Thiên Chúa và Thiên Chúa với con người.

Như vậy cùng một trật Người vừa là cái cửa hẹp, vừa là cái cửa mở rộng, và ta có thể nghiệm được điều đó.

 

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.

Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”

 

Khi bị bỏ rơi (trên thập giá), Đức Giêsu đã nên lối đi dẫn ta đến Chúa Cha.

Người đã thực hiện phần của Người. Nhưng để hưởng được nhiều ân sủng, thì mọi người chúng ta cũng phải thực hiện phần nhỏ của mình: đó là đi đến đó và đi qua cửa đó.

Phải làm thế nào? Khi ta thất vọng hay bị tổn thương vì một nỗi kinh hoàng hay vì một rủi ro bất ngờ hoặc vì một cơn bệnh vô lý, thì ta vẫn có thể nhớ đến đau khổ của Đức Giêsu, vì Người đã nhận lấy nơi mình tất cả những thử thách đó cùng với hàng ngàn thử thách khác.

Phải, Người có mặt nơi tất cả những gì có mùi vị đau khổ. Mỗi khổ đau của ta đều mang tên của Người.

Vậy ta hãy thử nhìn nhận Đức Giêsu nơi tất cả những lo âu, những tình cảnh ngặt nghèo của cuộc sống, nơi tất cả những tối tăm, những thảm kịch xẩy đến cho bản thân mình và cho người khác, những đau khổ của nhân loại chung quanh ta. Tất cả những điều đó đều là của Người, bởi vì Người đã nhận lấy cho mình. Ta chỉ cần thưa với Người với lòng tin: “Lạy Chúa, Chúa là gia nghiệp duy nhất của con” (Xem Tv 15 (16):2), chỉ cần làm một cái gì cụ thể để làm nhẹ bớt những đau khổ “của Người” nơi những người nghèo khó và nơi những người bất hạnh, để đi qua cái cửa đó, và tìm được ở bên kia niềm vui chưa hề biết đến, một cuộc sống mới hoàn toàn.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục