Lời sống

Tháng Mười 2010

 

"Ngươi phải yêu mến người bên cạnh như chính mình" (Mt 22:39)

 

          Lời này ta đã tìm thấy trong sách Cựu ước (Lv 19:18).

          Để đáp lại một câu hỏi, Đức Giêsu đặt mình vào truyền thống các tiên tri và các ráp-bi, truyền thống tìm tòi nguyên lý thống nhất của sách Tô-ra, nghĩa là tìm lời dạy của Thiên Chúa chứa đựng trong Kinh thánh. Ráp-bi Hillel, một người đồng thời với Đức Giêsu, đã nói: "Đừng làm cho người bên cạnh mình điều mình oán ghét, đó là tất cả lề luật. Những điều khác chỉ là lời giải thích mà thôi" (Talmul Babilonese Shabbat, 31a).

          Đối với những bậc thầy trong Do thái giáo, lòng thương yêu người bên cạnh phát sinh từ tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh giống mình, do đó không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương những thụ tạo Người đã dựng nên: đó là lý do đích thực của lòng thương yêu người bên cạnh, và là "một nguyên lý tổng quát lớn lao trong lề luật" (Rabbi Akiba, giải thích Lv 19:18).

          Đức Giêsu nhắc đến nguyên lý này và thêm rằng giới luật yêu mến người bên cạnh cũng giống như giới răn đầu tiên và lớn nhất, đó là giới răn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết tâm hồn. Khi khẳng định là hai giới răn ấy giống nhau, Đức Giêsu gắn liền hai giới răn lại với nhau mãi mãi và tất cả truyền thống Kitô giáo cũng sẽ theo như vậy; như tông đồ Gioan sẽ nói một cách chắc chắn rằng: "Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thề yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4:20).

"Ngươi phải yêu mến người bên cạnh như chính mình"

          Người bên cạnh - điều mà toàn thể Tin mừng khẳng định rõ ràng - là mọi người, nam hay nữ, ban hữu hoặc thù địch, ta phải tôn trọng, để ý, kính chuộng. Lòng yêu mến người bên cạnh là điều phổ quát và cùng một trật lại riêng tư. Nó bao trùm toàn thể nhân loại và trở nên cụ thể nơi người ở gần mình.

          Nhưng ai có thể cho ta một tấm lòng rộng rãi như vậy, ai có thể làm nẩy sinh nơi ta một lòng nhân hậu để làm ta cảm thấy gần gũi - bên cạnh - cả với những người xa lạ với ta, để làm ta vượt trên tình thương chính mình, để nhìn thấy chính mình nơi người khác? Đó là một hồng ân Chúa ban, hơn thế đó là chính tình thương của Thiên Chúa "đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho ta" (Rm 5:5).

          Như vậy đó không phải là một tình thương chung chung, một tình bạn tầm thường, không chỉ là lòng thương người, mà là tình thương đã được đổ vào lòng chúng ta từ khi nhận phép Rửa: tình thương đó là sự sống của chính Thiên Chúa, của Chúa Ba ngôi mà ta có thể tham dự vào.

          Như vậy tình thương là tất cả, nhưng để có thể thực hành tốt thì cần phải biết những phẩm chất của nó mà Tin mừng cùng Kinh thánh nói chung dạy, và ta có thể tóm lại trong một số khía cạnh nền tảng.

          Đầu tiên Đức Giêsu, Đấng đã chết cho mọi người vì yêu thương mỗi người, dạy ta rằng tình thương đích thực hướng đến tất cả mọi người. Nó không giống như tình thương nhiều khi ta có, chỉ là tình thương nhân loại, giới hạn nơi gia đình, bạn hữu, người gần gũi... Tình thương đích thực mà Đức Giêsu muốn không chấp nhận sự phân biệt: không phân biệt người có cảm tình với người khó thương, không có người đẹp, người xấu, người lớn hay nhỏ; đối với tình thương đó không có tình thương đối với người đồng hương hay người ngoại kiều, người cùng Giáo hội hay thuộc Giáo hội khác, cùng tôn giáo hay khác tôn giáo. Tình thương này yêu thương mọi người. Và ta cũng phải làm như vậy: đó là yêu thương tất cả mọi người.

          Tình thương đích thực cũng thương yêu trước tiên, không chờ đợi để được thương yêu, như thói thường của tình thương nhân loại là thương yêu người thương mình. Không, tình thương đích thực đưa ra sáng kiến, như Chúa Cha đã làm, khi chúng ta còn là người tội lỗi, nghĩa là những người không biết thương yêu, Người đã sai Chúa Con đến để cứu độ ta.

          Vậy hãy thương yêu mọi người và thương yêu trước tiên.

          Hơn nữa: tình thương đích thực nhìn nhận Đức Giêsu nơi mọi người: Đức Giêsu sẽ nói với ta vào cuộc phán xét chung rằng "Ngươi đã làm cho ta" (Cf. Mt 25:40).  Điều đó sẽ được áp dụng cho điều thiện ta làm và rất tiếc cả cho điều ác ta làm nữa.

          Tình thương đich thực yêu thương bạn hữu và cả người thù địch: làm điều tốt cho người đó, cầu nguyện cho người đó.

          Đức Giêsu cũng muốn rằng tình thương Người đã mang xuống thế gian, trở thành hỗ tương: đó là người này yêu thương người kia và ngược lại, để đạt tới sự hiệp nhất.

          Tất cả những phẩm chất này của tình thương làm cho ta hiểu và thực hành tốt hơn Lời sống trong tháng này.

"Ngươi phải yêu mến người bên cạnh như chính mình"

          Phải, tình thương đích thực yêu thương người khác như chính mình. Điều đó được hiểu theo nghĩa đen: đó là cần phải nhìn người khác như chính mình và làm cho người khác điều ta muốn làm cho chính mình. Tình thương đích thực biết chịu khổ với người đau khổ, chung vui với người vui, vác gánh nặng cho người khác, như thánh Phaolô nói, biết trở nên một với người mình mến yêu. Vậy tình thương đó không chỉ hệ tại nơi tình cảm, hoặc nơi những lời lẽ hay, mà hệ tại nơi hành động cụ thể.

          Những người có niềm tin tôn giáo khác cũng tìm cách làm như vậy, vì điều gọi là "khuôn vàng thước ngọc" mà ta gặp nơi tất cả mọi tôn giáo. Đó là làm cho người khác điều ta muốn làm cho mình. Ông Gandhi giải thích điều đó một cách rất đơn giản và hiệu nghiệm rằng: "Tôi không thể làm tổn thương bạn mà không làm tổn thương chính tôi" (Cf Whilhem Muhs, Parole del cuoire, Milano 1996, p.82).

          Vậy tháng này phải là dịp để ta chú ý vào lòng thương yêu người bên cạnh. Người đó có nhiều gương mặt khác nhau; từ người láng giềng đến người bạn cùng lớp, từ người bạn đến người bà con gần. Nhưng người đó cũng có gương mặt của nhân loại thống khổ mà truyền hình đưa vào nhà chúng ta từ những nơi có chiến tranh và bị thiên tai. Ngày xưa ta không biết những điều đó vì xa xôi ngàn dặm. Nay họ cũng trở thành người bên cạnh ta.

          Tình thương mỗi lần sẽ bảo ta điều phải làm, và sẽ dần dần mở rộng cõi lòng ta đến mức độ của cõi lòng Đức Giêsu.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục