Lời Sống

Tháng Giêng 2011

 

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” (CVTĐ 4:32)

Lời này trình bày một trong những bức họa văn chương (cũng xem 2:42; 5:12-16), nơi tác giả sách Công vụ Tông đồ, qua những nét phác họa, cho chúng ta biết về cộng đoàn Kitô đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn này xem ra được phân biệt bởi sự tươi trẻ lạ lùng và sức sinh động tinh thần, bởi viêc cầu nguyện và làm chứng, nhất là bởi sự hiệp nhất lớn lao, đường nét mà Đức Giêsu muốn là điều phân biệt không thể lầm lẫn và nguồn đem lại sự sinh sôi nẩy nở cho Giáo hội của Người.

Chúa Thánh Thần, Đấng, trong phép Thanh tẩy, được ban cho tất cả những ai tiếp nhận Lời Đức Giêsu, vì là thần khí tình thương và hiệp nhất, Người làm cho tất cả các tín hữu nên một với Đức Giêsu sống lại và giữa họ với nhau, vượt trên mọi khác biệt về chủng tộc, văn hóa và giai cấp xã hội.

 

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”

 

Nhưng ta hãy nhìn vào chi tiết những khía cạnh của niềm hiệp nhất này.

Trước hết lúc đó Chúa Thánh Thần thực hiện giữa các tín hữu sự hiệp nhất nơi cõi lòng và tâm trí, bằng cách giúp họ thắng vượt những tình cảm làm cho sự hiệp nhất nên khó khăn, trong mối hiệp thông huynh đệ.

Thực vậy cản trở lớn lao nhất cho niềm hiệp nhất là tính vụ cá nhân của ta; đó là việc khư khư ôm lấy những ý tưởng, cái nhìn cùng những ý thích riêng của mình. Chính với tính ích kỷ mà ta dựng lên những hàng rào để cô lập mình và loại trừ người nào khác với mình.

 

 “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”

 

Sau đó, niềm hiệp nhất được Chúa Thánh Thần thực hiện lúc đó cần phải được phản ánh nơi cuộc sống các tín hữu. Niềm hiệp nhất tâm trí và cõi lòng được sống thực và bày tỏ trong tình liên đới cụ thể, qua việc chia sẻ những của cải họ có với những anh chị em thiếu thốn. Chính vì niềm hiệp nhất ấy đích thực, nên nó không chấp nhận việc trong cộng đoàn một số người sống dư dật, đang khi những người khác thiếu cả những cái cần thiết.

 

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”

 

Vậy ta phải sống Lời sống tháng này thế nào? Lời này nhấn mạnh đến niềm hiệp thông và hiệp nhất Đức Giêsu đã đòi hỏi nhiều, và để thực hiện lời đó Người đã ban cho chúng ta Thánh thần của Người.

Vậy, bằng cách lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tìm cách tiến tới trong niềm hiệp thông này trên mọi bình diện. Trước hết là bình diện tinh thần, bằng cách vượt lên trên những mầm mống chia rẽ ta mang trong mình. Chẳng hạn thật nghịch lý khi muốn hiệp nhất với Đức Giêsu mà cùng lúc chúng ta lại chia rẽ với nhau bằng cách sử sự ích kỷ, mỗi người một mình đi riêng rẽ, phán đoán lẫn nhau và có thể loại trừ nhau. Vậy cần phải một lần nữa chúng ta trở về với Chúa là Đấng muốn ta hiệp nhất.

Hơn nữa Lời này sẽ giúp chúng ta càng ngày càng hiểu hơn nữa sự trái nghịch giữa đức tin Kitô và việc sử dụng cách ích kỷ những của cải vật chất. Lời này sẽ giúp ta thực hiện một tình liên đới đích thực với những người thiếu thốn, cả trong khả năng giới hạn của ta.

Sau đó khi gặp gỡ nhau trong tháng cử hành tuần lễ cầu nguyện cho các tín hữu Kitô hiệp nhất (từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng), Lời này sẽ thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và làm cho vững mạnh những giây liên kết hiệp nhất và thương yêu, chia sẻ với những người anh chị em thuộc những Giáo hội khác nhau, vì cùng với họ chúng ta có chung một đức tin duy nhất và thần khí duy nhất của Đức Kitô lãnh nhận trong phép Rửa.

 

Chiara Lubich