Lời Sống

Tháng Hai 2011

 

 

“Phàm ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” - (Rm 8:14)

 

          Câu này nằm ở trung tâm những lời thánh Phaolo ca tụng vẻ đẹp của đời sống Kitô, sự mới mẻ cùng tự do của cuộc sống ấy, cuộc sống nẩy sinh từ phép rửa và từ niềm tin nơi Đức Giêsu, chúng hội nhập ta hoàn toàn vào Người và qua Người vào cuộc sống của Thiên Chúa-Ba-ngôi. Khi trở nên một con người duy nhất với Đức Kitô, chúng ta chia sẻ Thánh thần của Người và những hoa quả của Thánh thần; ơn đầu tiên trong các ơn ấy là được làm con cái Thiên Chúa.

Cho dầu thánh Phaolô nói đến “nghĩa tử” (Xem Rm 8:15; Gl 4:5), ngài có ý phân biệt điều này với chức vị làm con ruột là điều chỉ dành cho Con duy nhất của Thiên Chúa mà thôi.

Mối liên hệ của ta với Thiên Chúa không chỉ là mối liên hệ theo luật pháp như nơi những người con được thừa nhận, mà là cái gì cốt yếu, nó thay đổi chính bản chất của ta, như qua một cuộc tái sinh vậy. Bởi vì toàn thể cuộc sống của ta đều được một nguyên lý mới, một tinh thần mới là chính Thần khí của Thiên Chúa làm sinh động.

Và cùng với thánh Phaolo ta sẽ không ngừng ca tụng phép lạ sự chết và phục sinh mà phép Rửa thực hiện nơi ta.

 

“Phàm ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”

 

Lời này nói với chúng ta một điều có liên quan tới cuộc sống làm Kitô hữu của ta, cuộc sống ở đó Thần khí của Đức Giêsu đưa vào một sức sống, một sức mạnh mà thánh Phaolo tóm tắt nơi sự chống đối giữa xác thịt và tinh thần, theo nghĩa xác thịt là toàn thể con người (thân xác và linh hồn) cùng với tất cả sự yếu đuối về thể tạng, và tính ích kỷ của con người luôn luôn chống lại luật yêu thương, hơn nữa còn chống lại chính Tình thương đã được đổ vào lòng chúng ta (Xem Rm 5:5).

Thực vậy những ai được Thần khí hướng dẫn, hàng ngày họ đều phải đương đầu với “cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1Tm 6:12) để có thể chống lại mọi hướng chiều về sự dữ và sống theo đức tin đã tuyên xưng trong phép Rửa.

Nhưng phải làm thế nào?

Ta biết rằng, để Chúa Thánh thần tác động, ta cần phải tuân theo; và thánh Phaolô, khi viết lời này, ngài nghĩ trước hết đến một trong những bổn phận của các môn đệ Đức Kitô là từ bỏ chính mình, đây là cuộc chiến đấu chống lại tính ích kỷ dưới rất nhiều hình thức của nó.

Nhưng chính cái chết cho mình này tạo nên sự sống; như vậy mỗi lần cắt tỉa, mỗi sự khước từ cái tôi ích kỷ đều là nguồn phát sinh sự an bình, niềm vui, sự tự do nội tâm; đều là cửa mở ra đón nhận Thánh thần.

Khi để cho Thánh thần, Đấng ngự trong tâm hồn ta, được tự do hơn, thì Người có thể rộng ban cho ta những ân sủng, và có thể hướng dẫn ta trong cuộc sống.

 

“Phàm ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”

 

Làm sao ta thực hành được Lời này?

Trước tiên ta phải ý thức hơn nữa về sự hiện diện của Chúa Thánh thần nơi mình: ta mang trong thâm tâm một kho tàng lớn lao; nhưng lại không nhận ra điều đó. Ta có được một sự phong phú lạ thường; nhưng lại dùng đến ít nhất.

Tiếp theo, để có thể nghe được tiếng Người và tuân theo, ta phải từ chối tất cả những gì nghịch lại ý Chúa, và chấp thuận những gì Người muốn: đó là từ chối những cám dỗ, bằng cách cắt đứt ngay những quyến dũ; chu toàn những bổn phận Thiên Chúa đã trao phó cho ta; vui lòng mến yêu mọi người; chấp nhận những thử thách và những khó khăn ta gặp.

Làm như vậy Chúa Thánh thần sẽ hướng dẫn ta, đem lại cho cuộc sống Kitô của ta hương vị, sức mạnh,   tính quyết liệt, sự ngời sáng của một cuộc sống đích thực.

Lúc đó cả người gần ta cũng sẽ nhận ra rằng ta không chỉ là những con cái của gia đình nhân loại mà thôi, mà còn là con cái Thiên Chúa nữa.

 

Chiara Lubich