LỜI SỐNG 

Tháng 09.2011

 

“Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây

đã chết mà nay lại sống. đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15:32)

Ta tìm thấy câu này ở cuối dụ ngôn gọi là dụ ngôn người con phung phá mà chắc chắn Bạn biết; dụ ngôn muốn cho ta thấy lòng xót thương lớn lao của Thiên Chúa. Câu này chấm dứt tất cả một chương trong Tin mừng Luca, ở đó Ðức Giêsu kể hai dụ ngôn khác để diễn tả cùng một đề tài.

Bạn có nhớ chuyện con chiên lạc;  để tìm chiên, người chủ bỏ chín mươi chín con kia lại trong hoang địa không? (Xem Lc 4-7)

Và Bạn có nhớ chuyện đồng bạc đánh mất và niềm vui của người đàn bà, khi đã tìm lại được, gọi các bà bạn và láng giềng lại để chung vui không? (Lc 15:8 – 10).    

“Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây

đã chết mà nay lại sống. đã mất mà nay lại tìm thấy”

Ðây là những lời Thiên Chúa mời gọi Bạn và tất cả mọi Kitô hữu, cùng chung vui với Người,  ăn mừng và tham dự vào niềm vui của Người, vì người tội lỗi trở lại, trước đã mất rồi lại tìm thấy. Trong dụ ngôn, người cha nói những lời này với người con lớn, đứa con đã chia sẻ tất cả cuộc sống của người cha, nhưng sau một ngày vất vả, lại từ chối không vào trong nhà, nơi người ta đang ăn mừng người em trở về.

Người cha đến gặp đứa con trung tín, như đã gặp đứa con lạc mất, và tìm cách thuyết phục. Nhưng người ta thấy rõ sự tương phản giữa tình cảm của người cha với tình cảm của người con lớn: người cha, với tình thương vô biên và niềm vui lớn lao, muốn tất cả mọi người chung vui; người con đầy lòng khinh dễ và ghen tị đối với em mình, vì không còn nhìn nhận là em nữa. Thực vậy, khi nói về người em, người anh bảo: “Thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha” (Lc 15:30).

Tình thương và niềm vui của người cha, vì đứa con trở lại, còn làm nổi bật hơn nữa nỗi tức giận của người con, nỗi tức giận nói lên mối liên hệ lạnh lùng và ta có thể nói, giả dối với chính người cha. Người con này chỉ lo đến việc làm, đến việc chu toàn bổn phận của mình, mà không yêu mến người cha như một đứa con. Ta có thể nói rằng người con đó vâng phục người cha như đối với một ông chủ.

“Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây

đã chết mà nay lại sống. đã mất mà nay lại tìm thấy”

Với những lời này Ðức Giêsu tố cáo mối nguy mà Bạn cũng có thể gặp phải: đó là một cuộc sống nhằm nên người đàng hoàng, dựa trên việc tìm sự hoàn thiện cho mình, đang khi xét đoán những người anh em không bằng mình. Thực thế, nếu quá “bám víu” vào sự trọn lành, thì Bạn vun trồng chính mình, đầy tràn chính mình, chỉ ngưỡng mộ chính mình. Bạn làm như người con ở lại nhà, anh ta kể lể với cha những công lao của mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh” (Lc 15:29). 

“Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây

đã chết mà nay lại sống. đã mất mà nay lại tìm thấy”

Với những lời này Ðức Giêsu đi ngược lại thái độ, theo đó mối liên hệ với Thiên Chúa chỉ dựa trên việc tuân giữ những  điều răn. Nhưng việc tuân giữ như vậy không đủ. Cả truyền thống Do thái cũng rất ý thức về điều đó.

Trong dụ ngôn này Ðức Giêsu  đặt nổi Tình thương của Thiên Chúa, bằng cách cho thấy Thiên Chúa, Ðấng là Tình thương, đi đến với con người trước, không đếm xỉa đến việc người đó có xứng đáng hay không, mà muốn con người mở rộng lòng cho Người, để có thể có được cuộc sống hiệp thông đích thực. Dĩ nhiên, Bạn có thể hiểu, trở ngại lớn lao cho Thiên Chúa-Tình thương là chính cuộc sống của những người lo tích trữ những hành động, việc làm, đang khi Thiên Chúa muốn cõi lòng của họ.

“Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây

đã chết mà nay lại sống. đã mất mà nay lại tìm thấy”

Với những lời này Ðức Giêsu mời gọi Bạn hãy có cùng một tình thương không đo lường như Chúa Cha đối với người tội lỗi. Ðức Giêsu kêu gọi Bạn đừng lấy kích thước của mình mà xét đoán tình thương của Chúa Cha đối với bất kỳ ai. Khi mời gọi người con lớn chia sẻ niềm vui của mình đối với người con tìm lại được, Chúa Cha cũng xin Bạn thay đổi tâm thức: trên thực tế Bạn phải  đón nhận như anh chị em, cả những người mà Bạn chỉ giữ lòng khinh khi và tự cao đối với họ. Ðiều đó tạo nên nơi Bạn một cuộc cách mạng thực sự, bởi vì nó tẩy sạch Bạn khỏi niềm xác tín cho mình là người khá hơn, làm cho Bạn tránh được tinh thần vô nhân nhượng tôn giáo và làm cho Bạn tiếp nhận ơn cứu độ mà Ðức Giêsu  đã  đem lại cho Bạn, như hồng ân tinh tuyền của tình thươngThiên Chúa.

Chiara Lubich

 


Trở Về Mục Lục