Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.

Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.

(Ê-phê-xô 4:30-5:2)

 

 

Lời Sống

Tháng Mười Một 2013

 

 

“Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha

    thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô” - (Ê-phê-xô 4:32)

 

Chương trình sống này thật cụ thể và chính yếu. Tự nó đã đủ để tạo nên một xã hội khác biệt, huynh đệ hơn, đoàn kết hơn. Chương trình này lấy từ một chương trình đề ra cho các tín hữu Kitô miền Tiểu Á.

Hai dân tộc đại diện cho nhân loại là dân Do thái và dân ngoại, đến lúc đó còn chia rẽ, đã đạt đến “hoà bình” nơi các cộng đoàn nói trên.

Sự hiệp nhất Ðức Giêsu ban phải luôn luôn được làm cho sống động và trở thành những thái độ cụ thể trong xã hội, những thái độ tất cả bắt nguồn từ lòng thương yêu lẫn nhau. Từ đó ta có được những chỉ dẫn phải hành sử thế nào:

 

“Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha

    thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô”

 

Ðối sử tốt với nhau: là muốn điều tốt cho người khác. Ðó là “nên một” với người đó, đến với họ trong thái độ hoàn toàn gạt bỏ ra ngoài chính mình, những điều mình thích, những tư tưởng của mình, rất nhiều thành kiến làm lu mờ cái nhìn của ta, để nhận lấy những gánh nặng, những nhu cầu, những đau khổ của người đó, để chia sẻ niềm vui.

Ðó là đi vào tâm hồn tất cả những người chúng ta gặp, hầu hiểu được tâm thức, văn hoá, truyền thống của họ và một cách nào đó làm cho chúng thành của mình; để thực sự hiểu được điều họ cần và biết đón nhận những giá trị Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn mỗi người. Tắt một lời: đó là sống cho người bên cạnh ta.

Lòng thương xót: là tiếp nhận người khác theo như con người của họ, mà không như ta muốn cho họ, với một tính tình khác, với cùng một ý tưởng chính trị như ta, với những xác tín tôn giáo của ta, và không có những khuyết điểm hoặc những cách hành sử làm ta khó chịu. Không, cần phải nới rộng tâm hồn và làm cho nó có khả năng đón nhận tất cả mọi người trong những khác biệt, giới hạn cùng bần cùng của họ.

Lòng tha thứ: là luôn nhìn người khác như người mới. Cả nơi những cộng đoàn tốt đẹp cùng an hoà nhất, nơi gia đình, trường học, nơi làm việc, cũng không bao giờ thiếu những giây phút bất hoà, bất đồng, chống đối. Lúc đó người ta đi đến chỗ ngắt lời nhau, tránh gặp mặt nhau, chưa kể người ta còn giữ trong lòng mối thù hận thực sự đối với người không nghĩ như mình. Quyết tâm mạnh mẽ cùng đòi hỏi đối với chúng ta là mỗi ngày ta phải tìm cách nhìn những người anh chị em mình như những con người mới, không còn nhớ đến những xúc phạm phải chịu, mà lấy tình thương che phủ tất cả, với thái độ ân xá hoàn toàn trong lòng, bắt chước Thiên Chúa là Ðấng tha thứ cùng bỏ qua mọi sự.

Sau đó ta đạt được niềm an bình thực sự cùng hiệp nhất, khi việc đối xử tốt, lòng thương xót cùng tha thứ không chỉ được thực hiện nơi từng người, mà tất cả cùng nhau, lẫn cho nhau.

Và như một cái lò đốt cháy lâu lâu cần phải gạt than ra, để tro không phủ kín, cũng thế thỉnh thoảng ta cũng phải làm cho sống lại quyết tâm thương yêu nhau, làm cho sống động những mối liên hệ với mọi người, để chúng không bị lớp tro dửng dưng, ác cảm, ích kỷ phủ kín.

 

“Anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha

    thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô”

 

Những thái độ này đòi hỏi phải trở thành hành động cụ thể.

Chính Ðức Giêsu đã cho ta thấy lòng thương yêu là gì, khi Người chữa lành bệnh nhân, khi Người cho đám đông ăn, khi Người làm cho kẻ chết sống lại, khi Người rửa chân cho các môn đệ. Hành động, hành động: đó là yêu thương.

Tôi còn nhớ một bà mẹ người Phi châu. Bà đã chịu đau khổ vì đứa con gái tên là Rosangela bị một đứa con trai lấy que đâm mù một mắt, và nó vẫn tiếp tục cười nhạo con bà. Vậy mà cha mẹ của đứa con trai không thèm xin lỗi. Sự yên lặng, không giao tiếp với gia đình kia làm bà cay đắng. Rosangela đã tha thứ cho đứa con trai và bảo: “Má yên lòng, con còn tốt phúc, con vẫn còn nhìn được với mắt kia!”

Mẹ của Rosangela kể, “Một buổi sáng, mẹ của đứa con trai cho người đến tìm tôi vì bà bị bệnh. Phản ứng đầu tiên của tôi là: ‘Coi đó, bây giờ bà ta đến xin tôi giúp, trong số biết bao người hàng xóm   ta lại nhờ chính tôi, sau điều con bà đã làm cho gia đình tôi!’

Nhưng lập tức tôi nhớ rằng tình thương không có biên giới. Tôi chạy đến nhà bà đó. Bà ta ra mở cửa và ngất xỉu trên tay tôi. Tôi đưa bà ta đến bệnh viện và ngồi bên cạnh cho đến khi bác sĩ đến săn sóc. Sau một tuần lễ, bà ta rời bệnh viện và đến nhà cám ơn tôi. Tôi tiếp bà ta thật tình. Tôi đã tha thứ cho bà. Bây giờ mối quan hệ đã  trở lại, hơn thế đã bắt đầu lại như mới.

Chúng ta cũng có thể lấp đầy ngày sống của mình với những việc phục vụ cụ thể, khiêm tốn và thông minh, như diễn tả của lòng thương yêu của ta. Chúng ta sẽ thấy tình huynh đệ và niềm an bình lớn lên chung quanh ta.

 

Chiara Lubich


LỜI SỐNG 2013