Lời sống

Tháng Giêng 2015

“Chúa Giêsu nói với người ấy: “Xin cho tôi uống với”  (Ga 4,7)

Lúc đó Đức Giêsu bỏ miền Giu-đe-a đi miền Ga-li-le-a. Con đường đưa Người qua miền Sa-ma-ri-a. Giữa trưa, dưới mặt trời, mệt mỏi vì cuộc hành trình, Người ngồi xuống cạnh cái giếng mà tổ phụ Gia-cóp đã xây 1700 năm trước. Người khát nước, nhưng không có thìng để múc nước. Giếng thì sâu 35 mét, như ngày nay ta cũng có thể thấy.

Các môn đệ đã vào làng mua thức ăn. Đức Giêsu ở lại một mình. Một phụ nữ đi đến với một cái bình và một cách đơn giản Người xin chị ta nước uống. Đó là một lời xin nghịch lại thói quen thời đó: một người đàn ông không nói chuyện trực tiếp với một phụ nữ, nhất là người lạ mặt. Hơn nữa giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri-a có những chia rẽ và thành kiến tôn giáo: Đức Giêsu là người Do-thái và người phụ nữ là người Sa-ma-ri-a. Sự bất đồng , và cả đến sự ghen ghét, giữa hai dân tộc có nguồn gốc sâu xa, bắt nguồn từ lịch sử, chính trị. Còn có một hàng rào giữa Người và chị ta kiểu đạo đức: người phụ nữ Sa-ma-ri-a đã có nhiều chồng và đang sống trong một hoàn cảnh bất thường. Có lẽ vì thế mà chị ta không đến múc nước cùng với những phụ nữ khác vào buổi sáng hay vào buổi chiều, mà vào một giờ bất thường như giờ này, giữa trưa: để tránh những lời bình phẩm của họ.

Đức Giêsu không để mình bị ảnh hưởng bởi một loại ngăn cách nào và bắt đầu cuộc đối thoại với người phụ nữ xa lạ. Người muốn đi vào tâm hồn chị ta và hỏi chị ta:

“Xin cho tôi uống với”

Người dự trữ một hồng ân cho chị ta, hồng ân nước hằng sống. “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hãy đến mà uống” (Ga 7,37), chúng ta sẽ nghe Người nói lớn như vậy sau này tại Giê-ru-sa-lem. Nước là điều thiết yếu cho mọi loại sự sống và xem ra còn quý giá hơn nữa tại những môi trường khô khan như ở Pa-lex-ti-na. Nước mà Đức Giêsu muốn ban là nước “hằng sống”, để biểu hiện sự mạc khải của một Thiên Chúa, Đấng là Cha và là tình yêu, là Thánh Thần, là sự sống thần linh mà Người đã mang đến. Tất cả những gì Người ban đều sống động và đem lại sự sống: chính Người là bánh “hằng sống” (cf Ga 6,51ss), là Lời đem lại sự sống (cf Ga 5,25), là sự Sống cf Ga 11,25-26). Trên thập giá, tông đồ Gioan còn nói với chúng ta rằng ông là chứng nhân, khi một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, “tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34): đó là hồng ân cực độ và hoàn toàn của chính Người.

Nhưng Đức Giêsu không áp đặt. Người cũng không trách chị ta về cuộc chung sống bất thường. Người, Đấng có thể ban mọi sự lại đi xin, vì thực sự Người cần món qùa của chị ta:

“Xin cho tôi uống với”

Đức Giêsu xin vì Người mệt mỏi, khát nước. Người là Chúa của sự sống, trở nên người xin xỏ, mà không dấu diếm nhân tính thực sự của mình.

Người xin cũng vì biết là nếu người phụ nữ cho đi, thì chị ta  có thể mở rộng lòng dễ dàng hơn và sẵn sàng đón nhận.

Từ lời xin xỏ này khởi sự một cuộc nói chuyện làm nên bởi những tranh luận, những hiểu lầm, những tìm hiểu mà cuối cùng Đức Giêsu có thể mạc khải chính cá tính đặc thù của mình. Cuộc nói chuyện đã phá đổ những hàng rào bảo vệ và đã đưa đến chỗ khám phá ra sự thật, là nước mà Người đã mang đến. Người phụ nữ bỏ lại cái mà lúc đó quý giá nhất đối với chị, là cái vò nước, vì chị đã tìm được sự giầu có khác, và chạy vào phố để đến lượt mình bắt đầu một cuộc đối thoại với những người láng giềng. Chị cũng không ép buộc, mà kể lại chuyện đã xẩy ra, thông đạt kinh nghiệm của mình và đặt vấn nạn về  người mình đã gặp, người đã họi chị:

“Xin cho tôi uống với”

Trong trang Tin mừng này xem ra tôi nhận được một giáo huấn về việc đối thoại đại kết mà hàng năm, vào tháng này, chúng ta được nhắc nhớ về sự khẩn trương của nó. “Tuần lễ cầu nguyện cho việc hợp nhất các tín hữu KItô” làm cho chúng ta ý thức về sự chia rẽ làm đau lòng giữa các Giáo hội, điều đã tiếp tục từ quá nhiều năm và mời gọi chúng ta rút ngắn thời gian đi đến cuộc hiệp thông sâu xa, vượt trên mọi ngăn cách, cũng như Đức Giêsu đã vượt trên những rạn nứt giữa người Do thái và người Sa-ma-ri-a.

Sự chia rẽ giữa các tín hữu KItô không chỉ là một trong vô vàn chia rẽ làm chúng ta đau lòng trong nhiều phạm vi khác nhau, làm thành bởi những hiểu lầm, những bất đồng trong gia đình hoặc trong chung cư, những căng thẳng trong việc làm, những thù oán với những người nhập cư. Những hàng rào mà thường chia rẽ chúng ta có thể theo kiểu xã hội, chính trị, hay chỉ là kết qủa của những thói quen văn hóa khác nhau mà chúng ta không biết chấp nhận. Đó là những chia rẽ gây ra những tranh chấp giữa các quốc gia và những chủng tộc, mà cả những thù nghịch tại khu phố. Như Đức Giêsu, chúng ta không thể mở rộng đến người khác, bằng cách vượt trên những khác biệt và thành kiến sao? Tại sao ta không lắng nghe, vượt ra ngoài những cách thế người ta trình bày, lời thỉnh cầu được thông cảm, được giúp đỡ, được chú ý đến hơn nữa? Cả nơi người thuộc phe chống đối hay thuộc nguồn gốc văn hóa, tôn giáo, xã hội khác, cũng dấu ẩn một Đức Giêsu đang nói với chúng ta và xin:

“Xin cho tôi uống với”

Ta sực nhớ đến một lời khác tương tự của Đức Giêsu, thốt ra trên thập giá, luôn được Tin mừng Gioan làm chứng: “Tôi khát” (19,28). Đó là yêu cầu đầu tiên, diễn tả mọi nhu cầu khác. Nơi mỗi người thiếu thốn, thất nghiệp, cô đơn, xa lạ, hoặc thuộc về một niềm tin khác hoặc thuộc một xác tín tôn giáo khác, cũng như thù nghịch, thì chúng ta có thể nhận ra Đức Giêsu, Người nói với ta: “Tôi khát” và xin ta: “Xin cho tôi uống với”. Chỉ cần hiến cho họ một ly nước, như Tin mừng dạy, để được thưởng công (cf Mt 10, 42), để bắt đầu cuộc đối thoại tái tạo tình huynh đệ.

Đến lượt mình, chúng ta cũng có thể nói lên những nhu cầu của chúng ta mà không hổ thẹn mình “khát nước” và đến lượt ta xin: “Xin cho tôi uống với”. Như thế ta sẽ có thể khởi sự một cuộc đối thoại thành thật và sự hiệp thông cụ thể, mà không sợ sự khác biệt, sợ liều mình chia sẻ ý nghĩ và không sợ đón nhận người khác. Nhất là dựa trên những tiềm năng của người ta đối diện, trên những giá trị vẫn có của người ấy, cho dầu chúng tiềm ẩn, như Đức Giêsu đã làm, Người biết nhận ra nơi người phụ nữ điều Người không thể làm, là múc nước.

                   Fabio Ciardi


LỜI SỐNG 2015