Lời sống

Tháng Ba 2015

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập mình mà theo”

(Mc 8, 34)

 

Trong cuộc hành trình đến miền bắc Ga-li-lê-a, tại những làng chung quanh thị trấn Xê-sa-rê Phi-lip-pê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ họ nghĩ gì về mình. Ông Phê-rô, nhân danh tất cả mọi người, tuyên xưng rằng Người là Đức Kitô, Đấng Mê-si-a người ta trông đợi từ hàng thế kỷ. Để tránh những ngộ nhận, Đức Giêsu giải thích rõ rệt Người có ý định thực hiện sứ mạng của mình thế nào. Người sẽ giải thoát dân mình, nhưng theo một cách thế người ta không ngờ, bằng cách trả bằng chính bản thân mình: Người sẽ phải chịu khổ rất nhiều, bị thử thách, bị giết và, sau ba ngày, sẽ sống lại. Ông Phê-rô không chấp nhận cái nhìn này về Đấng Mê-si-a - như rất nhiều người khác vào thời của ông, ông tưởng tượng Đấng Mê-si-a như một người sẽ hành động với quyền năng và sức mạnh, bằng cách đánh bại người Rô-ma và đặt nước It-ra-el vào đúng chỗ của nó trên thế giới – và  ông trách Đức Giêsu, Đấng đến lượt Người cảnh cáo ông như sau: “Anh không nghĩ như Thiên Chúa, mà theo con người” (cf 8, 31-32).

Đức Giêsu lại lên đường, lần này Người hướng về Giêrusalem, nơi Người sẽ hoàn tất định mệnh chết đi và sống lại. Lúc này các môn đệ biết rằng Người sẽ chết, nên các ông còn muốn theo Người nữa không? Những điều kiện mà Đức Giêsu đòi hỏi đều rõ ràng và gắt gao. Người gọi đám đông và những môn đệ của Người lại chung quanh mình và nói:

 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập mình mà theo”

 

Các ông bị vị Thầy hấp dẫn, khi Người đi ngang trên bờ hồ, đang lúc các ông thả lưới đánh cá, hay bên bàn thu thuế. Không ngần ngại các ông đã bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ bàn thuế, bỏ cha mẹ, nhà cửa, gia đình, để chạy theo Người. Các ông đã thấy Người làm phép lạ và đã nghe lời khôn ngoan Người dạy. Đến lúc đó các ông đã phấn khởi theo Người vởi niềm vui và lòng hăng say.

Dầu sao đi theo Đức Giêsu còn là điều đòi hỏi hơn nữa. Bây giờ xem ra rõ ràng là việc đó nghĩa là chia sẻ trọn vẹ cuộc sống và định mệnh của Người: sự thất bại và thù nghịch, cho đến cái chết, và cái chết khủng khiếp thế nào! Cái chết đau đớn nhất, nhục nhã nhất, cái chết dành cho những kẻ sát nhân và những tên tội phạm  tàn nhẫn nhất. Một cái chết mà Kinh thánh gọi là “bị nguyền rủa” (cf Đnl 21:23). Nội cái tên “thập giá” đã gieo kinh hãi, hầu như không thể nói lên được. Đây là lần đầu tiên từ ngữ này xuất hiện trong Tin mừng. Ai biết ấn tượng nào đã để lại nơi những người nghe Người.

Bây giờ Đức Giêsu đã khẳng định rõ ràng đặc tính cá biệt của mình, Người cũng có thể chỉ cho thấy rõ ràng như vậy đặc tính cá biệt của người môn đệ mình. Nếu vị Thầy là người yêu mến dân mình đến chỗ chết vì họ, bằng cách nhận lấy cho mình thập giá, thì cả người môn đệ cũng vậy, để được như thế, người môn đệ phải bỏ sang một bên cách nghĩ tưởng của mình, để chia sẽ trong mọi sự cuộc sống của vị Thầy, và bắt đầu bằng thập giá:

 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập mình mà theo”

 

Làm người Kitô hữu nghĩa là trở nên những Kitô khác: nghĩa là có “cùng những cảm nghĩ của Đức Kitô”, Đấng “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl2, 5.8); bị đóng đinh thập giá cùng với Đức Kitô, cho đến chỗ có thể nói lên với thánh Phaolô rằng: “không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20); không biết điều gì khác “ngoài Đức Giêsu Kitô, và Đức Kitô bị đóng đinh thập giá” (1Cr 2, 2). Chính Đức Giêsu là người tiếp tục sống, chết đi, sống lại trong chúng ta. Đó là hoài bão lớn nhất của một Kitô hữu, hoài bão đã làm nên những vị thánh vĩ đại: đó là nên như Thầy mình. Nhưng làm sao theo chân Đức Giêsu để được như vậy?

Bước đầu tiên là “từ bỏ chính mình”, xa rời cách nghĩ tưởng  của riêng mình. Đó là bước mà Đức Giêsu đã đòi ông Phêrô, khi Người trách ông nghĩ tưởng theo người phàm mà không theo Thiên Chúa. Cả chúng ta, như ông Phêrô, có khi cũng muốn khẳng định chính mình một cách ích kỷ, hay ít là theo những tiêu chuẩn của mình. Ta tìm sự thành công dễ dãi và ngay tức khắc, san bằng mọi khó khăn, chúng ta ghen tị nhìn người đi theo công danh, ta mơ tưởng có một gia đình hợp nhất và xây dựng quanh mình một xã hội huynh đệ và một cộng đoàn Kitô mà không phải trả giá đắt.

Từ bỏ chính mình có nghĩa là đi vào cách nghĩ tưởng của Thiên Chúa, cách thức mà Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta trong cách cư sử của Người: cái lô-gích của hạt thóc phải chết đi để đem lại hoa trái, của việc tìm được niềm vui khi cho đi hơn là khi nhận lãnh, của việc hiến mạng sống vì tình yêu, tắt một lời, của việc nhận lấy thập giá của mình:

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập mình mà theo”

 

Thập giá - của “mỗi ngày”, như Tin mừng Luca dạy (9, 20)- có thể có hàng ngàn diện mạo: đó là cơn bệnh, mất việc làm, không có khả năng giải quyết những vấn đề gia đình hay vấn đề nghề nghiệp, ý thức về thất bại không thể tạo nên được những mối quan hệ đích thực, ý thức về sự bất lực trước những cuộc tranh chấp lớn trên thế giới, thái độ phẫn uất vì những điều nhục nhã thường xẩy ra trong xã hội chúng ta... Thập giá, thì không cần phải tìm, tự nó đến với chúng ta, có lẽ chính khi ta không chờ đợi và theo những cách thế không bao giờ chúng ta tưởng tượng.

Lời mời gọi của Đức Giêsu là “vác lấy thập giá”, mà không đành phải chịu như một sự dữ không thể tránh được, mà không để cho nó ập đến và đè bẹp ta, cũng không chịu đựng thập giá như một người khắc khổ và vô tư. Trái lại hãy đón nhận thập giá như việc chia sẻ thập giá của Người, như dịp ta có để nên môn đệ của Người, cả trong tình cảnh này và dịp để sống hiệp thông với Người cả trong đau khổ đó, bởi vì Người là người đầu tiên đã chia sẻ thập giá của ta. Thực vậy, khi Đức Giêsu nhập lấy thập giá của Người, cùng với thập giá Người đã vác trên vai tất cả mọi thập giá của chúng ta. Trong mỗi đau khổ, bất kỳ nó có diện mạo nào, thì chúng ta cũng gặp được Đức Giêsu, Đấng đã nhận lấy đau khổ đó cho mình.

Về điều này, Ông Igino Giorndani đã nhìn thấy đổi ngược vai trò của ông Simon thành Ci-rê-nê, người vác đỡ thập giá Đức Giêsu: đó là thập giá “bớt nặng hơn, nếu Đức Giêsu làm như ông Si-mon đối với chúng ta”. Và nó còn bớt nặng hơn nữa, ông nói tiếp, nếu chúng ta cùng nhau vác: “Một thập giá được một người vác thì cuối cùng sẽ đè bẹp người đó; khi được nhiều người vác chung với Đức Giêsu ngự giữa, hoặc là bằng cách nhận lấy Đức Giêsu như ông Simon, thì nó nên nhẹ nhàng: đó là ách nhẹ nhàng. Cuộc trèo núi, khi nhiều người đồng tâm thực hiện buộc dây vào nhau, thì trở nên một cuộc vui, đang khi nó làm cho họ đi lên”[1]

Như vậy nhận lấy thập giá để cùng vác với Người, khi biết là chúng ta không vác một mình, vì Người cùng vác với ta, thì đó là mối quan hệ, là việc thuộc về Đức Giêsu, cho đến chỗ hiệp thông trọn vẹn, cho đến chỗ trở nên như Người. Chính như thế mà ta đi theo Đức Giêsu và trở thành những môn đệ đích thực.  Lúc đó thập giá đối với ta, cũng như đối với Đức Kitô, sẽ là “quyền năng của Thiên Chúa” (1Cr 1,18), con đường đi đến phục sinh. Trong mỗi sự yếu đuối ta sẽ tìm được sức mạnh, trong mỗi sự tối tăm ánh sáng, mỗi cái chết sự sống, bởi vì chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu.

 

Fabio Ciardi



[1] La divina avventura, Città Nuova, Roma 1966, p. 149ss.


LỜI SỐNG 2015