Lời Sống

Tháng Tư 2015

“Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người” , (1Cr 9,22)

Trong lá thư  thứ nhất gởi cộng đoàn ở Cô-rinh-tô, từ đó chúng ta trích ra Lời sống tháng này, thánh Phaolô phải tự bào chữa trước thái độ thiếu suy xét mà một vài tín hữu Kitô tỏ ra đối với thánh nhân. Họ hồ nghi hoặc chối bỏ đặc tính tông đồ của ngài. Sau khi đòi lại hoàn toàn phẩm chất tông đồ vì đã được “thấy Đức Giêsu” (cf 9, 1), thánh Phao-lô giải thích tại sao ngài có thái độ khiêm tốn và tự hạ, đến độ từ chối mọi thứ đền bù cho công việc ngài làm. Mặc dù có thể khẳng định thẩm quyền của mình và những quyền lợi của một tông đồ, thánh nhân ưa chuộng trở nên “tôi tớ mọi người”. Đó là chiến thuật theo Tin mừng của ngài.

Thánh Phao-lô liên đới với mọi loại người, đến chỗ trở nên một người như họ, với mục đích đem đến cho họ sự mới lạ của Tin mừng.  Năm lần thánh nhân lặp lại câu “tôi đã trở nên” một với người khác: với người Do-thái, vì lòng thương yêu họ, thánh nhân tùng phục luật Mô-sê, cho dầu cho là mình không bị ràng buôc bởi luật này; với những người không phải là Do thái, những người không theo luật Mô-sê, thánh nhân cũng sống như thể không có luật này, trái lại đang khi thánh nhân có một luật đòi hỏi là chính Đức Giêsu; với những người được gọi là “yếu đuối” – có lẽ là những người Kitô hay bối rối, những người đặt vấn đề có nên ăn hoặc không ăn thịt cúng thần -, thì thánh nhân cũng nên người yếu đuối, cho dầu ngài “vững mạnh” và cảm nhận một sự tự do lớn lao. Tắt một lời, thánh nhân nên “tất cả cho mọi người”.

Mỗi lần thánh nhân lặp lại rằng ngài hành động như vậy để “chinh phuc” mỗi người cho đức Kitô, để “cứu” bằng mọi giá ít là một vài người. Thánh nhân không ảo tưởng, không mong đợi vinh quang, ngài biết rõ rằng chỉ có một số người đáp lại lòng yêu thương của ngài, nhưng thánh nhân vẫn yêu thương tất cả mọi người và đặt mình phục vụ tất cả theo gương của Chúa, Đấng đã đến “để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Ai hơn Đức Giêsu Kitô là người đã nên một với chúng ta? Người, Đấng là Thiên Chúa, “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7).

“Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người”

Chị Chiara Lubich đã lấy lời này làm một trong những điểm nòng cốt cho “nghệ thuật yêu thương” của chị, được đúc kết bằng kiểu nói “trở nên một”.  Ở đây chị đã nhìn ra lời diễn tả thái độ “ngoại giao” của đức ái. Chị đã để lại bài viết: “Khi một người khóc, thì chúng ta phải khóc với người ấy.  Và nếu người này cười, thì hãy vui hưởng với người đó. Và như thế thập giá được chia sẻ và được nhiều vai gánh vác, và niềm vui được thêm lên và được nhiều người tham dự. […] Trở nên một với người bên cạnh vì lòng yêu mến Đức Giêsu, với tình yêu của Đức Giêsu, để người bên cạnh, khi được tình yêu của Chúa nơi chúng ta đánh động cách dịu dàng, sẽ muốn nên một với  chúng ta, trong việc trao đổi cho nhau sự giúp đỡ, lý tưởng, dự án, tình thương. […] Đó là thuật ngoại giao của đức ái, nhân đức lấy từ thuật ngoại giao thường tình nhiều cách diễn tả và trình bày, vì thế đức ái không nói tất cả những gì có thể nói, bởi vì người anh em không thích và Thiên Chúa không hài lòng; biết chờ đợi, biết nói năng, đạt đến mục đích. Thuật ngoại giao thần thiêng của Ngôi Lời, Đấng mặc lấy xác thịt để thần hoá chúng ta”[1]

Với mục đích giáo dục, chị Chiara cũng nhận ra những cản trở hàng ngày nghịch lại thái độ “nên một”. “Đôi khi đó là những lơ đãng, đôi khi là ước muốn xấu muốn vội vàng nói ra ý tưởng của mình, đưa ra lời khuyên không thích hợp của mình. Vào những dịp khác ta không sẵn sàng nên một với người bên cạnh, vì cho là người đó không hiểu lòng yêu thương của ta, hay ta bị những phán đoán của người khác hãm lại. Trong nhiều trường hợp chúng ta bị cản trở bởi một ý muốn tối tăm muốn chinh phục người đó cho mục tiêu của mình.” Vì thế “cần phải cắt bỏ hay rời lại tất cả những gì tràn ngập tâm trí ta và tâm hồn ta để trở nên một với người khác”[2]. Vậy đó là một tình yêu liên tục và không mệt mỏi, kiên trì và vô vị lợi, tình yêu tự nó phó thác nơi tình yêu lớn lao và quyền năng nhất của Thiên Chúa.

Đó là những chỉ dẫn qúy báu có thể giúp chúng ta sống Lời sống tháng này, đặt mình thành thực lắng nghe người khác, hiểu người đó từ bên trong, đồng hóa với đìều người đó sống và trải nghiệm, bằng cách chia sẻ những bận tâm và niềm vui của người đó:

“Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người”

Chúng ta không thể giải thích lời mời gọi này của Tin mừng như một lời mời gọi từ bỏ những xác tín của mình, hầu như chấp thuận một cách không phê bình bất kỳ cách thế đối sử nào của người khác hoặc không có một đề nghị nào cho cuộc sống hay một ý nghĩ nào của mình. Nếu được yêu mến đến mức độ trở nên người khác, và nếu những gì ta chia sẻ là một món quà của tình thương và đã tạo nên mối quan hệ thành thực, thì ta có thể và phải nói lên ý tưởng của mình, mặc dầu điều đó có thể làm đau đớn, bằng cách luôn luôn ở trong thái độ thương yêu sâu xa hơn. Nên một không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải là tìm kiếm sự chung sống bình lặng, yên hàn, nhưng là diễn tả của một người tự do, người hiến mình phục vụ; nó đòi lòng can đảm và quyết định.

Mục đích của việc nên một cũng quan trọng.

Câu nói của thánh Phaolô mà chúng ta sống tháng này tiếp tục, như chúng ta đã đề cập đến ở trên, với diễn tả như sau: “…để bằng mọi cách cứu được người nào”. Thánh Phaolô chứng minh thái độ nên một của ngài với ước muốn đưa họ đến ơn cứu độ. Đó là con đường đi đến người khác, để làm trổi vượt lên toàn thể sự thiện và sự thật vốn đã ở đó, để thiêu rụi những lầm lỗi có thể xẩy ra và để đặt vào đó mầm giống Tin mừng. Đó là một nhiệm vụ mà, đối với vị Tông đồ, không biết đến những giới hạn, cũng không biết đến những bào chữa, mà thánh nhân không thể bỏ qua, vì chính Thiên Chúa đã trao phó cho ngài, và phải chu toàn “bằng mọi giá”, với tinh thần sáng tạo mà chỉ có tình yêu mới làm được.

Đó là ý hướng mang lại lý do cuối cùng cho việc “nên một” của chúng ta. Cả chính trị và kinh doanh cũng chú ý đến việc trở nên gần gũi với người khác, đi vào tư tưởng của họ, tiếp nhận những đòi hỏi và nhu cầu của họ, nhưng bao giờ cũng có sự tìm tòi…  Trái lại, chị Chiara còn nói, thái độ “ngoại giao thần linh có điều này là lớn lao, là riêng biệt, có lẽ duy nhất của nó: đó là nó được tác động bởi lòng tốt của người khác và như vậy không có một bóng ích kỷ nào”[3]

Như vậy “nên một”, để giúp đỡ tất cả mọi người tăng thêm tình yêu và như vậy góp phần vào việc thực hiện tình huynh đệ đại đồng, giấc mơ của Thiên Chúa về nhân loại, lý do vì đó Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình.

 

                                                                                             Fabio Ciardi


LỜI SỐNG 2015



[1] “Diplomazia”, in Scritti spirituali 1, Città Nuova, Roma 20035, p. 88-89.

[2] La vita, un giaggio, Città Nuova, Roma 19944, p. 63

[3] “Diplomazia”, cit., p. 89.