Lời Sống

Tháng Mười 2015

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn để của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”

                                                                                                          (Ga 13, 35)

 

Đó là đặc tính, là dấu hiệu, là đặc điểm tiêu biểu của các tín hữu Kitô. Hay ít ra phải được như thế, bởi vì Đức Giêsu đã nghĩ về cộng đoàn của Người như vậy.

Một bản văn hấp dẫn vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, đó là Lá thư của Diogneto, đã ghi lại là “những tín hữu  Kitô không phân biệt với những người khác vì địa thế, cũng không vì cách nói năng, cũng không vì cách ăn mặc của họ. Thực vậy họ không sống tại những thành phố riêng biệt, họ không dùng kiểu nói khác lạ, và không áp dụng một cách sống đặc biệt”. Họ là những người bình thường, như tất cả những người khác. Tuy thế họ có một bí mật cho phép họ ảnh hưởng sâu xa vào xã hội bằng cách trở nên linh hồn của xã hội (cf. chương 5-6).

Đó là một bí mật mà Đức Giêsu đã ký thác cho các môn đệ mình ngay trước khi chết. Như những người hiền thuở xưa của dân Israel, như một người cha đối với người con, cũng thế Đức Giêsu là Thầy khôn ngoan, đã để lại di sản là thuật biết sống và sống tốt. Người đã học được nghệ thuật đó trực tiếp từ Chúa Cha: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15), và đó là kết qủa kinh nghiệm của Người trong mối quan hệ với Chúa Cha. Kinh nghiệm đó hệ tại việc thương yêu lẫn nhau. Đó là ý muốn cuối cùng của Người¸chúc thư của Người, là cuộc sống trên trời mà Người đã mang xuống trần gian, đã chia sẻ với chúng ta, để nó  trở nên chính cuộc sống chúng ta.

 

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn để của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”

 

Có phải các môn đệ của Đức Giêsu được người ta nhận biết vì lòng thương yêu lẫn nhau của họ không? “Lịch sử của Giáo hội là lịch sử về sự thánh thiện”, Đức Gioan Phaolô II đã viết. Dầu sao thì lịch sử đó “cũng ghi lại không ít những biến cố tạo nên một chứng từ chống lại Kitô giáo” (Incarnationis Mysterium, 11). Hàng thế kỷ nhân danh Đức Giêsu các tín hữu Kitô đã chiến đấu trong các cuộc chiến không ngừng và tiếp tục chia rẽ giữa họ với nhau. Có những người ngày nay còn gắn liền các tín hữu Kitô với những cuộc Thập tự chiến, với những toà án Điều tra tôn giáo thời Trung cổ (Inquisitio), hoặc nhìn nơi họ những người bảo vệ đến cùng một nền luân lý cổ hủ, nghịch lại với tiến bộ khoa học.

Đối với những tín hữu KItô đầu tiên trong cộng đoàn đang nẩy sinh ở Giê-ru-sa-lem không như thế. Họ được người ta khâm phục vì sự hiệp thông của cải mà họ sống, về sự hiệp nhất bá chủ ở đó, về “niềm vui và tính đơn giản của tâm hồn” tạo nên đặc điểm của họ (cf. CvTđ 5, 13-14). Chứng tá về cuộc sống của cộng đoàn đã có khả năng hấp dẫn mạnh. Tại sao ngày hôm nay chúng ta không được người ta nhận biết như họ là những người nổi bật về tình thương? Chúng ta đã làm gì với điều răn của Đức Giêsu?

 

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn để của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”

Theo truyền thống trong môi trường công giáo, tháng mười được dành cho “việc truyền giáo”, để suy nghĩ về mệnh lệnh của Đức Giêsu là đi khắp thế giới loan truyền Tin mừng, để cầu nguyện và nâng đỡ những người đang ở tiền tuyến. Lời sống này có thể là một trợ giúp cho tất cả mọi người để một lần nữa chú ý đến chiều kích cơ bản của mọi việc loan truyền trong KItô giáo. Đó không phải là sự áp đặt  đức tin, không phải là việc chiêu dụ, không phải là một trợ giúp người nghèo với hậu ý để họ trở lại đạo. Trước tiên đây cũng không phải là việc bảo vệ bó buộc phải làm đối với những giá trị luân lý hoặc là việc xác định vị trí cứng rắn trước những bất công và những cuộc chiến, cho dầu đó vẫn là những thái độ phải có mà người tín hữu KItô không thể trốn tránh.

Trước hết việc loan báo Kitô là một chứng từ của cuộc sống mà mỗi môn đệ của Đức Kitô đều phải tự mình đưa ra: “Người đương thời thích nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy” (Evangelii nuntiandi , 67). Cả người thù ghét Giáo hội cũng thường bị đánh động bởi gương sáng của những người hiến đời mình cho những người bệnh tật, những người nghèo khổ và sẵn sàng bỏ quê hương đi đến những vùng xa xôi để trợ giúp và gần gũi những người rốt hết.

Nhưng nhất là chứng tá mà Đức Giêsu đòi hỏi là chứng tá của toàn thể cộng đoàn để cho thấy sự thật của Tin mừng. Cộng đoàn phải cho người ta thấy rằng cuộc sống mà Người đưa đến có thể thực sự làm nẩy sinh môt xã hội mới, ở đó người ta sống những mối quan hệ huynh đệ đích thực, trợ giúp và phục vụ lẫn nhau, cùng nhau chú ý đến những người yếu đuối và thiếu thốn nhất.

Cuộc sống của Giáo hội đã biết đến những chứng tá giống như vậy, như những làng dành cho dân bản xứ được các tu sĩ dòng Phan-xi-cô và dòng Tên lập nên tại miền nam châu Mỹ, hoặc những tu viện với những ấp mọc lên chung quanh. Ngày nay cũng có những cộng đoàn và những phong trào Giáo hội làm nẩy sinh những thànhh phố chứng tá, nơi người ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu của một xã hội mới, kết qủa của cuộc sống theo Tin mừng, của tình yêu thương lẫn nhau.

 

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn để của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”

 

Không cần phải rời xa những nơi ta sinh sống và những người ta giao tiếp, nếu chúng ta sống với nhau sự hiệp nhất, điều mà vì đó Đức Kitô đã hiến mạng sống mình, thì chúng ta sẽ có thể tạo nên một cách sống khác và gieo vãi chung quanh mình những mầm giống đem lại hi vọng và cuộc sống mới. Một gia đình mà canh tân mỗi ngày ý muốn sống cụ thể trong tình yêu thương nhau thì có thể trở thành một tia sáng giữa thái độ dửng dưng với nhau tại chung cư hay hàng xóm láng giềng. Một “tế bào trong môi trường”, hay hai hoặc ba người đồng ý với nhau thể hiện cách triệt để những đòi hỏi của Tin mừng trong lãnh vực làm việc của mình, tại trường học, tại trụ sở công đoàn, tại những văn phòng quản trị, tại một nhà tù, thì họ có thể bẻ gẫy cái lô-gích của việc đấu tranh quyền lực và tạo nên một bầu khí cộng tác và giúp nẩy sinh tinh huynh đệ đầy cảm hứng.

Chúng ta, những Kitô hữu tiên khởi, đã chẳng làm như vậy vào thời đế quốc Roma sao? Không phải là bằng cách đó mà họ đã gieo rắc tính mới lạ làm biến đổi của Kitô giáo sao? Ngày nay chúng ta là “những Kitô hữu tiên khởi”, được mời gọi giống như họ, để tha thứ cho nhau, luôn nhìn nhau như những con người mới, giúp đỡ lẫn nhau; tắt một lời, để thương yêu nhau với cường độ mà Đức Giêsu đã yêu thương, với niềm chắc chắn là sự hiện diện của Người ở giữa chúng ta có sức mạnh lôi kéo cả những người khác vào lô-gích thần thiêng của tình thương.

                                                                                                Fabio Ciardi

 

 


LỜI SỐNG 2015