Lời Sống

Tháng Hai 2016

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”

                                                                                      (Is 66, 13)

 

Ai mà đã không bao giờ nhìn thấy một đứa bé khóc và lăn sả vào vòng tay người mẹ? Cho dầu bất kỳ điều gì lớn nhỏ đã xẩy ra, người mẹ cũng lau nước mắt cho con, ấp ủ nó với sự dịu hiền, và ngay sau đó đứa bé lại mỉm cười. Nó chỉ cần cảm thấy sự hiện diện và tình yêu của người mẹ là đủ. Thiên Chúa cũng làm như vậy với chúng ta, Người ví mình như một người mẹ.

Với những lời này Thiên Chúa nói với dân của Người bị lưu đày đi Ba-bi-lon trở về. Sau khi đã nhìn thấy nhà cửa của mình và Đến thờ bị phá hủy, sau khi bị đày đi vùng đất xa lạ, ở đó họ đã nếm mùi chán nản và buồn phiền, dân chúng trở về quê hương mình và phải bắt đầu lại từ những đổ nát do sự tàn phá để lại.

Bi kịch dân Israel trải qua cũng chính là bi kịch lặp lại cho rất nhiều dân tộc sống trong chiến tranh, cho những nạn nhân của những hành động khủng bố hay của sự bóc lột vô nhân. Nhà cửa, đường xá bị tàn phá, những nơi biểu tượng cho đặc tính của họ bị san bằng, của cải bị cướp đoạt, nơi thờ tự bị phá hủy. Biết bao người bị  bắt cóc,hàng trịêu người bị bó buộc phải trốn chạy, hàng ngàn người gặp cái chết nơi sa mạc hay trên biển cả. Xem ra đó là tận thế.

Lời sống này là lời mời gọi ta tin vào hành động yêu thương của Thiên Chúa, cả ở nơi mà người ta không cảm thấy sự hiện diện của Người. Đó là lời loan báo niềm hy vọng. Người ở bên cạnh những ai bị bách hại, chịu bất công, bị lưu đày. Người ở với chúng ta, với gia đình chúng ta, với dân tộc chúng ta. Người biết đau khổ riêng của ta và đau khổ của toàn thể nhân loại. Người trở nên một với chúng ta, cho đến chỗ chết trên thập giá. Vì thế Người hiểu chúng ta và an ủi ta. Đúng như một người mẹ đặt đứa bé trên đầu gối và an ủi nó.

Ta cần phải mở mắt và mở lòng để “nhìn thấy Người”. Theo mức độ ta trải nghiệm được sự dịu hiền của tình yêu Chúa, thì ta sẽ loan truyền điều đó cho tất cả những người đang sống trong đau khổ và thử thách, ta sẽ trở thành những khí cụ ủi an. Tông đồ Phao-lô cũng khuyến khích các tín hữu ở Cô-rinh-tô điều đó: “Người luôn nâng đỡ an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Cr 1, 4).

Đó cũng là một kinh nghiệm mật thiết, cụ thể của Chị Chiara Lubich: “Lạy Chúa, xin cho con tất cả những người cô đơn… Con đã cảm nhận trong tâm hồn con lòng yêu thương nồng nàn đang tràn ngập tâm hồn Chúa đối với tất cả mọi tình trạng bị bỏ rơi mà toàn thế giới đang đắm chìm trong đó. Con yêu thương mọi người bệnh hoạn cùng cô đơn. Ai là người an ủi tiếng khóc của họ? Ai là người cảm thông cái chết đến chậm của họ? Và ai là người ôm vào lòng mình tâm hồn thất vọng? Lạy Chúa, xin cho con nên bích tích nhãn tiền của tình thương Chúa trên đời: nên những cánh tay của Chúa, những cánh tay ôm vào lòng và biến đổi nên tình thương tất cả sự cô đơn của thế giới”[1].

 

                                                                                      Cha Fabio Ciardi phụ trách

 

Chúng ta sống Lời sống tháng này – đã được một nhóm đại-kết ở Đức quốc chọn – cùng với rất nhiều anh chị em thuộc nhiều Giáo hội khác nhau, để lời hứa này của Chúa đồng hành với ta suốt cả năm.



[1] Chiara Lubich, Meditazioni, Città Nuova, Roma 200826, p. 20.


LỜI SỐNG 2016