Lời Sống

Tháng Chín 2016

“Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Dức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa”

                                                                                                (1Cr 3, 22-23)

Chúng ta đang ở trong cộng đoàn các tín hữu Kitô tại Cô-rin-tô, một cộng đoàn rất sống động, đầy sáng kiến, được làm sinh động bởi những nhóm trong cộng đoàn liên kết  với những người hướng dẫn có đặc sủng. Từ đó nẩy sinh những căng thẳng giữa người ta và giữa các nhóm, những chia rẽ, việc tôn sùng cá nhân, ước muốn được trổi vượt. Thánh Phao-lô mạnh mẽmcan thiệp, nhắc nhở mọi người rằng, trong sự phong phú và đa dạng về ân sủng cùng người hướng dẫn mà cộng đoàn có được, có điều gì sâu xa hơn nhiều liên kết họ hiêp nhất với nhau: đó là việc thuộc về Thiên Chúa.

Một lần nữa lời loan báo Kitô quan trọng lại được nhắc đến: đó là Thiên Chúa ở với chúng ta, và chúng ta không còn bơ vơ, mồ côi, bị bỏ rơi một mình, mà là con cái của Chúa, chúng ta thuộc về Người. Như một người cha đích thực, Thiên Chúa săn sóc mỗi người, không để ta phải thiếu thốn điều gì ích lợi cho ta. Hơn thế Chúa còn đầy lòng thương yêu và ân sủng như thánh Phao-lô khẳng định: “Tất cả đều thuộc về anh em, thế giới, sự sống, sự chết, những điều hiện tại, những điều trong tương lai, moi sự đều là của anh em!” Người còn ban cho chúng ta cả Con của Người là Đức Giêsu.

Thật là sự tin tưởng bao la từ phía Thiên Chúa, khi Người đặt vào bàn tay chúng ta mọi sự! Trái lại biết  bao lần chúng ta đã lạm dụng những hồng ân của Người: chúng ta cho mình là chủ nhân của tạo vật, đến chỗ chiếm đoạt và hủy hoại chúng, chủ nhân của các anh chị em mình đến chỗ bắt họ làm nô lệ và tàn sát họ, chủ nhân của cuộc sống mình đến chỗ phí phạm nó trong thái độ tự kiêu và làm nó suy thoái.

Hồng ân bao la của Thiên Chúa - “Tất cả đều thuộc về anh em” - đòi hỏi lòng biết ơn. Thường thường chúng ta phàn nàn về những gì mình không có hay chỉ chạy đến Thiên Chúa để cầu xin. Tại sao ta không nhìn chung quanh và khám phá ra điều tốt đẹp vây quanh ta? Tại sao ta không thưa lời cảm tạ với Thiên Chúa về những gì Người ban cho ta hàng ngày?

“Tất cả đều thuộc về anh em” cũng là một trách nhiệm. Nó đòi nơi chúng ta thái độ mau mắn, ân cần, chăm sóc, cho những gì được trao phó cho ta: đó là toàn thế giới và mỗi con người; cùng một thái độ chăm sóc mà Chúa Giêsu đã có đối với chúng ta (“anh em thuộc về Đức Kitô”), cùng một thái độ mà Chúa Cha đã có đối với Chúa Giêsu (“Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”).

Chúng ta nên biết vui với người vui và khóc với người khóc, sẵn sàng đón nhận mọi tiếng kêu than, sự chia rẽ, đau khổ, bạo lực, như điều thuộc về mình, chia sẻ nó, cho đến chỗ biến đổi nó nên tình yêu. Mọi sự đã được ban cho ta để ta đưa đến với Đức Kitô, hoặc đưa đến sự sống tràn đầy, và đưa đến Thiên Chúa, hoặc đến mục đích tối hậu, bằng cách trả lại cho mọi sự và cho mỗi người phẩm giá của họ và ý nghĩa sâu xa nhất của họ.

Một hôm vào mùa hè năm 1949, Chị Chiara Lubich cảm nhận một sự hiệp nhất mật thiết với Đức Kitô, đến độ cảm thấy mình được liên kết với Người như vị hôn phu với vị hôn thê. Lúc đó chị nghĩ đến của hồi môn phải đem hiến dâng và hiểu rằng đó phải là toàn thể tạo vật! Về phần Người, Chúa đã cho chị làm di sản tất cả Thiên đàng. Lúc đó chị nhớ đến những lời trong Thánh vịnh: “Con cứ xin, rồi Cha sẽ ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa” (Tv 2,8). “Lúc đó chúng tôi tin tưởng và cầu xin, và Chúa đã ban cho chúng tôi tất cả để mang đến cho Người và Người sẽ ban cho chúng tôi Thiên đàng: chúng tôi những tạo vật, còn Người là Đấng Tạo hoá”.

Vào cuối đời, khi nói về Phong trào mà chị đã khai sinh và ở đó chị nhìn lại được chính mình, chị Chiara Lubich đã viết như sau: “Đâu là ước muốn cuối cùng của tôi lúc này? Tôi ước muốn là Công trình của Đức Maria [Phong trào Focolare], vào cuối mọi thời đại, khi nên vững chãi, sẽ chờ đợi ra trước mặt Chúa Giêsu bị bỏ rơi-sống lại, có thể lặp lại cho Người – bằng những lời của nhà thần học người Pháp Jacques Leclerq luôn luôn làm tôi cảm động: “… Lạy Chúa của con, vào ngày của Chúa, con sẽ đến với Chúa… Con sẽ đến với Chúa, lạy Chúa của con (…) cùng với giấc mơ điên dại nhất của con là: Ôm thế giới trong vòng tay về cho Chúa”[1]

          Fabio Ciardi

 

 



[1] Il  grido, Città Nuova, Roma 2000, p. 129-130.


LỜI SỐNG 2016