Lời Sống

Tháng Tư 2017

“Xin ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày  sắp tàn” (Lc 24,29)

Đây là lời mời người lạ mặt, mà hai người bạn đường gặp trên đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem đến làng Em-maus, họ “chuyện vãn và tranh luận” với nhau về những điều đã xẩy ra trong những ngày trước đó tại thành phố.

Xem ra ông ta là người duy nhất không biết gì về chuyện xẩy ra và vì thế, khi nhận lời để ông cùng đi, họ kể cho ông về “vị tiên tri quyền thế trước mặt Thiên Chúa và người ta”, mà họ đã đặt niềm tin tưởng nơi Người. Người đã bị những vị đứng đầu các tư tế và những người cầm quyền Do thái trao nộp cho người Roma,  sau đó bị lên án tử hình và đóng đinh thập giá[1]. Một tấn bi kịch vĩ đại mà họ không hiểu được ý nghĩa.

Dọc đường người lạ mặt, bắt đầu từ Kinh thánh, giúp hai người nhận ra ý nghĩa của những biến cố ấy và lại thắp lên trong lòng họ niềm hi vọng. Khi đến làng Em-maus họ giữ ông ở lại ăn tối: “Xin ở lại với chúng tôi, vì trời đã tối”, đang khi họ cùng  ngồi bàn, người lạ mặt làm phép bánh và chia cho họ. Một cử chỉ cho phép họ nhận ra Người: Đấng bị đóng đinh thập giá đã chết và bây giờ phục sinh! Và ngay lập tức hai người đổi chương trình: họ trở lại Giê-ru-sa-lem tìm các môn đệ khác và cho họ biết tin mừng.

Cả chúng ta cũng có thể bị thất vọng, bất mãn, chán chường theo một nghĩa bi thảm là bất lực trước những bất công giáng xuống những người  vô tội và bơ vơ. Cả trong cuộc sống chúng ta cũng không thiếu đau khổ, bất trắc, tối tăm… Và chúng ta thật ước ao biến đổi chúng nên an bình, hi vọng, ánh sáng cho mình và cho người khác.

Chúng ta muốn gặp một Đấng nào đó hiểu thấu ta và soi sáng cho hành trình cuộc sống của ta phải không?

Chúa Giêsu, Con người-Thiên Chúa, để chắc chắn đạt đến mỗi người chúng ta nơi thâm sâu của tình cảnh mỗi người, Người đã tự do chấp nhân trải nghiệm như chúng ta con đường hầm đau khổ. Đau khổ thể xác, nhưng cũng cả đau khổ nội tâm: đó là sự phản bội từ những bạn hữu của Người đến chỗ cảm thấy bị bỏ rơi[2] bởi Thiên Chúa mà Người đã luôn gọi là Cha. Nhờ lòng tin tưởng sắt đá vào tình yêu Thiên Chúa của mình, Người đã vượt qua đau khổ vô bờ ấy và lại phó mình nơi Cha[3] và từ Chúa Cha Người đã nhận được sự sống mới.

Cũng chính trên cùng cuộc hành trình này Người đã đưa con người chúng ta đi và muốn đồng hành với ta:

“…  Người hiện diện nơi tất cả những gì có mùi vị đau khổ… Chúng ta hãy tìm cách nhận ra Chúa Giêsu nơi tất cả những nỗi khốn khó, những trở ngại trong cuộc sống, nơi những tối tăm, những bi kịch riêng tư và của người khác, những đau khổ của nhân loại chung quanh. Chúng là Người, bởi vì Người đã nhận lấy chúng nơi mình… chỉ cần làm một điều gì cụ thể để làm dịu bới những đau khổ “của Người” nơi những người nghèo khổ … để tìm được một cuộc sống mới sung mãn”[4].

Một em nhỏ bảy tuổi kể lại: “Em đã khổ nhiều khi ba em bị vào tù. Em đã mến yêu Chúa Giêsu nơi ba. Nên em đã không khóc trước mặt ba khi cả nhà đến thăm ba”.

Một phụ nữ trẻ cũng kể: “Tôi đã đồng hành với chồng tôi, anh tên là Robert, trong những tháng cuối cùng của đời anh, sau cuộc chẩn bệnh không đem lại hi vọng. Tôi đã không rời anh một bước. Lúc đó tôi nhìn anh và thấy Chúa Giêsu… Anh ở trên thập giá, thực sự trên thập giá”. Tình yêu thương lẫn nhau của hai vợ chồng đã nên ánh sáng cho những bạn hữu, họ bị kéo vào một cuộc thi đua tình liên đới không bị ngắt quãng nữa, mà được trải dài đến nhiều người khác, đem lại sự sống cho hiệp hội thăng tiến xã hội mang tên “Vòng tay toàn cầu”. Một người bạn của họ kể: “Kinh nghiệm sống cùng với anh Robert đã lôi kéo chúng tôi theo anh trong một cuộc hành trình đích thực tiến về Thiên Chúa. Nhiều lần chúng tôi hỏi nhau đâu là ý nghĩa của đau khổ, bệnh tật, cái chết. Tôi tin là tất cả những người đã được may mắn đi một quãng đường bên cạnh anh Robert, bây giờ họ đã biết rõ đâu là câu trả lời”.

Trong tháng này các tín hữu Kitô sẽ mừng mầu nhiệm sự chết và phuc sinh của Chúa Giêsu. Đây là dịp để lai thắp lên lòng tin của chúng ta nơi tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cho phép chúng ta biến đổi đau khổ nên tình thương; mọi xa lìa, chia cắt, thất bại, và chính cái chết, đối với chúng ta cũng đều có thể trở nên nguồn mang lại ánh sáng và an bình. Chắc chắn về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy tin tưởng lặp lại lời nài xin của các môn đệ đi Emmaus: “Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều”.

         

Letizia Magri



[1] Cf Lc 24, 19ss

[2] Cf Mt 27,46; Mc 15,34.

[3] Cf Lc 23,46.

[4] Cf. Chiara Lubich, Parola di vita aprile – La porta, Città Nuova, 43, [1999], 6,p. 47.


LỜI SỐNG 2017