Lời Sống

Tháng Sáu 2017

“Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21)

 

Trong những ngày sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh thập giá, các môn đệ của Người, hoảng sợ và hoang mang, đóng kín cửa ở trong nhà. Trước đó các ông đã theo Người trên các nẻo đường ở Pa-lét-ti-na, khi Người rao truyền cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha và Người yêu thương mọi người hết tình!

Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến, không chỉ để làm chứng bằng cuộc sống điều mới lạ này, mà còn mở ra cho nhân loại con đường đến với Thiên Chúa; một Thiên Chúa Ba ngôi vị, Người là cộng đoàn yêu thương và muốn đón nhận vào vòng tay các thụ tạo của Người.

Trong sứ mạng của Người, nhiều người đã nhìn thấy, lắng nghe và cảm nghiệm lòng nhân hậu và những hiệu qủa của hành động và những lời nói tiếp nhận, tha thứ, hi vọng của Người… Tiếp đó là cuộc lên án và đóng đinh thập giá.

Chính trong bối cảnh này mà tin mừng Gioan trình thuật cho chúng ta Chúa Giêsu, sau khi phục sinh vào ngày thứ ba, đã hiện ra với các môn đệ và sai các ông ra đi tiếp tục sứ mạng của mình.

“Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”

Như thể Người nói với các ông: “Anh em có nhớ Thầy đã chia sẻ cuộc sống của Thầy với anh em thế nào? Thầy đã làm thỏa cơn đói khát sự công chính và bình an của anh em thế nào? Thầy đã chữa lành các tâm hồn và thể xác của bao người bơ vơ và bị gạt ra ngoài lề xã hội thế nào? Thầy đã bênh vực phẩm giá của người nghèo, người goá bụa, ngoại kiều thế nào? Vậy anh em hãy tiếp tục loan báo Tin mừng mà anh em đã nhận được cho mọi người, hãy loan báo Thiên Chúa mong ước gặp gỡ mọi người, và anh em tất cả là anh chị em  với nhau”.

Mỗi người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu, đã có trong lòng ước muốn được gặp gỡ; mọi nền văn hóa và mọi xã hội đều hướng đến việc xây lập những mối liên hệ cùng chung sống. Nhưng biết bao khó nhọc, biết bao mâu thuẫn, biết bao khó khăn để đạt đến mục đích đó! Ước vọng sâu xa này mỗi ngày đều xung đột với sự mỏng dòn, những đóng kín và sợ hãi của chúng ta, với những nghi kỵ và xét đoán lẫn nhau.

Vậy mà  ngày nay Chúa vẫn tin tưởng tiếp tục ngỏ với chúng ta cùng một lời mời gọi:

“Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”

Làm thế nào ta sống trong tháng này lời mời gọi táo bạo như vậy? Sứ mạng khơi dậy tình huynh đệ nơi một nhân loại thường bị sâu xé, không phải là một cuộc chiến đã thua trước khi khởi sự sao?

Một mình chúng ta không bao giờ có thể thực hiện được và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một hồng ân rất đặc biệt là Chúa Thánh thần, Đấng nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực yêu thương mọi người, cho dầu người đó là kẻ thù.

“Chúa Thánh Thần, Đấng chúng ta đã nhận được trong phép Rửa […], vì là thần khí thương yêu và hiệp nhất, đã làm cho tất cả các tín hữu nên một với Đấng Sống lại và giữa họ với nhau, vượt trên mọi khác biệt về chủng tộc, văn hóa và giai cấp xã hội […]. Chính với lòng ích kỷ mà chúng ta dựng lên những hàng rào để cô lập mình và loại trừ người khác với ta. […] Vậy, khi lắng nghe tiếng Chúa Thánh thần, chúng ta hãy tìm cách lớn lên trong sự hiệp thông này […] bằng cách thắng vượt những mầm mống chia rẽ mà ta mang trong mình”[1].

 Với sự trợ giúp của Chúa Thánh thần, chúng ta hãy nhớ lại và sống trong tháng này những lời yêu thương trong mỗi dịp có quan hệ lớn nhỏ với người khác: đón tiếp, lắng nghe, đồng cảm, đối thoại, khích lệ, bao gồm mọi người, chăm sóc, tha thứ, coi trọng…: như thế chúng ta sẽ sống lời mời gọi của Chúa Giêsu là tiếp tục sứ mạng của Người và chúng ta sẽ nên những máng chuyển sự sống mà Người đã ban cho chúng ta.

Đó là điều một nhóm nhà sư đã trải nghiêm trong những ngày lưu lại Loppiano, một thành phố nhỏ quốc tế tại Ý quốc, ở đó 800 dân cư tìm cách sống trung thành với Tin mừng. Những nhà sư đã bị đánh động sâu xa bởi tình yêu theo Tin mừng, mà họ đã không quen biết. Một vị trong nhóm kể: “Ban tối tôi để đôi giầy dơ bên ngoài cửa phòng: ban sáng tôi  thấy giầy đã được lau sạch. Tôi để quần áo dơ ngoài cửa, sáng ra chúng đã được giặt và ủi. Họ biết là tôi lạnh, vì sống ở miền Đông nam châu Á, nên họ đã tăng nhiệt độ lò sưởi và mang cho tôi chăn mền… Một hôm tôi hỏi: “Tại sao anh em làm như vậy? Câu trả lời là  ‘Vì chúng tôi mến yêu thầy’[2]

Kinh nghiệm này đã mở đường cho một cuộc đối thoại đích thực giữa các phật tử và người Kitô.

                                                                                                          Letizia Magri

 

 

 



[1] Cf Chiara Lubich, Parola di vita gennaio 1994, in Un cuor solo e un’anima sola, Città Nuova, 1993/24, p. 34.

[2] Cf. Chiara Lubich, La mia esperienza nel campo interreligioso: punti della spiritualità aperti alle religioni, Achen, 13 novembre 1998, p. 3.


LỜI SỐNG 2017