Lời Sống

Tháng Tám 2017

“Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145,9)

Đây là một bài ca vinh danh để chúc tụng vương quyền của Chúa, Đấng làm chủ toàn thể lịch sử: vương quyền đó vĩnh cửu và uy nghi, nhưng được diễn tả qua đức công bình và lòng nhân hậu, giống như sự gần gũi của một người cha hơn là quyền năng của người chủ.

Thiên Chúa là nhân vật chính trong ca vịnh này, nói lên sự dịu dàng của Người, dư đầy như sự tríu mến của người mẹ: Người từ bi, hay thương xót, chậm giận, rất yêu thương, nhân hậu đối với mọi người…

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa tỏ hiện cho dân Israel, nhưng trải rộng ra tất cả những gì bàn tay tạo dựng của Người thực hiện, đến mọi người và đến tất cả thụ tạo.

Kết thúc Thánh vịnh, tác giả mời gọi tất cả mọi sinh vật liên kết vào bài ca này, để làm tăng thêm nhiều lời ca tụng của mình, thành một ban hợp xướng gồm nhiều tiếng hát:

“Chúa nhân ái đối với mọi người,

tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.”

Chính Thiên Chúa đã trao phó thụ tạo cho bàn tay cần cù của người nam và người nữ, như “cuốn sách” mở ra, ở đó có ghi chép lòng nhân hậu của Người. Họ được kêu gọi cộng tác vào công trình của Đấng Tạo hoá, thêm vào đó những trang về công lý và hòa bình, bước đi theo chương trình yêu thương của Người.

Nhưng rất tiếc điều chúng ta nhìn thấy chung quanh là biết bao thương tổn gây nên cho con người, thường là những người yếu đuối, và cho môi trường thiên nhiên. Điều đó là do sự dửng dưng của nhiều người và vì tính ích kỷ cùng tham lam của người khai thác những kho tàng lớn nơi môi trường, nhằm lợi lộc cho riêng mình, gây thiệt hại cho lợi ích chung.

Trong những năm gần đây, nơi cộng đoàn Kitô đã khởi sự một ý thức mới và sự nhậy cảm đối với việc tôn trọng thụ tạo; trong viễn tượng này chúng ta có thể nhớ đến nhiều lời kêu gọi có thẩm quyền khuyến khích việc tái khám phá ra thiên nhiên như tấm kiếng phản ánh lòng nhân hậu của Thiên Chúa và di sản của toàn thể nhân loại.

Đức thượng phụ đại kết Bartolomeo I đã nói lên như vậy trong Sứ điệp dành cho Ngày của thụ tạo vào năm ngoái rằng: “Chúng ta đòi phải thức tỉnh liên tục, phải huấn luyện và giáo huấn, ngõ hầu mối liên hệ nên sáng tỏ trong cơn khủng hoảng về môi sinh hiện nay với những đau khổ của nhân loại […] mà hậu qủa và hoa trái là cuộc khủng hoảng môi trường nơi ta sống. Điều đó xây đắp con đường duy nhất để  trở về với vẻ đẹp cổ đại […] của sự tiết chế và khổ hạnh, những đức tính có thể dẫn đến việc quản lý khôn ngoan môi truờng thiên nhiên. Cách đăc biêt lòng tham lam, để làm thỏa những nhu cầu vật chất, chắc chắn đưa đến sự nghèo nàn về tinh thần của con người, điều kéo theo sự hủy hoại môi trường thiên nhiên”[1]

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, trong thông điệp Laudato si’ (Chúc tụng Chúa) đã viết: “Việc săn sóc thiên nhiên thuộc về kiểu sống bao hàm  khả năng sống chung và hiệp thông. Chúa Giêsu  đã nhắc nhở là chúng ta có Thiên Chúa như Cha chung và điều này làm cho chúng ta nên anh em với nhau. Tình huynh đệ chỉ có thể là điều nhưng không […] Chính tính nhưng không này đưa ta đến chỗ mến yêu và chấp nhận gió, mặt trời hay mây, cho dầu chúng không tùng phục sự kiểm soát của chúng ta […] Một lần nữa cần phải cảm nhận rằng chúng ta cần đến nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm với người khác và với thế giới, rằng nên người tốt và chính trực là điều đáng làm”[2].

Vậy chúng ta hãy lợi dụng những giây phút rảnh rỗi ngoài bổn phận làm việc, hay ngoài mọi dịp ta có trong ngày để đưa mắt nhình lên trời thăm thẳm, lên núi cao và biển mênh mông, hay chỉ nhìn ngọn cỏ nhỏ bé mọc bên lề đường. Điều đó giúp ta nhận ra sự cao cả của Đấng Tạo hóa, Đấng “yêu sự sống” và tìm lại được cội rễ niềm hi vọng của ta nơi lòng nhân hậu vô cùng của Người, nó bao trùm và đi cùng mọi sự.

Chúng ta hãy chọn cho mình và cho gia đình mình một kiểu sống thanh  đạm, tôn trọng những yêu cầu của môi trường và cân xứng với nhu cầu của người khác, để làm giầu bằng tình thương. Chúng ta hãy chia sẻ của cải của đất đai và của việc làm với những người anh em nghèo hơn và làm chứng cho sự sống và niềm vui trọn vẹn bằng cách trở nên người dịu dàng, nhân hậu, hòa giải trong môi trường ta sống.

                                                                                      Letizia Magri



[1] Cf. Patriarca Ecumenico Bartolomeo I, Messaggio per la Giornata del creato, 1 settembre 2016.

[2] Cf.  Papa Francesco, Lettera Enciclica Laudato si’, 24 maggio 2015, n. 228-229.


LỜI SỐNG 2017