Lời Sống

Tháng Chín 2017

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt16:24)

 

Lúc đó Chúa Giêsu đang trong cuộc đời công khai, Người loan báo là Nước Thiên Chúa đã gần, và chuẩn bị lên Giê-ru-sa-lem. Các môn đệ của Người, đoán được sứ mạng lớn lao của Người và nhận ra nơi Người Đấng thiên sai toàn dân Israel đang chờ đợi, họ mong chờ cuộc giải phóng khỏi quyền lực Roma và bình minh của một thế giới tốt hơn, mang đến hoà bình và thịnh vượng.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn nuôi dưỡng ảo tưởng này; Người nói rõ là chuyến đi Giê-ru-sa-lem của Người sẽ không đưa đến cuộc chiến thắng, mà đến chỗ bị từ bỏ, đến đau khổ và cái chết; Người cũng mạc khải là ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Những lời này thật khó hiểu và khó chấp nhận, đến độ ông Phê-rô phản ứng lại và tỏ ra thái độ khước từ một dự án vô lý như vậy; ông còn tìm cách can ngăn Người.

Sau khi trách mắng thẳng thừng ông Phê-rô, Chúa Giêsu nói với tất cả các môn đệ một lời mời gọi gây sốc:

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”

Nhưng, với những lời này, Chúa Giêsu đòi hỏi gì nơi những môn đệ của Người hôm qua và ngày nay? Có phải là Người muốn chúng ta khinh dể chính mìnhh không? Có phải là tất cả chúng ta phải sống một cuộc sống khắc khổ không? Có phải Người đòi ta tìm đau khổ để làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn không?

Lời sống này khuyên chúng ta nên bước theo Chúa Giêsu, đón nhận những giá trị và những đòi hỏi của Tin mừng để càng ngày càng nên giống Người hơn. Điều đó có nghĩa là sống trọn vẹn cuộc sống, như chính Người đã làm, cả khi trên đường xuất hiên bóng thập giá.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”

Chúng ta không thể chối là: mỗi người đều có thập giá của mình: đó là đau khổ trong những hình thức khác nhau, chúng thuộc về cuộc sống con người, nhưng xem ra chúng ta không hiểu được, điều đó nghịch lại với ước mong hạnh phúc của ta. Vậy mà chính ở đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải khám phá ra một ánh sáng bất ngờ.  Như điều thường xảy ra, đôi khi bước vào một số nhà thờ, ta khám phá ra bao nhiêu tấm kính mầu tuyệt đẹp và sáng ngời, mà từ bên ngoài xem ra chúng tối tăm và không đẹp đẽ gì.

Nếu ta muốn theo Người, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải đảo ngược hoàn toàn những giá trị, phải đưa mình ra khỏi trung tâm thế giới và từ chối cái lô-gích tìm kiếm lợi ích cho riêng mình.  Người để nghị cho ta chú ý đến những yêu cầu của người khác hơn là đến những nhu cầu của mình; dùng sức lực của mình để làm cho người khác hạnh phúc, như Người, Đấng không bỏ dịp nào để an ủi và đem lại hi vọng cho những ai Người gặp. Và với cuộc hành trình giải phóng khỏi tính ích kỷ này, ta có thể bắt đầu tiến bộ trong nhân tính, đạt được sự tự do, điều thực hiện hoàn toàn cá tính của ta.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên những chứng nhân cho Tin mừng, cả khi lòng trung thành này  bị thử thách bởi những hiểu lầm lớn nhỏ tại môi trường xã hội nơi ta sống. Chúa Giêsu ở với chúng ta, và Người muốn ta sống với Người để hiến cuộc sống mình cho lý tưởng táo bạo hơn: đó là tình huynh đệ đại đồng, nền văn minh tình thương.

Tính triệt để này của tình thương là một đòi hỏi sâu xa của tâm hồn con người, như cả những nhân vật không thuộc truyền thống Kitô làm chứng, họ đã theo tiếng lương tâm đến cùng. Ông Gandhi viết: “Nếu có ai giết tôi và tôi chết với lời cầu nguyện cho kẻ sát nhân trên môi và nhớ đến Thiên Chúa và ý thức về sự hiện diện sống động của Người trong đền thờ tâm hồn tôi, thì chỉ lúc đó ta mới có thể nói rằng ta có được sự bất bạo động của những người khỏe”[1].

Chị Chiara Lubich đã tìm được trong mầu nhiệm Chúa Giêu bị đóng đinh thập giá và bị bỏ rơi, phương dược để chữa lành vết thương của mỗi người và mọi chia rẽ giữa con người, giữa các nhóm và giữa các dân tộc với nhau, và Chị đã chia sẻ với nhiều người khám phá này. Năm 2007, trong một cuộc biểu dương của các Phong trào và Cộng đoàn thuộc nhiều giáo hội khác nhau tại Stuttgart (Đức quốc) Chị đã viết:

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cũng chịu đau khổ ít là giống như những đau khổ của Người. (…) Khi cảm nhận (…) những đau khổ ấy, chúng ta hãy nhớ đến Người, Đấng đã chấp nhận chúng cho mình: hầu như chúng là một sự hiện diện của Người, là sự tham dự vào đau khổ của Người. Chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu, Người  không quá hoảng sợ, mà thêm vào tiếng kêu gào ấy những lời: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46), Người phó mình nơi Chúa Cha.

Như Người chúng ta cũng có thể vượt trên đau khổ và vượt qua thử thách, bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu bị bỏ rơi, nơi đau khổ con yêu mến Chúa; con yêu mến Chúa, đau khổ  nhắc nhớ con về Chúa, đó là một diễn tả về Chúa, một gương mặt của Chúa”. Và, nếu trong giây phút tiếp theo chúng ta xả thân mến yêu người anh chị em và thể hiện điều Chúa muốn, thì rất thường ta nghiệm được là đau khổ biến thành niềm vui (…). Những nhóm nhỏ nơi ta sống (…) có thể biết những chia rẽ lớn nhỏ. Cả trong đau khổ đó chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương mặt của Người, vượt trên đau khổ đó nơi mình và làm mọi sự để hàn gắn lại tình huynh  đệ với những người khác. (…) Nền văn hóa hiệp thông có con đường và mẫu gương là Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá và bị bỏ rơi.”[2]

 

Letizia Magri

 

 

 

 

           



[1] M K. Gandhi, Anticche come le montagne, Ed. Di Communità, Milano 1961, pp.9596.

[2] C. Lubich, Per una cultura di comunione – Incontro internazionale “Insieme per l’Europa” – Studgart, 12 maggio 2007 – sito web http://together4europe.org/


LỜI SỐNG 2017