Lời Sống

Tháng Mười Một 2017

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11)

Ngỏ lời với đám đông đi theo, Chúa Giêsu loan báo cái mới lạ trong cách sống của những ai muốn làm môn đệ Người, một lối sống “ngược đời” theo như tâm thức thường tình[1].

Vào thời đó, cũng như cả ngày nay, thì dễ dàng nói những lời khuyên luân lý và rồi không sống theo đó, nhưng lại tìm cho mình những chỗ có thế giá trong xã hội, những cách thế đi lên và dùng người khác cho những lợi lộc riêng tư.

Đối với các môn đệ mình, Chúa Giêsu đòi họ phải có một lối lý luận hoàn toàn khác trong mối tương quan với người khác, đường lối mà chính Người đã sống:

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”

Trong một cuộc gặp gỡ với những người ước ao khám phá ra cách sống theo Tin mừng, chị Chiara Lubich đã chia sẻ với họ kinh nghiệm thiêng liêng của mình như sau:

“Chúng ta phải luôn hướng cái nhìn lên người Cha duy nhất của nhiều con cái. Sau đó nhìn tất cả mọi thụ tạo như con cái của một Cha duy nhất … Chúa Giêsu, mẫu gương của chúng ta, đã dạy chúng ta hai điều, mà là một: đó là nên con cái của một Cha duy nhất và nên anh em với nhau… Như vậy Thiên Chúa đã gọi chúng ta sống tình huynh đệ đại đồng”[2].

Đó là sự mới lạ: yêu mến mọi người như Chúa Giêsu đã làm, bởi vì tất cả - cũng như tôi, như bạn, như mỗi người trên trái đất - đều là con cái Thiên Chúa, được Người yêu thương và chờ đợi từ muôn thuở.

Như vậy ta khám phá ra rằng người anh em ta phải yêu mến cách cụ thể, bằng cả sức lực, là mỗi người ta gặp hàng ngày. Đó là người cha, là mẹ chồng, là đứa con nhỏ và đứa con ngỗ nghịch; là người tù, người ăn xin và người khuyết tật; là người thủ trưởng và người lau nhà; là đồng chí và người có những ý tưởng chính trị khác với ta; người đồng đạo và cùng văn hóa cũng như người xa lạ.

Thái độ đặc trưng của người Ki-tô để mến yêu người anh em là phục vụ người đó.

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”

Chị Chiara còn viết: “Hãy liên tục hướng đến tính ưu việt của Tin mừng bằng cách đặt mình, bao nhiêu có thể, phục vụ người bên cạnh […] Và đâu là cách thế tốt nhất để phục vụ? Bằng cách trở nên một với mỗi người ta gặp, cảm nhận nơi mình những tâm tình của người đó: giải quyết chúng như là của mình, chúng đã thành của ta nhờ tình yêu […] Nghĩa là không còn sống đóng kín nơi mình, mà tìm cách vác những gánh nặng của người đó, chia sẻ những niềm vui của họ”[3].

Mỗi khả năng của ta và phẩm chất tích cực của ta, tất cả những gì nhờ đó ta có thể coi mình là “lớn” đều là dịp may để phục vụ, không thể để mất: đó là kinh nghiệm về việc làm, sự nhậy cảm về nghệ thuật, văn hóa, và cả khả năng mỉm cười,  và làm cho người khác mỉm cười; thời giờ để lắng nghe người nghi ngại và đang đau khổ; những sức lực của tuổi trẻ, và cả sức mạnh của lời cầu nguyện, khi thiếu sức lực thể lý.

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”

Và tình yêu theo Tin mừng, vô vị lợi này, sớm muộn sẽ đốt lên trong lòng người anh  em cùng một ước muốn chia sẻ, canh tân những mối liên hệ gia đình, trong xứ đạo, tại nơi làm việc hay giải trí và đặt nền cho một xã hội mới.

Hermez một thiếu niên miền Trung đông kể lại: “Hôm đó là ngày chủ nhật, vừa thức dậy tôi xin Chúa Giêsu soi sáng cho tôi biết mến yêu trong suốt ngày. Tôi nhận ra là ba má đã đi dự lễ và tôi chợt có ý tưởng quét dọn nhà cửa. Tôi để ý đến mọi chi tiết, cả đến những bông hoa trên bàn! Sau đó tôi dọn bữa sáng, sắp đặt mọi sự. Khi về nhà ba má tôi kinh ngạc và rất ưng ý nhìn thấy mọi sự. Chủ nhật đó chúng tôi đã dùng bữa sáng thật vui như chưa từng xẩy ra, nói với nhau về nhiều chuyện và tôi đã có thể kể cho ba má nhiều kinh nghiệm sống trong tuần. Tác động nhỏ mọn vì yêu thương đó đã đem lại cao đỉnh cho một ngày rất đẹp!”

                   Letizia Magri



[1] Cf. Mt 23, 1-12.

[2] C. Lubich, L’unità agli albori del Movimento dei focolari – Payerne, Svizzera, 25 settembre 1982.

[3] Ibid.


LỜI SỐNG 2017