Lời Sống

Tháng Giêng 2019

 

“Anh em hãy theo đuổi sự công chính, chỉ sự công chính mà thôi”

(Đệ nhị luật 16, 20)

 

 

Sách Đệ-nhi-luật được trình bày như một loạt những lời của ông Mô-sê nói vào cuối đời. Ông nhắc nhớ cho những thế hệ mới luật của Chúa, đang khi chiêm ngắm từ xa Đất Hứa mà ông đã can đảm hướng dẫn dân Israel đến.

Trong cuốn sách này, “luật” của Thiên Chúa trước tiên được trình bày như “lời nói” của một người cha lo lắng cho con cái mình. Đó là một hành trình cuộc sống, mà Chúa ban cho dân của Người để thực hiện dự án Giao-ước. Nếu dân trung thành tuân theo luật này, vì lòng mến yêu và biết ơn hơn là vì sợ bị phạt, thì họ sẽ tiếp tục được hưởng sự gần gũi và che chở của Thiên Chúa.

Một trong những cách thế để thực hiện cụ thể Giao-ước đã được Thiên Chúa ban này hệ tại việc quyết tâm theo đuổi sự công chính. Người tín hữu thể hiện công chính, khi với lòng biết ơn họ nhớ lại chọn lựa mà Thiên Chúa đã thực hiện đối với dân Người và tránh thờ bất kỳ ai ngoài Chúa, và cả khi từ chối những lợi lộc cho mình, vì chúng che khuất lương tâm trước những nhu cầu của người nghèo.

“Anh em hãy theo đuổi sự công chính, chỉ sự công chính mà thôi”

Kinh nghiệm hàng ngày đặt ta trước nhiều hoàn cảnh bất công, có khi trầm trọng, nhất là chúng làm hại những người yếu đuối, những người đang sống bên lề xã hội. Biết bao những Ca-in dùng bạo lực đối với những người anh chị em của họ!

Việc nhổ tận gốc những bất công và lạm dụng là một đòi hỏi cơ bản của sự công chính, nó bắt đầu từ cõi lòng chúng ta và từ những địa điểm trong cuộc sống xã hội của ta.

Nhưng Thiên Chúa không thực hiện sự công chính của Người bằng cách tiêu diệt Ca-in, mà Người lo che chở, để ông lại tiếp tục cuộc hành trình[1]. Sự công chính của Thiên Chúa là Người ban sự sống mới.

Là tín hữu Kitô chúng ta đã gặp Chúa Giêsu. Với lời nói và hành động, nhưng nhất là với việc hiến ban sự sống và ánh sáng Phục sinh, Người đã mạc khải cho chúng ta biết rằng sự công chính của Thiên Chúa là tình yêu vô cùng của Người đối với tất cả mọi con cái của mình.

Qua Chúa Giêsu một con đường cũng mở ra cho chúng ta để thực hành và trải rộng lòng thương xót và tha thứ, cũng là nền tảng của sự công bằng xã hội.

“Anh em hãy theo đuổi sự công chính, chỉ sự công chính mà thôi”

Câu Kinh thánh này đã được chọn cho Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2019 mà tại miền bắc bán cầu là từ  ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng. Nếu chúng ta cũng đón nhận Lời này, thì chúng ta có thể dấn thân tìm kiếm những con đường hòa giải, trước hết giữa các Kitô hữu với nhau. Sau đó khi đặt mình phục vụ mọi người thì chúng ta sẽ chữa lành một cách có  hiệu qủa những vết thương bất công.

Đó là những gì từ nhiều năm nay các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo hội khác nhau đã trải nghiệm, họ cùng nhau lo cho những tù nhân tại thành phố Palermo (Italia). Sáng kiến này đã do ông Salvatore, thành viên của hiệp hội Tin lành, đưa ra, “Tôi nhận ra những nhu cầu tinh thần và con người của những người anh em này. Nhiều người trong số đó không có thân nhân giúp đỡ. Tin tưởng vào Chúa tôi nói chuyện với nhiều anh chị em trong Giáo hội của tôi và trong các Giáo hội khác.” Chị Christine thuộc Giáo hội Anh giáo nói: “Việc có thể giúp những anh chị em thiếu thốn này làm cho chúng tôi sung sướng, vì nó làm cho sự quan phòng của Thiên Chúa thành cụ thể, vì Người muốn đem tình yêu của Người đến với tất cả mọi người, qua chúng ta”. Chị Nunzia người công giáo nói: “Đối với chúng tôi xem ra đó là một dịp vừa để giúp những người anh chị em thiếu thốn, vừa để góp phần vào việc loan báo Chúa Giêsu bằng cả những của vật chất nhỏ nhoi.”

Đó là việc thực hiện những gì đã được Chị Chiara Lubich nói lên năm 1998, tại nhà thờ Tin lành Thánh An-na ở thành phố Ausgburg (Đức quốc) năm 1998 trong một cuộc gặp gỡ đại kết:

[…] Nếu những tín hữu Kitô chúng ta đưa mắt nhìn vào lịch sử […] thì chúng ta không thể không đau lòng khi nhận ra lịch sử này thường là một nối tiếp những hiểu lầm, tranh cãi, xung đột. Lỗi lầm chắc chắn là tại những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị, địa lý, xã hội…; nhưng cũng tại vì thiếu yếu tố hiệp nhất đặc biệt giữa các Kitô hữu với nhau: đó là lòng thương yêu.

Một công cuộc đại kết sẽ thực sự đem lại hoa quả theo tỷ lệ những gì người dấn thân vào công cuộc này nhìn nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và bị bỏ rơi, Đấng lại phó mình nơi Chúa Cha, Người là chìa khóa để hiểu mọi bất hòa và hàn gắn lại sự hiệp nhất […]. Và sự hiệp nhất sống thực có một hiệu qủa […]. Đó là sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa nhiều người, trong cộng đoàn. “Ở đâu hai hoặc ba người – Chúa Giêsu đã nói - hợp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18, 20). Chúa Giêsu giữa một người công giáo và một người Tin lành yêu thương nhau, giữa những người Anh giáo và Chínhh thống giáo, giữa một nguời thuộc giáo hội ac-me-no và một người thuộc giáo hội cải cách yêu thương nhau. Biết bao niềm an bình đã nhận được ngay từ bây giờ, biết bao ánh sáng cho một cuộc hành trình đại kết ngay thẳng[2].”

 

Letizia Magri

 

 



[1] Xem Sáng thế 4, 8-16

[2] C. LUBICH, “Preghiera ecumenica per l’Avvento”, Augsburg (Germania), 29 novembre 1998.