Lời Sống

Tháng Hai 2019

“Hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà”

(Thánh vịnh 34, 15)

 

 

Trong thánh vịnh này vua Đa-vít nói lên niềm vui và lòng biết ơn trước mặt cộng đoàn: ông đã biết nguy hiểm và nỗi lo sợ, nhưng với lòng tin tưởng ông đã kêu cầu Chúa của Israel và đã tìm lại được an bình.

Nhân vật chính của ca vịnh này là Thiên Chúa với lòng xót thương của Người, với sự hiện diện mạnh mẽ và quyết liêt của Người bên cạnh người nghèo khổ và người bị áp bức kêu lên Người.

Bởi vì những người khác đạt đến cùng một ơn cứu độ, nên vua Đa-vít nói lên một vài thái độ của cõi lòng: tránh làm sự dữ, nhưng luôn làm điều lành.

Và ông nhấn mạnh đến điều cần thiết là không phỉ báng người bên cạnh. Thực vậy lời nói có thể đưa đến chiến tranh.

 

“Hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà”

 

Theo ngôn ngữ Kinh thánh an bình có nhiều nghĩa, chẳng hạn sư an sinh về thể xác và tinh thần hoặc sự hòa thuận giữa con người và giữa các dân tộc. Tuy nhiên an bình trước hết là ân sủng của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta khám phá ra diện mạo của Chúa Cha.

Như vậy cần phải mãnh liệt và nhiệt tình tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống ta, để nghiệm được niềm an bình đích thực.

Đó là cuộc tìm kiếm đòi hỏi, nó đòi ta phải thực hiện phần của mình, bằng cách đi theo tiếng của lương tâm, tiếng luôn luôn thúc đẩy chúng ta chọn con đường sự thiện, chứ không theo con đường sự dữ.

Thường thường chỉ cần để cho Thiên Chúa tìm được chúng ta đã đủ, vì Người từ lâu đã đi tìm kiếm mỗi người trong chúng ta.

Là người Kitô, qua phép Rửa, chúng ta đã có mối quan hệ thân tình với Chúa Giêsu: chính Người là Thiên Chúa gần gũi, Đấng đã hứa cho chúng ta niềm an bình; chính Người là niềm an bình. Và chúng ta đã nhận được ơn Chúa Thánh thần, Đấng An ủi, Đấng cũng giúp chúng ta chia sẻ với người khác những hoa trái an bình của Thiên Chúa mà ta đã trải nghiệm. Người sẽ chỉ cho chúng ta con đường yêu thương những người chung quanh và như thế vượt qua những xung đột, bằng cách tránh những lời buộc tội vô căn cứ, những phán đoán hời hợt và những lời phỉ báng, để mở rộng lòng đón nhận người khác.

Có lẽ chúng ta sẽ không thể làm im được tiếng của những khí giới làm đổ máu nhiều vùng trên thế giới, nhưng chúng ta có thể tự mình hành động và làm sống lại những mối quan hệ bị thương tổn trong gia đình, trong cộng đoàn Kitô, nơi làm việc, trong cấu trúc của thành phố mình.

Từ cuộc dấn thân của một cộng đoàn lớn hoặc nhỏ, cương quyết làm chứng cho sức mạnh của lòng mến yêu, thì người ta có thể xây dựng lại những nhịp cầu giữa các nhóm xã hội, giữa các giáo hội, giữa các đảng phái chính trị.

 

“Hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà”

 

Công cuộc tìm kiếm với lòng xác tín niềm an bình cũng đề ra cho chúng ta những thái độ xứng hợp để bảo vệ các thụ tạo, đó cũng là ân huệ của Thiên Chúa ban cho các con cái Người, đã được trao phó cho trách nhiệm của chúng ta đối với những thế hệ mới.

Chị Chiara Lubich đã viết như vậy vào năm 1999 cho ông Nikkio Niwano, người sáng lập phong trào phật tử Rissho Kosei Kai tại Nhật bản: “[…] Nếu con người không sống trong an bình với Thiên Chúa, thì chính trần gian cũng không sống trong an bình. Những người đạo đức cảm nhận “đau khổ” của trần gian, khi con người không dùng an bình theo chương trình của Thiên Chúa, mà chỉ theo tính ích kỷ, theo ước muốn có được quyền bính vô độ mà thôi. Chính tính ích kỷ này, ước muốn này làm ô nhiễm môi trường còn hơn nữa và trên bất kỳ sự ô nhiễm nào khác, chúng chỉ là hậu qủa của những điều đó mà thôi. […] Nếu người ta khám phá ra tất cả mọi thụ tạo đều là hồng ân của một người Cha yêu thương chúng ta, thì sẽ dễ dàng tìm được mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên hơn. Và nếu người ta cũng khám phá ra là hồng ân này dành cho tất cả mọi thành phần của gia đình nhân loại, và không chỉ dành cho một số người mà thôi, thì họ sẽ chú ý hơn và tôn trọng hơn đối với bất kỳ điều gì thuộc về toàn thể nhân loại trong hiện tại và tương lai”.

 

                                                                             Letizia Magri


LỜI SỐNG 2019