Lời Sống

Tháng Năm 2019

"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." (Gioan 20, 21)

 

Sau khi tường thuật về cái chết bi thảm của Chúa Giêsu trên thập giá, biến cố làm cho các môn đệ sợ hãi và rối loạn, Tin mừng Gioan loan báo một điều mới lạ làm kinh ngạc: Người đã sống lại và trở về với các môn đệ mình. Thực vậy sáng ngày lễ Vượt qua Chúa sống lại đã cho bà Maria Mác-đa-la gặp và nhận ra Người. Chiều tối cùng ngày Người tỏ hiện cho các môn đệ khác đang đóng kín cửa trong nhà vì cảm thấy trong tâm hồn sự rối loạn và thất bại sâu xa.

Người đến tìm các ông, muốn gặp lại các ông. Không còn quan trọng việc các ông phản bội Người hay bỏ chạy trước hiểm nguy; Người còn cho các ông xem những dấu của cuộc khổ nạn: vết thương ở bàn tay và cạnh sườn bị đâm thâu và xé nát bởi cực hình thập giá. Lời đầu tiên của Người là lời cầu chúc bình an, một hồng ân đích thực xuống trên cho tâm hồn và biến đổi cuộc sống.

Và rồi cuối cùng các môn đệ đã nhận ra Người và tìm lại được niềm vui; các ông cũng cảm thấy lại được lành mạnh, được yên ủi và được soi sáng, với Thầy và Chúa của mình.

Tiếp đến Chúa sống lại trao cho nhóm nhỏ những con người mỏng dòn này một trách nhiệm đòi hỏi là đi đến các nẻo đường mang cho thế giới sự mới lạ của Tin mừng, như chính Người đã làm. Thật táo bạo! Như Chúa Cha đã trao phó cho Người, Chúa Giêsu cũng phó thác hoàn toàn nơi các ông.

Cuối cùng, Tin mừng Gioan thêm, Chúa Giêsu “thổi vào các ông”, nghĩa là Người chia sẻ với các ông chính sức mạnh nội tâm của mình, chính Thánh thần tình yêu làm đổi mới cõi lòng và tâm trí.

"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

Chúa Giêsu đã trải qua toàn thể cuộc sống con người, đã trải nghiệm niềm vui của tình bằng hữu và nỗi đau đớn của sự phản bội, sự dấn thân vào việc làm và sự mệt mỏi của cuộc hành trình; Người biết chúng ta đã được tác tạo nên bởi những gì và biết những giởi hạn, những đau đớn cùng những thất bại đi theo chúng ta mỗi ngày. Cũng như cùng với các môn đệ trong căn phòng tối tăm, Người tiếp tục tìm kiếm mỗi người chúng ta trong bóng tối của ta, trong sự đóng kín của ta, Người tiếp tục tin vào chúng ta.

Chúa Giêsu sống lại đề nghị chúng ta cùng với Người cảm nghiệm cuộc sống mới, niềm an bình, để rồi chúng ta có thể chia sẻ với những người khác. Người sai chúng ta đi làm chứng cho cuộc gặp gỡ với Người, “đi ra” khỏi chính con người mình, khỏi những đảm bảo mong manh và khỏi những ranh giới của  ta, để trải rộng trong thời gian và không gian chính sứ mạng Người đã nhận được từ Chúa Cha: đó là loan báo Thiên Chúa là Tình yêu.

"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

Chi Chiara Lubich đã giải thích chính Lời Sống này như vậy vào tháng năm 2005: “Ngày nay lời nói không còn đủ nữa. […] Việc loan báo Tin mừng sẽ có hiệu qủa nếu dựa trên chứng tá cuộc sống, như chúng tá của các Kitô hữu đầu tiên, họ đã có thể nói: “Chúng tôi loan báo cho anh em điều chúng tôi đã thấy tận mắt và đã nghe…” (1Ga 1,1); sẽ có hiệu qủa nếu, cũng như các tín hữu đó, người ta cũng có thể nói về chúng ta: “Hãy xem họ thương yêu nhau và sẵn sàng chết cho nhau thế nào”[1]; sẽ có hiệu qủa nếu chúng ta làm cho tình thương nên cụ thể bằng cách cho đi, bằng cách đáp lại người túng thiếu, và biết cho của ăn, áo mặc, nơi ở cho người không có, tình thân thiện cho người cô đơn hoặc thất vọng, sự nâng đỡ cho người đang bị thử thách. Khi sống như vậy trên thế giới, chúng ta sẽ làm chứng cho sự hấp dẫn của Chúa Giêsu, và khi trở nên những Kitô khác, công trình của Người sẽ được tiếp tục cũng nhờ sự đóng góp đó”[2].

"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

Chúng ta cũng có thể đi tìm Chúa Giêsu nơi những người bị cầm giữ bởi đau khổ và cô đơn. Chúng ta có thể, với lòng tôn trọng, tự nguyện đồng hành với họ trên hành trình cuộc sống, đi đến niềm an bình Chúa Giêsu hiến ban, như chị Maria Pia cùng với các đồng bạn, tại một trung tâm nhỏ ở miền nam Italia, dấn thân phục vụ những người di dân. Từ khuôn mặt của những người này hiện lên những câu chuyện về đau khổ, chiên tranh, bạo động họ đã phải chịu.

Chị Maria Pia tâm sự: “Tôi tìm điều gì?”. “Chính Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa cho cuộc sống tôi và tôi biết rằng tôi có thể nhận biết Người và gặp gỡ Người trước hết là nơi những người anh chị em bị tổn thương nhất, và cùng nhau, chúng tôi đã có thể hiến cho họ những lớp học tiếng Ý và giúp họ tìm nhà ở và việc làm, đáp lại những nhu cầu vật chất của họ. Chúng tôi đã hỏi họ có cần cả sự nâng đỡ tinh thần không và để nghị này đã được vui vẻ tiếp nhận bởi những thiếu phụ chính thống giáo theo lớp học tiếng Ý. Tại một trung tâm tiếp nhận những người nhập cư cũng có những Kitô hữu thuộc Giáo hội tin lành Báp-tít. Thoả thuận với vị mục sư tin lành, chúng tôi đã tổ  chức đưa họ đến nơi thờ tự khá xa. Từ lòng 9thương yêu cụ thể này giữa các Kitô hữu, đã nảy sinh tình thân thiện, điều cũng được củng cố qua những cuộc gặp gỡ văn hoá, những cuộc trao đổi và những nhạc hội. Chúng tôi đã khám phá ra mình là một “dân” tìm kiếm và gặp được những nẻo đường hiệp nhất trong sự khác biệt, để làm chứng cho mọi người Nước Thiên Chúa”.

 

Letizia Magri

 

 

 

 



[1] Tertuliano, Apologetico, 39. 7.

[2] C. Lubich, Parola di Vita Maggio 2005, in Parola di Vita, a cura di Fabio Ciardi (Opera di Chiara Lubich 5, Citta Nuova, Roma 2017, pp.750-751).


LỜI SỐNG 2019