Lời Sống

Tháng Tám 2019

 

“Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Lc 12, 34)

 

“Cõi lòng” là nơi thâm sâu nhất của ta, nó ẩn khuất, sống động; “kho tàng” là cái giá trị nhất, nó mang lại cho ta bảo đảm cho hôm nay và tương lai. “Cõi lòng” cũng là nơi giữ những giá trị của ta, nguồn gốc của những chọn lựa cụ thể của ta: đó là chỗ bí mật nơi ta liều cả ý nghĩa cuộc sống mình: chúng ta thực sự coi trọng điều gì?

Đâu là “kho tàng của ta”, mà vì đó chúng ta có thể bỏ qua tất cả những thứ khác?

Trong xã hội tiêu thụ theo kiểu tây phương, mọi sự đều thúc đây ta tích trữ của cải vât chất, chú ý vào những nhu cầu của mình, không màng gì đến những nhu cầu của người khác, nhân danh phúc lợi và hiệu qủa cho cá nhân. Vậy mà Tin mừng Luca, trong bối cảnh văn hóa khác xa, đã thuật lại những lời này của Chúa Giêsu, như lời giảng dạy quyết định và phổ quát, cho con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi.

“Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”

Tin mừng Luca nhấn mạnh đến nhu cầu phải chọn lựa triệt để, nhất định và đặc biệt của người môn đệ Chúa Giêsu: đó là Chúa Cha là sự Thiện đích thực, điều phải chiếm tất cả cõi lòng của người tín hữu Kitô, theo mẫu gương của chính Chúa Giêsu. Chọn lựa độc nhất này đưa theo sự phó thác tin tưởng vào tình yêu của Người và khả năng trở nên thực sự “giầu có”, vì là con cái Thiên Chúa và người thừa kế Nước của người..

Đó là vấn đề tự do: không làm cho ta bị chiếm hữu bởi của cải vật chất, mà thực sự làm chủ chúng.

Thực vậy sự giầu sang vật chất có thể chiếm “cõi lòng” và sinh ra thái độ lo lắng có được hơn nữa, một tình trạng thực sự lệ thuộc vào đó. Trái lại việc bố thí mà đoạn Tin mừng này khuyên chúng ta, là một vấn đề công bằng, do lòng thương xót dạy, điều làm nhẹ bớt “cõi lòng” và mở đến sự bình đẳng huynh đệ.

Mỗi tín hữu Kitô và toàn thể cộng đoàn các tín hữu đều có thể cảm nghiệm sự tự do đích thực qua việc chia sẻ của cải, vật chất cũng như tinh thần, với những người thiếu thốn: đó là cách sống Kitô làm chứng cho lòng tin tưởng thực sự nơi Chúa Cha và đặt nền móng vững chãi cho nền văn minh tình thương.

“Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”

Để giải thoát mình khỏi vòng nô lệ của cải, lời đề nghị của Chị Chiara Lubich làm sáng tỏ điều đó:

“Tại sao Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều đến việc từ bỏ của cải, đến độ Người lấy đó như điều kiện không thể thiếu để có thể theo Người? Bởi vì sự giầu có đầu tiên của cuộc sống chúng ta, kho tàng thực sự, là chính Người! […] Người muốn cho ta được tự do, với tầm hồn giũ sạch mọi dính bén và mọi lo lắng, để có thể thực sự yêu mến Người hết lòng, hết trí khôn và hết sức. […] Người đòi chúng t từ bỏ mọi của cải vì muốn chúng ta mở lòng đến người khác […]. Cách thế sự “từ bỏ” đơn giản nhất là “cho đi”.

Hiến cho Thiên Chúa bằng cách mến yêu Người […] Và để bày tỏ lòng yêu mến Người, thì chúng ta mến yêu những người anh chị em của ra, sẵn sàng liều mọi sự vì họ. Cả khi xem ra không như vậy, chúng ta cũng vẫn có nhiều của cải để đóng góp: nhiều khi chúng ta có sách vở, quần áo, xe cộ, tiền bạc […] Chúng ta hãy cho đi không quá đắn đo: “Cái này có thể giúp cho tôi trong dịp này hay dịp khác […]” Mọi sự đều có thể ích lợi, nhưng bây giờ, khi làm theo những gợi ý này, thì biết bao dính bén lẻn vào lòng chúng ta và lúc nào chúng cũng tạo nên những đòi hỏi mới. Không, chúng ta hãy tìm cách chỉ có những thứ cần thiết. Chúng ta hãy chú ý đừng để mất Chúa Giêsu vì một số tiền để dành.

Chị Marisa Agostino, lập gia đình từ ba mươi bốn năm nay kể lại: “Sau tám năm chung sống, mọi sự trôi chảy tốt đẹp: căn nhà và việc làm đều theo như chúng tôi mong ước, nhưng một đề nghị đến, muốn chúng tôi rời nước Italia đến một nước ở Mỹ La tinh, để nâng đỡ một cộng đoàn trẻ trung. Giữa hàng ngàn tiếng lo sợ, không rõ tương lai thế nào, của những người bảo chúng tôi là  điên rồ, chúng tôi đặc biệt cảm nhận một tiếng nói đem lại một niềm an bình lớn: tiếng của Chúa Giêsu đề ra cho chúng tôi: “Hãy đến theo Thầy” Chúng tôi đã làm như vậy. Như thế chúng tôi đến một môi trường hoàn toàn khác với môi trường mình quen thuộc. Chúng tôi thiếu đủ thứ, nhưng cảm thấy là đổi lại chúng tôi đã có những thứ khác, như mối liên hệ với rất nhiều người. Kinh nghiệm về Chúa quan phòng cũng rất mạnh: một buổi tối chúng tôi tổ chức một cuộc lễ nhỏ và mỗi gia đình mang đến một món ăn đặc biệt. Lúc đó chúng tôi vừa mới từ Italia trở về mang theo một miếng phó-mát nổi tiếng. Đang khi nghĩ đến ước muốn chia sẻ một phần với các gia đình, cho đến lúc không còn miếng phó-mát nào nữa, chúng tôi nhớ đến câu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy cho đi thì sẽ được cho lại…” (Lc 6, 38). Chúng tôi nhìn nhau và bảo nhau: chúng mình đã bỏ nước, bỏ việc làm, bà con, và bây giờ còn lo đến một miếng phó-mát. Thế là chúng tôi cắt một miếng và mang đến lễ hội. Hai ngày sau có người gọi cửa, đó là một khách du lịch không quen biết, người bạn của bạn bè chúng tôi, họ mang đến một gói qùa. Mở ra thì đó là một miếng phó-mát lớn. Lời hứa của Chúa Giêsu: “…Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” Thật đúng như vậy.

                                                                             Letizia Magri


LỜI SỐNG 2019