Lời Sống

Tháng 9. 2019

 

“Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm”

(1Thexalonica 5, 11)

 

Tông đồ Phao-lô viết cho cộng đoàn Kitô do ngài sáng lập tại thành phố The-xa-lo-ni-ca. Thánh nhân không thể trở lại với họ, vì đã phải trốn chạy những khó khăn nghiêm trọng và những bách hại. Dầu vậy qua những lá thư, thánh nhân vẫn tiếp tục đồng hành với cuộc sống của họ với lòng mến yêu và còn ca tụng họ về lòng kiên trì và bền chí trong đức tin. Họ đã trở nên những chứng nhân gương mẫu.

Thánh Phao-lô biết những vấn nạn sâu xa của cộng đoàn này, những câu hỏi của họ về cuộc sống: điều gì chờ đón họ sau cái chết? Nếu Chúa mau chóng trở lại thì phải chuẩn bị thế nào cho phù hợp cho cuộc ngự đến sau cùng của Người.

Thánh Phao-lô không trả lời với những giới luật phải áp dụng, mà lại một lần nữa tuyên dương đức tin của mình: Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Người vì long yêu thương toàn thể nhân loại, và đã sống lại, mở ra cho tất cả mọi người con đường đưa đến sự sống.

Để chuẩn bị cho cuộc trở lại của Người, thánh Phao-lô khuyên sống Tin mừng trong cuộc sống hàng ngày, bằng cách tiếp tục làm việc cách chính trực và xây dựng một cộng đoàn huynh đệ.

“Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm”

Thánh Phao-lô đã chính mình trải nghiệm điều đó: Tin mừng làm cho hạt giống lòng tốt mà Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn con người nẩy lên.

Đó là hạt giống hi vọng, nó phát triển khi mỗi người mỗi ngày gặp gỡ với tình yêu Thiên Chúa và  nở ra nơi lòng thương yêu lẫn nhau. Đó là sự thúc đẩy chiến đấu với những hạt giống xấu của lòng ích kỷ và thái độ dửng dưng, chúng gây nên tình trạng cô lập và xung đột, không mang gánh nặng lẫn cho nhau, khuyến khích lẫn nhau.

Đó là một lời đơn giản mọi người chúng ta đều có thể hiểu và đem ra thực hành, nhưng có thể làm đảo lộn những mối liên hệ của mỗi người và của xã hội.

Đó là lời khuyên quý giá, giúp chúng ta lại khám phá ra sự thật cơ bản của tình huynh đệ, căn nguyên của rất nhiều nền văn hóa. Như vậy lời đó nói lên nguyên lý triết học bantu của Ubuntu: “Tôi trở nên chính tôi nhờ tất cả chúng ta”.

Đó là tư tưởng hướng dẫn cho hoạt động chính trị ở Nam Phi châu của nhà lãnh đạo Nelson Mandela, ông khẳng định: “ Ubuntu không có nghĩa là nghĩ đến mình, mà là tự hỏi: “Tôi có muốn giúp cộng đồng chung quanh tôi không?”[1] Hoạt động phù hợp và can đảm của ông đã đưa đến sự đảo lộn lịch sử tại quốc gia ông  và đưa đến một bước tiến lớn cho nền văn minh.

“Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm”

Làm thế nào sống được Lời này?

“Bằng cách chúng ta cũng tìm cách phát triển lòng thương yêu lẫn nhau trong gia đình chúng ta, trong môi trường làm việc, trong những cộng đoàn hay hội đoàn giáo hội, nơi các giáo xứ v.v. Lời này đòi chúng ta một lòng bác ái cao độ, nghĩa là lòng bác ái biết vượt trên những mức độ tầm thường và nhiều cản trở đến từ lòng ích kỷ nhỏ nhoi của ta. Chỉ cần nghĩ đến  một số khía cạnh của lòng bác ái (khoan dung, hiểu biết, tiếp đón lẫn nhau, khiên nhẫn, sẵn sàng phục vụ, nhân từ đối với những thiếu sót thực sự hay bị cáo buộc của người bên cạnh ta, chia sẻ của cải vật chất v.v) để khám phá ra bao nhiêu dịp có thể sống lời này.

Rồi cũng hiển nhiên là, nếu trong cộng đoàn của chúng ta có bầu khí thương yêu nhau này, thì sức nóng của nó nhất định sẽ lan ra tất cả mọi người. Cả những người chưa biết đến cuộc sống Kitô cũng sẽ cảm nhận sức lôi kéo của nó và nhiều người, hầu như không để ý, sẽ rất dễ dàng bị lôi kéo đến chỗ cảm thấy họ thuộc về cùng một gia đình”[2]

“Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm”

Theo tinh thần này, tại thành phố Palermo (Italia) đã nảy sinh một nhóm trợ giúp y tế đa khoa, tâm lý và y tá nhằm phục vụ những người nghèo tại thành phố. Đây là những lời do chính những người chủ động kể: “Chúng tôi là một nhóm gồm bác sĩ và những người điều hành y tế Kitô thuộc nhiều giáo hội khác nhau. Những lời Tin mừng thúc đẩy chúng tôi nhìn nhận nơi mỗi người như người anh chị em, đặc biệt nơi những người bị bệnh mà không được chữa trị thỏa đáng. Trong số những người chúng tôi trợ giúp cũng có những người bị bệnh nặng, hay lệ thuộc những trò chơi trên mạng. Chúng tôi cống hiến cho họ nghề chuyên môn của chúng tôi tại những nơi chúng tôi làm việc, có thể là những phòng mạch đã có tại địa phương. Để chúng tôi cập nhật cho nhau và thông tin những nhu cầu chữa trị khác nhau, chúng tôi đã lập nên một chỗ trò truyên ở whatsapp, một trang Facebook và những địa chỉ thơ từ.

Mặc dầu mới nẩy sinh, nhóm này đã hoạt động, nhất là cho số dân nhập cư, đặc biệt với cộng đồng người Ghana at-ven-tit ở thành phố. Một nhóm đông đảo và vui tươi, với họ chúng tôi cảm nghiệm niềm vui giúp nhau như anh chị em, con cái cùng một Cha”.

                                                                   Letizia Magri

 



[1] Experience Ubuntu”, phỏng vấn của Tim Modise, 24/5/2006. Xem https://le citazioni.it/autri/nelson-mandela/.

[2] Chiara Lubich, Parola di vita tháng chin 2004, in Parole di Vita, a cura di Fabio Ciardi, Città Nuova, Roma 2017, pp.559-560.


LỜI SỐNG 2019