Lời Sống

Tháng hai 2020

“Cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! "

(Marco 9, 24)

 

Chúa Giêsu đang trên đường đi Giê-ru-sa-lem cùng với các môn đệ. Người đã bắt đầu chuẩn bị các ông cho cái hẹn quyết định: đó là thái độ từ chối từ phía quyến bính tôn giáo, cái án tử hình từ phía người Roma và cực hình đóng đinh thập giá, sau đó là cuộc phục sinh.

Đó là một đề tài khó hiểu cho ông Phê-rô và những người đã đi theo Người, nhưng Tin mừng Mác-cô cùng đi với chúng ta để khám phá dần dần sứ mạng này của Chúa Giêsu: đó là chu toàn công cuộc cứu độ nhân loại qua tính dòn móng của con người trong đau khổ.

Trên đường, Chúa Giêsu gặp  nhiều người và Người tỏ ra gần gũi mỗi người trong nhu cầu của họ. Ở đây chúng ta gặp Người đón nhận tiếng kêu cầu của một người cha, ông xin Người chữa cho đứa con của ông gặp khó khăn lớn, có lẽ là bị động kinh.

Để cho dấu lạ được thực hiện, Chúa Giêsu đòi người cha này phải có lòng tin.

“Cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! "

Câu trả lời lớn tiếng của người cha trước đám đông tụ họp chung quanh Chúa Giêsu, xem ra mâu thuẫn. Thường cũng như chúng ta, ông cảm thấy lòng tin của mình yếu kém, cảm thấy mình không có khả năng đặt trọn niềm tin tưởng nơi tình yêu Thiên Chúa, nơi chương trình của Người dành cho hạnh phúc của mỗi người con của mình.

Đàng khác, Thiên Chúa đặt tin tưởng nơi con người và không làm gì mà không có sự đóng góp của con người, không có sự đồng ý tự do của họ. Người đòi phần đóng góp của ta, cho dầu nhỏ bé: đó là nhìn nhận tiếng Chúa nói trong lương tâm của mình, đặt tin tưởng nơi Người và tự mình bắt đầu mến yêu.

“Cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! "

Phần đông văn hóa nơi chúng ta sống đều đề cao tính hiếu thắng trong tất cả mọi diễn tả của nó như khí giới mang lại chiến thắng để đạt tới thành công.

Trái lại Tin mừng trình bày cho ta một sự nghịch lý: đó là nhìn nhận sự yếu đuối của ta, những giới hạn, sự mỏng dòn như điểm khởi đầu để đi vào mối tương quan với Thiên Chúa và cùng với Người tham dự vào một trong những cuôc chinh phục lớn lao nhất: đó là tình huynh đệ đại đồng.

Bằng tất cả cuộc sống của Người, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cái lô-gích của việc phục vụ, chọn lựa chỗ rốt cùng. Đó là vị trí tốt nhất để biến đổi sự thất bại bên ngoài thành một cuộc chiến thắng không vụ ích kỷ và mau qua, mà cuộc chiến thắng được chia sẻ với người khác và lâu dài.

“Cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! "

Đức tin là một ân sủng mà chúng ta có thể và phải kiên trì cầu xin, để cộng tác với Thiên Chúa trong việc mở ra những con đường hi vọng cho nhiều người.

Chị Chiara Lubich đã viết: “Tin là cảm nhận mình được Thiên Chúa nhìn đến và yêu thương, là biết rằng mỗi lời cầu nguyện, mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi biến cố đau buồn hoặc vui mừng hoăc dửng dưng, mỗi bệnh tật, tất cả, tất cả mọi sự của chúng ta […] đều được Thiên Chúa nhìn đến. Và nếu Thiên Chúa là Tình yêu, thì lòng tin tưởng hoàn toàn nơi Người chỉ là kết qủa hợp lý. Vậy chúng ta có thể có lòng tin đưa ta đến chỗ thường chuyện vãn với Người, trình bày cho Người những sự việc, những quyết định, những dự tính của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có thể phó thác nơi tình thương của Người, chắc chắn mình được thấu hiểu, an ủi, giúp đỡ. […] Chúng ta có thể thưa với Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con được ở lại trong tình yêu Chúa. Xin cho con không một giây phút nào sống mà không cảm nhận, nhìn nhận, nhận biết qua đức tin, hay qua kinh nghiệm, rằng Chúa yêu thương con, rằng Chúa yêu thương chúng con”. Để rồi khi mến yêu, nhất quyết mến yêu, đức tin của chúng con sẽ trở nên cương quyết, thật chắc chắn. Chúng con sẽ không chỉ tin vào tình yêu của Chúa, mà chúng con sẽ cảm nhận một cách tỏ tường trong tâm hồn, và sẽ nhìn thấy những ‘việc lạ’ thực hiện chung quanh chúng con[1].

 

Letizia Magri

 

 



[1] C. Lubich, Parola di vita ottobre 2004, in eadem, Parola di vita, a cura di Fabio Ciardi (Opere di Chiara Lubich 5; Città Nuova, Roma 20017) pp. 732-734.


LỜI SỐNG 2020