Lời Sống

Tháng Ba 2020

 

"Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ dạy như vậy” (Mt 7, 12)

 

Biết bao lần, trong những chọn lựa quan trọng trong đời, chúng ta có tìm một hướng đi chắc chắn, chỉ cho mình con đường phải đi không? Và là Kitô hữu, chúng ta có tự hỏi đâu là tóm kết của Tin mừng, chìa khóa để đi vào cõi lòng Thiên Chúa và sống như con cái của Người ở đây và lúc này không?

Đây là một lời Chúa Giêsu đáp lại chúng ta, một lời khẳng định rõ ràng, ta hiểu ngay được và đem ra thực hành. Chúng ta tìm thấy lời này trong Tin mừng Mat-thêu: lời này nằm trong bài giảng quan trọng trên núi, ở đó Chúa Giêsu dạy ta phải sống thế nào cho hoàn hảo đời sống Kitô. Chính Người tóm lại toàn thể lời loan báo của Người trong lời khẳng định vững chắc này.

Ngày nay chúng ta cần những sứ điệp nhiều ý nghĩa, nhưng ngắn gọn và có hiệu qủa, ta có thể đón nhận Lời này như một câu “tuít” để ghi nhớ trong mọi lúc.

"Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ dạy như vậy”

Để hiểu rõ phải làm gì cho người khác, Chúa Giêsu dạy chúng ta đặt mình vào chỗ của họ; đúng như Người đã làm, vì để yêu thương chúng ta Người đã nhận lấy xác phàm của ta.

Chúng ta hãy tự hỏi ta chờ đợi gì nơi cha mẹ, con cái, nơi những bạn đồng nghiệp, những người trách nhiệm trong chính phủ, những người hướng dẫn tinh thần: ta chờ đợi thái độ đón nhận, lắng nghe, quảng đại, sự nâng đỡ trong những nhu cầu vật chất, nhưng ta cũng chờ đợi lòng thành thực, sự tha thứ, thái độ khuyến khích, nhẫn nại, lời khuyên, hướng dẫn, chỉ bảo … Đối với Chúa Giêsu thái độ nội tâm này, cùng với những hành động cụ thể đi kèm, thể hiện tất cả nội dung của Luật Chúa và tất cả sự phong phú của đời sống tinh thần.

Đó là “Khuôn vàng thước ngọc”, một lời dạy phổ quát chứa đựng trong các nền văn hoá khác nhau, nơi các tôn giáo và truyền thống mà nhân loại đã phát triển trên cuộc hành trình của mình[1]. Đó là nền tảng của tất cả mọi giá trị nhân bản đích thực, những điều xây dựng một cuộc chung sống hòa bình, với những mối liên hệ cá nhân và xã hội công bằng và liên đới.

"Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ dạy như vậy”

Lời này khuyến khích chúng ta phải biết sáng tạo và quảng đại, đưa ra sáng kiến làm lợi ích cho bất kỳ người nào, bắc những nhịp cầu đến với cả người không là bạn hữu, như chính Chúa Giêsu đã dạy và đã làm. Lời này đòi chúng ta khả năng ra khỏi chính mình, để cũng nên những chứng nhân đáng tin cho đức tín của ta.

Chị Chiara Lubich đã khuyến khích như sau: “Chúng ta hãy thử làm. Một ngày sống như vậy đáng giá một đời. […]. Một niềm vui chưa hề cảm nghiệm sẽ tràn ngập chúng ta. […]. Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta, vì Người ở nơi những ai mến yêu. […]. Đôi khi có thể chúng ta sẽ chậm lại, chúng ta sẽ bị cám dỗ nản lòng, bỏ cuộc. […]. Nhưng không được! Hãy can đảm! Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta. Hãy luôn bắt đầu lại. Khi kiên trì, chúng ta sẽ dần dần thấy thế giới chung quanh thay đổi. Chúng ta sẽ hiểu là Tin mừng làm cho cuộc sống hấp dẫn hơn, thắp lên ánh sáng trên đời, đem lại hương vị cho cuộc sống chúng ta, có nơi mình nguyên tắc để giải quyết mọi vấn đề. Và chúng ta sẽ không an lòng cho đến khi ta truyền đạt kinh nghiệm phi thường của mình cho người khác: cho những bạn bè có thể hiểu chúng ta, cho những bà con, cho bất kỳ ai ta cảm thấy được thúc đẩy chia sẻ. Niềm hi vọng sẽ lại nẩy sinh”[2].

"Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ dạy như vậy”

Anh Ramiro, một nhân viên kỳ cựu tại nơi làm việc, anh được biết là những đồng nghiệp mới sẽ đến làm. Anh tự hỏi: “Nếu anh đến văn phòng này lần đầu tiên thì cái gì anh muốn có ở đây? Cái gì làm cho anh cảm thấy được thoải mái? Như thế anh bắt tay dọn chỗ, tìm những bàn làm việc khác, kéo theo các bạn đồng nghiệp. Họ cùng nhau sắp xếp chỗ làm việc mới ấm cúng hơn và những người mới tới gặp được một bầu khí vui tươi và một cộng đoàn làm việc hợp nhất hơn.

                                                                             Letizia Magri



[1] Một vài thí dụ: “Điều bạn không muốn người ta làm cho mình, thì đừng làm cho người khác. Đó là tất cả Torah, những điều khác là giải thích mà thôi” (Do thái giáo); “Không ai trong anh em là tín đồ cho đến khi ước muốn cho người anh em mình điều mình mong ước cho chính mình” (Islam); “Đừng làm hại người khác theo cách thế là bạn làm hại cho chính mình” (Phật giáo).

[2] C. Lubich, Lời sống tháng tư 1978.


LỜI SỐNG 2020