Lời Sống

Tháng 11, 2020

“Phúc cho người khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an” (Mt 5,4)

Trong đời ai mà đã không khóc? Và ai mà đã không gặp người đau khổ trào ra nước mắt? Ngày nay, những phương tiện truyền thông đưa vào nhà chúng ta những hình ảnh từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta còn liều mình bị chúng tạo nên thói quen làm chai đá con tim trước giòng nước đau khổ có thể kéo ta theo.

Cả Chúa Giêsu cũng đã khóc (xem Ga 11,35; Lc 19,41) và đã biết tiếng kêu than của dân Người, nạn nhân của ngoại xâm. Rất nhiều bệnh nhân, người nghèo, người góa bụa, mồ côi, người bị gạt ra lề xã hội, người tội lỗi, chạy đến với Người để nghe lời Người và được chữa lành, nơi thể xác cũng như tâm hồn.

Trong Tin mừng Mát-thêu chính Đấng thiên sai là người chu toàn lời hứa của Thiên Chúa cho dân Is-ra-en và vì thế Người loan báo:

“Phúc cho người khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an”

Chúa Giêsu không dửng dưng trước những hoạn nạn của chúng ta và chính Người dấn thân chữa cõi lòng chúng ta khỏi tình trạng chai đá của ích kỷ, lấp đầy sự cô đơn của ta, đem lại sức mạnh cho hành động của ta.

Chị Chiara Lubich nói với chúng ta như vây, trong lời giải thích của Chị về chính Lời này của Tin mừng: “[…] Với những lời này, Chúa Giêsu không muốn đưa người bất hạnh đến thái độ buông suôi bằng cách hứa cho họ phần thưởng trong tương lai. Người cũng nghĩ đến hiện tại. Thực vậy, Nước của Người , mặc dầu không xác định, đã ở đây rồi. Nước đó hiện diện nơi Chúa Giêsu, khi sống lại từ cái chết cực khổ nhất, Người đã thắng cái chết. Và nước đó cũng hiện diện nơi chúng ta, trong lòng chúng ta là người Kitô: Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Chúa Ba ngôi đã đến cư ngụ ở đây. Và như vậy hạnh phúc Chúa Giêsu loan báo có thể được xác minh ngay từ bây giờ. […] Những đau khổ có thể tồn tại, nhưng có một sức mạnh mới giúp ta chấp nhận những thử thách của cuộc sống và giúp đỡ người khác trong nỗi khổ của họ để thắng vượt chúng, nhìn tận mặt chúng, như Người đã nhìn thấy chúng và tiếp nhận chúng như phương thế cứu độ.” (Lời sống tháng 11, 1981)

“Phúc cho người khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an”

Nơi Chúa Giêsu chúng ta có thể học biết nên chứng nhân và nên khí cụ của tình yêu diu hiền cùng sáng tạo của Chúa Cha lẫn cho nhau. Đó là sự nẩy sinh của một thế giới mới, nó chữa lành cuộc chung sống của nhân loại từ cội rễ và lôi kéo sự hiện diện của Thiên Chúa đến giữa con người, nguồn an ủi vô hạn lau khô mọi nước mắt.

Chị Lena và anh Philippe, người Li-băng, đã chia sẻ kinh nghiệm của họ với những bạn hữu trong cộng đoàn giáo hội như sau: “Các bạn thân mến, chúng tôi cảm ơn các bạn đã chúc mừng chúng tôi một lễ Phục sinh rất đặc biệt năm nay. Chúng tôi đều mạnh khỏe và tìm cách không bị nhiễm vi-rút. Dầu vậy, vì dấn thân trong sinh hoạt “Parrainage Liban” chúng tôi không thể cứ ở nhà mà chừng hai ngày phải ra ngoài, để bảo đảm những nhu cầu khẩn cấp cho một số gia đình: tiến bạc, áo quần, đồ ăn, thuốc men v.v.

Chị Lena giải thích, “Đây là sinh họat nảy sinh từ năm 1993 bởi một nhóm gia đình sống Lời sống, để gìúp một bà mẹ với năm đứa con nhỏ đang khi người chồng bị tù. Cho đến lúc này chúng tôi đã giúp cho chừng 200 gia đình ở Li-băng, tại tất cả các vùng. Những người cộng tác với chúng tôi dấn thân bằng nhiều cách để đưa các gia đình đến chỗ tự túc: với những cuộc thăm viếng tại nhà, tìm nơi ở và việc làm, giúp cho việc học hành. Chúng tôi được trợ lực về kinh tế bởi hàng trăm người và cơ sở kinh doanh, những người tin vào hành động của chúng tôi”.

Ngay trước khi có bệnh dịch, tình trạng kinh tế tại xứ sở đã rất nặng nề, và, như tất cả thế giới, bây giờ càng tồi tệ hơn. Nhưng không thiếu sự quan phòng của Thiên Chúa: gần đây nhất là cách đây một tuần trợ giúp đến từ một người Li-băng sống ở nước ngoài. Người này xin chị Lena cung cấp một bữa ăn ba ngày trong tuần cho mười hai gia đình, trong suốt tháng tư. Đó là sự xác nhận rõ của tình yêu Thiên Chúa, Người không đ bị thua kém lòng quảng đại.

Letizia Magri


LỜI SỐNG 2020