Lời Sống

Tháng Giêng 2022

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,

nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2, 1-2)

 

Những lời này, chỉ được thuật lại trong Tin mừng Mát-thêu, do một vài nhà “thông thái” cho biết, họ từ xa một cách bí ẩn đến viếng thăm trẻ Giêsu.

Họ là một nhóm người, đối phó với một cuộc hành trình lâu dài đi theo một ánh sáng nhỏ, để tìm một Ánh sáng lớn hơn, phổ quát: đó là vị Vua đã sinh ra và hiện diện trện trần gian. Người ta không biết gì hơn về những người này, nhưng câu chuyện này có nhiều gợi ý cho cuộc sống Ki-tô.

Năm nay, những lời này đã được chọn và đề xuất bởi các tín hữu Ki-tô ở Trung đông để cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tìn hữu Ki-tô. Đây là môt dịp quý báu để chúng ta cùng nhau đồng hành, mở lòng đón nhận lẫn nhau, nhưng nhất là mở lòng đến chương trình của Thiên Chúa để nên những chứng nhân của tình yêu Người đối với từng người và từng dân tộc trên thế giới.

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,

nên chúng tôi đến bái lạy Người."

Các tín hữu ở Trung đông viết trong tài liệu đi kèm những đề xuất cho tuần lễ cầu nguyện này như sau: “[…] ngôi sao xuất hiện trên nền trời Giu-đê nói lên dấu chỉ về niềm hi vọng người ta chờ đợi từ lâu, nó dẫn đưa các nhà chiêm tinh và cùng với các ông, trên thực tế, dẫn đưa các dân tộc trên trái đất, đến nơi vị Vua và Đấng Cứu độ tỏ hiện. Vì sao là một hồng ân, một dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. […] Những nhà chiêm tinh cho chúng ta thấy sự hiệp nhất của mọi dân tộc mà Thiên Chúa mong muốn. Họ lên đường từ những nước xa xôi và đại diện những nền văn hóa khác nhau, nhưng tất cả đều được thúc đẩy bởi ước muốn nhìn thấy và biết được vị vua mới sinh; họ họp nhau lại nơi hang Bê-lem, để bái lạy Người và dâng hiến lễ vật. Các tín hữu Ki-tô được mời gọi trở nên dấu chỉ trên trần gian cho sự hiệp nhất mà Người ước mong cho thế gian. Cho dầu thuộc những nền văn hóa, chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau, các tín hữu Ki-tô chia sẻ cùng một công cuộc tìm kiếm Đức Ki-tô và cùng một ước mong thờ lạy Người. Như vậy sứ mạng của các Ki-tô hữu là dấu chỉ, như vì sao, để hướng dẫn nhân loại đang khao khát Thiên Chúa và dẫn họ đến với Đức Ki-tô, và nên khí cụ của Thiên Chúa để thực hiện sự hiệp nhất các dân tộc”[1] Vì sao chiếu sáng cho các nhà chiêm tinh là cho tất cả mọi người, trước hết nó chiếu sáng trong tận thâm sâu của lương tâm nào để cho tình yêu soi sáng. Tất cả mọi người chúng ta đều có thể làm cho sắc bén cái nhìn để nhận ra ánh sáng đó, có thể tiến bước đi theo và đạt tới đích là gặp gỡ Thiên Chúa và những người anh em trong cuộc sống hàng ngày của mình, để chia sẻ với tất cả mọi người những gì mình nhận được.

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,

nên chúng tôi đến bái lạy Người."

Tôn vinh Thiên Chúa là điều cơ bản để nhận biết chính mình trước mặt Người: chúng ta nho bé, mỏng dòn, luôn cần được tha thứ và xót thương, và vì vậy ta thành thực sẵn sàng có cùng một thái độ đối với người khác. Vinh dự này chỉ dành cho Thiên Chúa, nó được nói lên trọn vẹn trong thái độ thờ lạy.

Chúng ta có thể để cho những lời sau đây của Chị Chiara Lubich giúp chúng ta: “[…] “Thờ lạy” Thiên Chúa nghĩa là gì? Đó là một thái độ chỉ hướng về Thiên Chúa mà thôi: “Chúa là mọi sự”, nghĩa là: “Chúa là Chúa”; vá con được đặc ân bao la là sự sống để nhận biết điều đó, […] cũng có nghĩa là […] “Con là hư vô”. Và không chỉ nói lên điều đó bằng lời nói suông. Để thời lạy Thiên Chúa thì cần phải xóa bỏ chính mình và làm cho Người vượt lên nơi mình và nơi trần gian. […] Nhưng con đường chắc chắn nhất để đạt đến việc tuyên dương chúng ta là hư vô và Thiên Chúa là mọi sự là điều tích cực. Để xóa tan những ý nghĩ của mình thì ta chỉ cần nghĩ đến Thiên Chúa và có được những ý nghĩ của Người đã được mạc khải trong Tin mừng. Để xóa bỏ ý muốn của mình thì ta chỉ cần chu toàn ý muốn của Người được chỉ cho chúng ta trong giày phút hiện tại. Để xóa bỏ những tình cảm rối loạn của mình thì chỉ cần có được trong lòng tình yêu Thiên Chúa và mến yêu những người bên cạnh ta bằng cách chia sẻ với họ những lo âu, đau buồn, những vấn đề, những niềm vui. Nếu chúng ta lúc nào cũng là “tình thương”, thì cho dù không ý thức, chính chúng ta đã là hư vô. Và vì chúng ta sống cái hư vô của mình, qua cuộc sống chúng ta khẳng định sự siêu việt của Thiên Chúa, Người là mọi sự, bằng cách mở rộng lòng chúng ta thờ lạy Thiên Chúa” (Lời Sống tháng hai 2006).

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông,

nên chúng tôi đến bái lạy Người."

Chúng ta có thể nhận lấy cho mình những lời kết của các tín hữu Trung đông như sau: “Sau khi đã gặp Đấng Cứu thế và cùng nhau thờ lạy Người, các nhà chiêm tinh, được báo mộng, trở về xứ sở mình bằng con đường khác. Cũng vậy, mối hiệp thông chúng ta đã chia sẻ trong cuộc cầu nguyện chung phải linh ứng cho chúng ta khi trở về cuộc sống của mình, về giáo hội của mình và về thế gian, qua những con đường mới. […] Việc đem mình phục vụ Tin mừng ngày nay đòi hỏi phải dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, nhất là nơi những người nghèo khổ nhất, những người cô thế nhất và những người sống ngoài lề xã hội. […] Con đường mới cho các giáo hội là con đường hiệp nhất tỏ tường mà chúng ta theo đuổi với sự hi sinh, lòng can đảm, sự táo bạo, ngõ hầu ngày qua ngày, “Thiên Chúa sẽ thực sự hiển trị trên mọi sự” (1Cr 15,28).

Magri Letizia

 

 



[1] Xem http://www.christianunity.va/content/unitacristiani/it/news/20211/spuc-2022.html.


LỜI SỐNG 2022