Ý Nghĩa và Lịch Sử Đại Lễ Chúa Ba Ngôi

 

 

Chúa Nhật đầu tiên sau Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là Đại Lễ Chúa Ba Ngôi. Đại Lễ này mừng kính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà trong tiếng La-tinh gọi là Trinitatis: Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

 

Đại Lễ Chúa Ba Ngôi đã có ngay từ hồi thế kỷ thứ X, nhưng được mừng kính vào nhiều thời gian khác nhau, tùy theo mỗi địa phương. Vào năm 1334, Đức Thánh Cha Gio-an XXII đã thiết lập Đại Lễ này cho toàn thể Giáo hội Công giáo, và truyền cử hành vào một ngày chung. Tuy nhiên, thời gian cử hành Đại Lễ này đã bị thay đổi nhiều lần, và chỉ sang thế kỷ XVIII, Đại Lễ này mới được ấn định dứt khoát vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mà thôi, và giữ nguyên như thế cho tới ngày nay.

 

Dù Giáo hội Công giáo đã cử hành Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi với bậc Lễ Trọng rồi, nhưng các Giáo hội Tin Lành còn cử hành Đại Lễ này cách long trọng hơn. Trong các Giáo hội Tin Lành, Đại Lễ này được cử hành như một Đại Lễ Tuyên Xưng Đức Tin với việc lập lại hai Kinh Tin Kính mà chúng ít được biết đến hơn so với bản Kinh vẫn thường được gọi là Kinh Tin Kính các Tông Đồ, nhưng cũng là những Kinh Tin Kính chung và cổ xưa nhất của Giáo hội Công giáo: Kinh Tin Kính Công Đồng Nicea và Kinh Tin Kính Thánh Athanaxiô.

 

Các Giáo hội Chính Thống cử hành Đại Lễ Chúa Ba Ngôi vào đúng ngày Chúa Nhật Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong khi vào ngày thứ Hai sau đó họ mới mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

 

Sau đây là những bài Huấn Dụ của các Đức Thánh Cha:

 

1.Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật Đại Lễ Chúa Ba Ngôi, 31.05.2015:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta cử hành Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi, Đại Lễ này nhắc chúng ta nhớ tới mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi hình thành nên một sự hiệp nhất giữa ba ngôi vị Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa hiện hữu cùng nhau, cho nhau và trong nhau: Sự hiệp nhất ấy chính là sự sống của Thiên Chúa, là mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm này. Ngài trình bày cho chúng ta biết về Thiên Chúa như một người Cha, và cũng đã nói cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần; đồng thời Ngài cũng đã tự mô tả mình là Con Thiên Chúa. Với những cách thức đó, Ngài đã tiết lộ cho chúng ta biết về mầu nhiệm ấy. Sau khi phục sinh, Chúa Giê-su đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, cũng như đã chỉ thị cho các ông phải cử hành Phép Rửa „Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần“ (Mt 28,19). Chúa Giê-su cũng đã truyền lệnh đó cho Giáo hội, và Giáo hội đón nhận sứ vụ truyền giáo từ các Tông Đồ, cho mọi thời đại. Đồng thời, mệnh lệnh ấy cũng được dành cho tất cả chúng ta. Nhờ sức mạnh của Bí Tích Thanh Tẩy, tất cả chúng ta đều tham dự vào sự hiệp thông của Ngài.

 

Vì thế, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đại Lễ hôm nay như một mầu nhiệm tuyệt vời nhất, trên mọi mầu nhiệm, mà mầu nhiệm ấy chính là nguồn cội cũng như cùng đích của chúng ta. Đồng thời, mầu nhiệm ấy sẽ canh tân sứ vụ cuộc sống chúng ta trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa cũng như trong sự hiệp nhất với nhau theo gương sự hiệp nhất của Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi không phải để sống trên người khác, cũng không phải để sống đối nghịch với người khác, nhưng để sống với nhau và sống trong nhau. Điều này có nghĩa là cùng nhau làm chứng cho vẻ đẹp của Tin Mừng, sống Đức Ái đối với nhau và Đức Ái đối với tất cả mọi người, chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn, học tập để xin được tha thứ cũng như thực hành việc thứ tha, và kính trọng những đặc sủng khác nhau dưới sự hướng dẫn của các mục tử. Tắt một lời, sứ mạng được ủy thác cho chúng ta chính là việc kiến tạo nên những cộng đoàn trong Giáo hội, mà những cộng đoàn ấy ngày càng trở nên những gia đình, và ngày càng có khả năng suy tư về ánh rạng ngời của Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như có khả năng loan báo Tin Mừng không chỉ bằng những lời nói, nhưng bằng sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta.

 

Như đã trình bày, Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là cùng đích mà trên đó, cuộc lữ hành dương thế của chúng ta hướng đến. Trong thực tế và xét về bản chất, con đường Ki-tô Giáo phải ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng ta đi tới sự hiểu biết toàn vẹn về giáo huấn của Chúa Ki-tô, và nhắc cho chúng ta nhớ lại những giáo huấn đó; mặt khác, Chúa Giê-su đến thế gian để làm cho chúng ta học biết về Chúa Cha, dẫn chúng ta đến với Ngài cũng như giao hòa chúng ta với Ngài. Tất cả đời sống Ki-tô giáo đều xoay quanh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và trong mối liên hệ với mầu nhiệm không cùng này, đời sống Ki-tô hữu chính là việc hiện thực hóa mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng giữ cho „âm giọng“ cuộc sống chúng ta luôn ở độ cao, bằng cách là nhớ lại xem, chúng ta đang phục vụ cho mục đích nào, cho vinh quang nào trong cuộc hiện sinh của chúng ta, trong các công việc, trong sự chiến đấu và trong mọi nỗi khổ đau của chúng ta; chúng ta đang được kêu gọi để đạt tới phần thưởng to lớn và khôn cùng. Mầu nhiệm này bao bọc toàn bộ cuộc sống chúng ta cũng như toàn bộ đời sống Ki-tô giáo. Chúng ta hãy nhớ tới những dấu chỉ, chẳng hạn như dấu Thánh Giá: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giờ đây, Cha mời gọi anh chị em hãy cùng làm dấu Thánh Giá và cùng đọc lớn: „Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần!

 

Trong những ngày cuối cùng của tháng Năm, của Tháng Hoa kính Đức Mẹ, chúng ta hãy đặt niềm tín thác vào Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là người đã trải qua, đã tôn kính và đã yêu mến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hơn bất cứ một thụ tạo nào. Ước chi Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta, sẽ giúp chúng ta nhận ra các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong các biến cố của thế giới. Ước gì Mẹ sẽ làm cho chúng ta yêu mến Chúa Giê-su với tất cả tấm lòng để chúng ta bước vào trong tầm nhìn của Thiên Chúa Ba Ngôi, mục đích tuyệt vời mà trên đó cuộc sống chúng ta hướng tới. Chúng ta cũng hãy xin Mẹ giúp Giáo hội, để Giáo hội trở thành mầu nhiệm sự hiệp nhất, và trở nên một cộng đoàn niềm nở, mà trong đó, tất cả mọi người, và trước tiên là những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống, đều cảm thấy mình được đón nhận như một người con được mong muốn và được quý yêu của Thiên Chúa.

 

2. Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa Chúa Nhật Kính Chúa Ba Ngôi, ngày 22.05.2016:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay, Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Tin Mừng theo Thánh Gio-an giới thiệu cho chúng ta một phần bài diễn từ mà Chúa Giê-su đã thực hiện ngay trước cuộc khổ hình của Ngài. Trong bài diễn từ ấy, Ngài đã diễn tả cho các môn đệ thấy những chân lý thẳm sâu nhất mà chúng liên quan đến Ngài; và qua đó, Ngài mô tả cho các ông biết về mối tương quan giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha cũng như với Chúa Thánh Thần. Vì thế Chúa Giê-su biết được rằng, mình đang tiến gần tới việc hiện thực hóa kế hoạch của Thiên Chúa Cha, tức kế hoạch sẽ được nên trọn với cái chết và sự phục sinh của Ngài.

 

Từ lý do đó, Chúa Giê-su muốn bảo đảm với các môn đệ rằng, Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, vì sứ mạng của Ngài vẫn sẽ được tiếp diễn nhờ vào Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su đã mạc khải cho biết sứ điệp hệ tại ở chỗ nào. Trước tiên, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta để chúng ta nhận thức được tất cả những điều mà Chúa Giê-su vẫn chưa công bố (xc. Ga 16,12). Đó không phải là những giáo lý mới hay những giáo lý đặc biệt, nhưng là sự hiểu biết hoàn toàn về những gì mà Chúa Con đã biết được từ Chúa Cha và đã tiếp tục chuyển giao cho các môn đệ (xc. Ga 16,15). Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta bước vào những trạng huống mới của kiếp nhân sinh, với cái nhìn hướng về Chúa Giê-su, và đồng thời mở ra cho tương lai. Ngài sẽ giúp chúng ta đi đúng với truyền thống cũng như đúng với những tập tục của chúng ta, và trung thành với lịch sử đã được neo chặt trong Tin Mừng. Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng nói về chúng ta, về mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong thực tế, với Bí Tích Thanh Tẩy, Chúa Thánh Thần đã đặt chúng ta vào trong con tim và trong sự sống của chính Thiên Chúa, mà sự sống ấy chính là một cộng đoàn yêu thương. Thiên Chúa chính là một „gia đình“ với Ba Ngôi vị. Ba Ngôi vị này rất yêu thương nhau, đến độ Ba Ngôi ấy hình thành nên một sự hiệp nhất duy nhất. „Gia đình Thiên Chúa“ không đóng kín lại trong chính mình, nhưng mở ra. Gia đình ấy lan tỏa trong thế giới thụ tạo và trong lịch sử. Và gia đình ấy bước vào trong thế giới nhân loại để mời gọi tất cả mọi người hãy tham dự vào gia đình ấy. Chân trời hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi bao phủ tất cả chúng ta và khích lệ chúng ta sống trong Tình Yêu cũng như sống trong sự chia sẻ huynh đệ, trong sự xác tín rằng, bất cư nơi đâu có Tình Yêu thì ở đó cũng có Thiên Chúa. Công trình sáng tạo mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta theo hình ảnh cũng như theo họa ảnh của Ngài – một sự hiệp thông, mà sự hiệp thông này mời gọi chúng ta hãy hiểu về bản thân mình với tư cách là những thụ tạo – để sống trong sự liên kết cũng như sống các mối tương quan giữa con người với nhau trong tình liên đới và trong Đức Ái đối với nhau. Những mối tương quan ấy sẽ diễn ra trước tiên trong bối cảnh các cộng đoàn Giáo hội chúng ta, đến độ hình ảnh Giáo hội với tư cách là họa ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ càng ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Nhưng các mối tương quan ấy cũng hiện diện trong bất cứ mối tương quan xã hội nào, từ gia đình, bạn bè và ở nơi làm việc: đó là những cơ hội cụ thể mà chúng được dành cho chúng ta để thắt chặt các mối tương quan nhân loại, hầu cho chúng ngày càng trở nên phong phú hơn, và những mối tương quan đó sẽ nổi bật lên nhờ sự kính trọng lẫn nhau cũng như nhờ Đức Ái mà không hề có chuyện kiếm tìm lợi thế riêng.

 

Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta hãy dấn thân trong cuộc sống hằng ngày để nên men cho cộng đồng xã hội, cho niềm ủi an và cho Lòng Xót Thương. Trong khi thi hành sứ vụ này, chúng ta sẽ nếm trải được sự hỗ trợ nhờ vào sức mạnh mà Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta: sức mạnh ấy sẽ chữa lành thân xác nhân loại bị tổn thương của chúng ta khỏi sự bất công, khỏi sự áp bức, khỏi hận thù và khỏi lòng tham. Tong sự khiêm nhượng của mình, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha, cũng như đã đón nhận Chúa Con nhờ Chúa Thánh Thần. Ước gì Mẹ sẽ giúp chúng ta củng cố sự phản chiếu của Thiên Chúa Ba Ngôi, củng cố Đức Tin của chúng ta trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và đón nhận Ngài với những quyết định và với những cách cư xử của Đức Ái và của sự hiệp nhất.

 

3.Bài Huấn Dụ của ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, tại quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi, ngày 11 tháng 06 năm 2006:

 

Anh chị em thân mến!

 

Trong ngày Chúa Nhật sau Đại Lễ Ngũ Tuần hôm nay, chúng ta cử hành Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta hiểu được lời Chúa Giê-su cũng như dẫn đưa chúng ta tới chân lý vẹn toàn (xc. Ga 14,26; 16,13), có thể nói được rằng, các tín hữu đã đạt tới được bản thể nội tại nhất của Thiên Chúa, và ở đây khám phá ra rằng, tuyệt nhiên Ngài không phải là một sự cô độc, nhưng là một sự hiệp thông trong ánh sáng và Tình Yêu, trong sự sống được trao tặng và đón nhận, trong một cuộc đối thoại vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – Đấng Yêu Thương, Đấng Được Yêu và chính Tình Yêu, theo cách nói của Thánh Augustinô. Trên thế gian này, không ai có thể thấy Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã tỏ mình ra bằng cách trao ban chính mình, đến độ chúng ta có thể nói như Thánh Gio-an Tông Đồ rằng: „Thiên Chúa là Tình Yêu“ (1Ga 4,8.16), „chúng ta đã nhận ra Tình Yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, và đã tin vào Tình Yêu ấy“ (xc. Thông Điệp Deus caritas est, 1; 1Ga 4,16). Ai gặp gỡ Chúa Ki-tô và bước vào trong tình bằng hữu với Ngài, người ấy sẽ đón nhận sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn mình, như Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ: „Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy; Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến với người ấy và cư ngụ trong người ấy“ (Ga 14,23).

 

Đối với những kẻ tin thì toàn thể vũ trụ sẽ luôn nói về một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Từ vũ trụ bao la cho đến những hạt vi mô nhỏ nhất, tất cả những gì hiện hữu, đều hướng đến một hữu thể, mà hữu thể ấy biểu lộ chính mình trong sự đa dạng cũng như trong sự khác biệt của các yếu tố, giống như trong một bản hợp xướng hùng tráng. Tất cả mọi sinh vật đều được sắp xếp theo một động năng hài hòa mà chúng ta có thể mô tả động năng đó như là „Tình Yêu“. Tuy nhiên, chỉ trong con người với tư cách là hữu thể tự do và có lương tri, động năng ấy mới mang chiều kích tinh thần, và trở thành lời đáp trả cho Thiên Chúa và tha nhân trong sự trao hiến đầy chân thành cho Tình Yêu đầy trách nhiệm. Trong Tình Yêu ấy, hữu thể nhân loại sẽ thấy được sự thật và niềm hạnh phúc của mình. Trong số những mối tương đồng khác nhau với mầu nhiệm khôn xiết kể của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, mà các tín hữu có khả năng nhận ra, Cha muốn nhắc tới những nét tương đồng ấy nơi các gia đình. Gia đình được kêu gọi trở thành một cộng đoàn Tình Yêu và sự sống mà trong đó những điều khác biệt cũng sẽ đều cùng thông dự để hình thành nên một „biểu trưng của sự hiệp thông“.

 

Trong số tất cả mọi loài thụ tạo, Đức Maria chính là một kiệt tác của Ba Ngôi Chí Thánh: Trong con tim nhu mì và đầy tín thác của Mẹ, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho mình một căn hộ xứng hợp để làm cho mầu nhiệm cứu độ được nên thành toàn. Tình Yêu Thiên Chúa thấy được từ nơi Mẹ một sự tương xứng hoàn hảo, và trong lòng Mẹ, Con Một duy nhất đã trở thành người. Với niềm tín thác thảo hiền, chúng ta hãy ngước nhìn lên Mẹ, để nhờ vào ơn trợ giúp của Mẹ, chúng ta sẽ có thể lớn lên trong Tình Yêu, cũng như có thể biến cuộc sống mình thành một khúc ca ngợi khen Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.

 

Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist.

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung