“EM THẬT CÓ PHÚC VÌ ĐÃ TIN”

ĐỨC MARIA, NGƯỜI TÍN HỮU CỦA ĐỨC KITÔ

Lm Phêrô Trần Đình, Dalạt

 

 

Dẫn nhập

 

Tháng hoa là cơ hội tốt cho ta học hỏi về Đức Maria để hiểu cho đúng về chính Người mà thêm lòng yêu mến.

 

Chúng ta thường ca ngợi Mẹ bằng những tước hiệu rất cao sang – điều đó không có gì sai – nhưng nên hiểu rằng, như chúng ta, Đức Mẹ trước hết đã sống thân phận một người tín hữu.

 

Đức Maria, người tín hữu của Đức Kitô

 

Nếu đọc Tin Mừng cách chăm chú, chúng ta như thể nghe Chúa Giêsu nói với Mẹ mình rằng : “Thưa Mẹ, con thương Mẹ lắm, nhưng xin Mẹ hiểu cho rằng đường lên thiên đàng chỉ có một lối duy nhất : đó là sống đức tin, là sống thân phận của một người tín hữu”. Và Đức Giêsu đã cầm tay Mẹ mình và dắt Mẹ đi vào con đường đó. Chúng ta thử phân tích một vài đoạn văn Tin mừng để hiểu.

 

1/ Một ngày kia, khi Chúa Giêsu đang giảng, Mẹ Người cùng một vài thân nhân đến xin gặp Người. Chúng ta lưu ý một chi tiết là : Đức Mẹ đã phải xin cả cái quyền được gặp con. Người không xông vào giữa đám đông ra vẻ ta đây là Mẹ. Người đứng đàng xa để kẻ khác vào báo với Đức Giêsu : “Này Mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài”. Đức Giêsu đáp lại : “Ai là Mẹ Ta và anh em Ta?” (Mc 3, 13).

 

Ngày nay, chúng ta hiểu những lời đó thực ra hàm chứa sự ngợi khen hơn là việc không thừa nhận Mẹ mình, nhưng lúc bấy giờ Đức Mẹ chắc không hiểu hoặc khó hiểu và cảm thấy đắng cay vì bị chối từ. Có lẽ Đức Mẹ đã trở về, mang theo một mối sầu.

 

2/ Một ngày khác, Thánh Luca kể, từ giữa đám đông, có một người phụ nữ cất tiếng ca ngợi Đức Giêsu rằng : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy…”, Đức Giêsu lập tức sửa lại lời của bà ta : “Phải hơn, phúc cho ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ” (Lc 11, 27-28). Đương nhiên, Chúa ca ngợi Mẹ mình là người có phúc vì đã sống Lời Thiên Chúa, nhưng âm vang của những lời ấy thật khó nghe, như thể Chúa chối bỏ cái phúc vì được mẹ cưu mang.

 

3/ Một chi tiết khác : Thánh Luca nói đến “một ít phụ nữ đi theo Đức Giêsu”. Đây là những người đã được Đức Giêsu chữa lành và họ đã “lấy của cải mình mà trợ giúp Người” (Lc 8, 2-3), họ chăm lo các nhu cầu vật chất cho Chúa Giêsu và các tông đồ. Thế mà Mẹ Người lại không có mặt trong đám phụ nữ đó. Chúng ta hiểu, một người mẹ muốn được đích thân chăm chút cho con mình như thế nào và bà vui khi làm chuyện đó. Vậy mà cũng không được làm. Đức Maria rõ ràng là Mẹ của Chúa Giêsu, nhưng đã phải sống như thể không phải là Mẹ của con mình. Chẳng phải Chúa Giêsu đã hắt hủi Mẹ mình, cho bằng Người muốn Mẹ sống thân phận của một kẻ tin, một người tín hữu. Còn cái công làm Mẹ Đấng Cứu Thế thì đã được ghi vào sổ vàng.

 

4/ Và cuối cùng là câu chuyện Đức Mẹ tại tiệc cưới Cana. Là một người phụ nữ, Đức Mẹ tinh tế để hiểu rằng gia chủ khó xử vì đang ăn lại hết rượu. Và Người đã kín đáo nói với Chúa Giêsu rằng : “ Họ hết rượu rồi”. Chúng ta nghe câu trả lời của Chúa Giêsu : “Thưa bà, giữa tôi và bà nào có việc gì ?. Giờ tôi chưa đến” ( Ga 2, 4). Dù chúng ta tìm cách giải thích những lời đó thế nào đi nữa, thì âm vang của chúng vẫn cứng cỏi khó nghe, nó tạo ra một khoảng cách giữa hai mẹ con.

 

Kết luận

 

Những lời Chúa Giêsu nói với Mẹ mình quả thật làm chúng ta khó hiểu. Và trước hết, Đức Mẹ là người cảm thấy khó hiểu hơn cả. Vì thế, Tin mừng nói thế này : “Đức Mẹ đã ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 19.51). Rồi Đức Mẹ cũng nhớ những lời ca ngợi bà Isave : “Em thật có phúc vì đã tin” (1, 44). Và Mẹ hiểu rằng Chúa Giêsu muốn cầm tay Mẹ và dắt Mẹ đi vào con đường của kẻ tin, con đường của một người tín hữu. Và rồi Mẹ đã trung thành đi con đường ấy cho đến tận chân thập giá Chúa Giêsu.

Mục Lục
Trở Về Trang Nhà