LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

 

Hình ảnh Thánh giá đã quá quen thuộc với chúng ta hôm nay.  Thánh giá dựng trên nóc thánh đường, nhà nguyện, trên mồ mả, được đeo trước ngực... đã trở thành biểu tượng Ki-tô giáo nên không còn làm cho chúng ta nghĩ tới nỗi hãi sợ về cực hình đóng đinh thập giá nữa.  Thánh lễ hôm nay nói về Thánh giá như một vật chiến thắng.  Điều đó không có nghĩa là Thánh giá không gợi lên những hình ảnh đau đớn và kinh khiếp đối với những ai đã quen thuộc với câu truyện Thương Khó và cái chết của Chúa Giê-su.  Tuy nhiên, các bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta hay Thánh giá và sứ điệp của Thánh giá không làm cho chúng ta nản chí, nhưng giúp chúng ta được phấn khởi.

Bài đọc Cựu Ước (Ds 21:4-9) kể lại việc Chúa chữa lành những người Ít-ra-en bị rắn độc cắn trong sa mạc nếu họ ngước nhìn lên con rắn đồng được ông Mô-sê treo cao lên giữa trại.  Con rắn đồng ấy biểu tượng cho quyền năng chữa lành của Thiên Chúa.  Khi dân Chúa phải đau khổ, họ ngước trông lên Người như nguồn hy vọng cuối cùng và Chúa đã đoái thương đáp lại nhu cầu của họ.  Tình thương của Chúa đã giúp chúng ta chiến thắng những đau khổ mình phải chịu trong cuộc đời.

Trong bài Tin Mừng của thánh Gio-an, Chúa Giê-su so sánh thân phận của Người cũng giống như con rắn đồng đã được Mô-sê giương cao trong sa mạc.  Cái chết của Chúa Giê-su trên Thánh giá không phải là thất bại, nhưng là chiến thắng của Thiên Chúa trên cái chết do tội lỗi đem lại.  Những ai nhận thấy mình cần được chữa lành, tức là cần được sống lại và hồi phục sau khi bị thương tổn do tội lỗi, sẽ nhìn lên Chúa Ki-tô chịu treo trên Thánh giá như quyền năng và lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa.  Trong trình thuật Thương Khó theo sách Tin Mừng Gio-an, Chúa Giê-su hành động với tư thế hoàn toàn chủ động và tự nguyện.  Người biết mình “phải được giương cao” trên Thánh giá, như một biểu lộ của tình yêu Thiên Chúa.  Hơn thế nữa, Thánh giá cùng với Chúa Ki-tô chịu treo trên đó, là một biểu hiệu chiến thắng của Thiên Chúa.

Tuy là biểu hiệu chiến thắng, nhưng Thánh giá không giống như những lá cờ hoặc huy hiệu của những kẻ chiến thắng quân sự.  Thánh giá là một dấu hiệu khiêm nhường.  Khi nói đến việc Chúa Cha siêu tôn Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã nêu cao một Đức Ki-tô khiêm nhường, trút bỏ vinh quang của ngôi vị Thiên Chúa, mặc lấy thân phận kẻ nô lệ và chấp nhận một cái chết hèn hạ dành cho một tên nô lệ tội phạm.

Không giống như những dụng cụ trừng phạt và xử tử tội nhân, Thánh giá nói cho chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa sẽ giúp cho chúng ta chỗi dậy, chữa lành tình trạng tội lỗi của chúng ta và cất đi những đau khổ của chúng ta.  Thánh giá cũng nhắc nhở chúng ta về sự kiện đầy an ủi là Chúa Ki-tô tự nguyện muốn chia sẻ những đau buồn của chúng ta.  Do đó, Thánh giá không phải chỉ là dấu hiệu mời gọi chúng ta đến với Chúa Ki-tô, mà còn là dấu hiệu cho chúng ta thấy Chúa Ki-tô muốn hiện diện trong những đau khổ của chúng ta và muốn chia sẻ với chúng ta.  Khi chịu cực hình, Chúa Ki-tô đã chia sẻ với những đau khổ của con người, và qua Thánh Thần, Người ở bên cạnh chúng ta trong những giây phút đen tối nhất của cuộc sống chúng ta.

Chúng ta có những hành vi liên quan đến việc suy tôn Thánh giá.  Không phải là ngẫu nhiên qua bao nhiêu thế kỷ, chúng ta làm dấu Thánh giá, nhìn vào tượng chịu nạn, hôn Thánh giá trước khi kết thúc lần hạt Mân-côi.  Hai thanh gỗ dọc và ngang của Thánh giá giúp chúng ta cầu nguyện, nhớ đến Cha trên trời hằng yêu thương săn sóc chúng ta và nhớ đến những khổ đau của chúng ta cũng như của anh chị em khắp nơi.  Khi chúng ta sung sướng, Thánh giá nhắc nhở chúng ta về những đau khổ của anh chị em và về bổn phận chúng ta phải cảm tạ tình thương của Chúa.  Khi chúng ta chịu đau khổ, Thánh giá nói với chúng ta là Chúa Ki-tô đang chia sẻ đau khổ của chúng ta và quyền năng của Người sẽ giúp chúng ta thắng vượt được đau khổ.  Do đó, Thánh giá quả thực là một hồng ân tuyệt vời Chúa ban cho chúng ta để chúng ta trìu mến ôm vào lòng.  Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong dấu Thánh giá chúng ta làm:  Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  A-men.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

12-9-2003


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà