SUY TÔN THÁNH GIÁ, ngày 14/9

Ga 3, 13-17

 

THÁNH GIÁ NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ VÔ BIÊN

 

Người Kitô hữu không chỉ là người “ tin có Thiên Chúa “ mà thôi, nhưng họ còn tin vào lời chứng của Chúa Giêsu về Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người. Trong

kế đồ cứu độ của Thiên Chúa, con người khó hiểu và không dễ chấp nhận một thực tại xem ra thật khó nuốt , Con Người tức Đức Giêsu Kitô sẽ phải chết trên thập giá và sống lại : “ Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con người cũng sẽ phải được giương cao như vậy “ ( Ga 3, 14 ). Đây là một điều người Do Thái gạt bỏ qua bên về tất cả những gì mà sách Dân số 21 đã tiên báo về Đấng Cứu Độ sẽ phải chịu. Thập giá và đau khổ đối với người Do Thái là ô nhục không thể chấp nhận ( 1 Co 1, 23 ), còn đối với người Hy Lạp và đối với dân ngoại là điên rồ ( 1 Co 1, 23 ).

Thập giá luôn là nguồn ơn cứu độ đối với những ai tin như thánh Phaolô viết:” …đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa “( 1 Co 1, 24 ).

Lễ suy tôn thánh giá có một nguồn gốc rất đáng trân trọng và đáng ghi nhớ. Số là vào thời Hoàng Đế Hérachius I, dân Ba Tư xâm chiếm thành thánh Giêrusalem và lấy mất phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène, mẹ của Hoàng Đế Constantin đã để lại cho thành thánh. Hérachius nhất định phải lấy lại cho bằng được phần chính yếu của thánh giá mà dân Ba Tư đã đánh cắp ở Giêrusalem. Hoàng Đế ăn chay, cầu nguyện và nung nấu ý chí can trường để can đảm chiến thắng quân thù và đem về được phần quí hóa của thánh giá đã bị những người Ba Tư ăn cắp, chiếm lấy. Lời cầu xin thiết tha của Hoàng Đế Hérachius đã được Chúa chấp nhận. Hoàng Đế đã chiến thắng quân Ba Tư và trở về Constantinople trong khải hoàn và giữa muôn tiếng reo hò, vui sướng của thần dân. Thánh giá thật của Chúa đã được rước về với tiếng reo ca, những ánh đuốc sáng ngời và những cành Olive thơm ngát. Vua Hérachius muốn rước thánh giá thật trở về thành thánh Giêrusalem sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua hân hoan bước đi trong niềm vui tràn trề để vào thành thánh, trước khi bước lên Núi Sọ, Ngài không thể bước tiếp được nữa khiến toàn dân có mặt lo âu, kinh ngạc. Vị giáo trưởng Giêrusalem: Zacharia hô lớn “ Tâu Đức Vua chắc chắn phẩm phục sang trọng của Đức Vua không xứng đáng với sự nghèo nàn, rách rưới của Chúa Giêsu khi vác thập giá trên đường tiến về đồi Calvariô “. Nhà Vua vội thay bộ áo quần sang trọng và thay bằng một bộ đồ rách rưới nghèo nàn…Như một phép lạ, nhà Vua đã cất bước một cách dễ dàng, thoải mái. Để tỏ quyền năng của Chúa, Đức Giêsu Kitô đã làm rất nhiều phép lạ trong ngày hôm ấy. Lễ suy tôn thánh giá được thiết lập từ đó để nhắc nhở mọi người về ngày đáng ghi nhớ và kỳ diệu này.

“Khi đến nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho họ uống rượu hoà với mật đắng. Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống”( Mt 27, 33-34 ).

Một lần nữa Chúa tỏ ý muốn chịu đau khổ. Nên Chúa đã từ chối sự xoa dịu nỗi đau đớn của Chúa. Chúa muốn hoàn toàn ý thức, hoàn toàn tự chủ, để uống cạn đến giọt cuối cùng chén đắng mà Chúa đã nhận ở vườn Cây Dầu ( Huby ).

Thập giá là nguồn ơn cứu độ :” Ơn Cứu Chuộc nơi Người chan chứa “ ( Copiosa apud Eum Rédemptio “. Do đó, Chúa đã nói với tất cả những ai muốn làm môn đệ của Ngài :” Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Thầy”( Mt 16, 24 ).

Lạy Chúa Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Mục Lục
Trở Về Trang Nhà