Lễ Chúa Giêsu phục sinh, một công trình sáng tạo mới

Hằng năm Hội Thánh công gíao mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh từ cõi kẻ chết. Trong đêm thánh phục sinh, đêm canh thức đón mừng lễ Chúa phục sinh, bài tường thuật về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cùng con người được đọc đầu tiên.

Việc này có ý nghĩa gì ?

Lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh là lễ sự sáng tạo mới. Chúa Giêsu đã sống lại và Người không chết nữa. Với sự sống lại, Ngài đã mở cánh cửa tối tăm sự chết cho sự sống mới tràn vào.

Nhà chiêm niệm văn hào Kitô giáo Tertuliano hồi thế kỷ thứ ba đã có suy niệm về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô: “Anh em đã được an ủi, máu và thân xác anh em qua Chúa Giêsu Kito đã có được chỗ trên trời và trong nước Thiên Chúa”.

Một khía cạnh mới đã mở ra cho con người. Sự sáng tạo trở nên lớn cùng trải rộng ra hơn. Lễ phục sinh là ngày của công trình tạo dựng sáng tạo mới. Vì thế, Hội Thánh khởi đầu nghi lễ canh thức đón mừng lễ Chúa phục sinh với việc ôn lại sự sáng tạo cũ thuở ban đầu, để nhớ lại cùng học hỏi hiểu nhận ra rõ ràng công trình sự sáng tạo.

Bài tường thuật việc tạo dựng vũ trụ cùng con trong sách Sáng Thế (1, 1-31), nhấn mạnh Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư không do lời Ngài phán: Hãy có. Và mọi sự liền có.

Bài tường thuật sự sáng tạo diễn tả một hình ảnh toàn thể theo thứ tự trong sáu ngày, và ngày thứ bảy là ngày nghỉ ngơi thong dong tự do cho Thiên Chúa và loài thụ tạo trong công trình sáng tạo. Sự sáng tạo là không gian cho sự gặp gỡ của tình yêu và sự tự do.

Ánh sáng được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa tạo dựng đầu tiên trước hết mọi công trình vào ngày thứ nhất công trình sáng tạo (St 1, 3). Đang khi mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao được sáng tạo vào ngày thứ tư như chiếc đèn soi chiếu trên bầu trời. Những hành tinh này do Thiên Chúa tạo dựng. Chúng mang sắc thái bản chất của thần thánh, nhưng chúng không phải là thần thánh. Chúng là vật chiếu tỏa ánh sáng, qua đó sự vinh quang của Thiên Chúa được phản chiếu tỏa lan ra trên trần gian trong vũ trụ.

Tường thuật về ánh sáng có ý nghĩa gì cho công trình tạo dựng trên trần gian?

Theo ý nghĩa vật lý, ánh sáng xóa tan bóng tối, tạo điều kiện cơ cho sự sống, cho hội ngộ gặp gỡ, cho thông thương giao tiếp.

Theo ý nghĩa tinh thần tâm linh, Ánh sáng chiếu soi mang đến sự hiểu biết, dẫn lối tìm về sự chân thật, về thực tế. Và như thế giải thoát khỏi bóng tối đưa đến sự tự do cùng sự phát triển.

Ánh sáng vì thế cũng là ấn tượng cảm nhận cho sự tốt lành, sự thánh thiện. Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng thông truyền sứ điệp: Ngài đã tạo cho vũ trụ một không gian sự hiểu biết và sự chân thật, như không gian của sự gặp gỡ và tự do, như không gian của sự tốt lành và tình yêu.

Chúa Giêsu phục sinh vào ngày thứ nhất trong tuần. Ngày thứ nhất công trình sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo dựng ánh sáng xóa bỏ bóng tối bao trùm không gian vũ trụ thuở ban đầu, như Ngài truyền lệnh: Hãy có ánh sáng. Và liền có ánh sáng.

Đêm tối Chúa Giêsu bị bắt, bị lên án đã qua. Mặt trời bị bóng tối che phủ ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên cây thập tự, đêm tối trong huyệt mồ chôn thân xác Chúa Giêsu trong lòng đất cũng đã qua.

Ngày thứ nhất trong tuần bắt đầu trở lại, công trình tạo dựng sáng tạo mới bắt đầu trở lại: “Hãy có ánh sáng”, như Thiên Chúa phán và “liền có ánh sáng”. Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy ra khỏi nấm mồ tối tăm sự chết vào ngày thứ nhất trong tuần. Ánh sáng sự sống tràn lan tỏa chiếu soi xóa tan bóng tối: Sự sống mạnh hơn sự chết. Sự tốt lành dũng mạnh hơn sự dữ sự xấu, tình yêu thắng vượt sự hận thù, sự chân thật vượt lên trên sự giả dối.

Bóng tối đêm đen của những ngày buồn thương sầu thảm đau khổ trước đó đã bị xua tan, khi Chúa Giêsu Kito đứng dậy từ huyệt mồ người chết đi ra sống lại, và trở thành ánh sáng tinh tuyền trong lành của Thiên Chúa.

Với sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô luồng ánh sáng mới được tạo thành. Ánh sáng mới này mang đến sự sống mới cùng chiến thắng xóa tan bóng tối đêm đen tội lỗi.

Đây là ngày Chúa đã lập ra cho con người chúng ta tất cả: Lumen Christi! Deo gratis.

Lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh 2014

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long (songductin.de)


Mục Lục