THẬP GIÁ, NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU KHÔNG LỜI.

 

Hằng năm, khi đến ngày thứ sáu Tuần Thánh là thời khắc cực điểm của Tình yêu, tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, bỏ mình vâng theo ý Cha, để đem lại ơn cứu độ cho toàn thế giới, thời khắc biểu lộ tình yêu đến tận cùng, không bao giờ ngơi của một Vị Thiên Chúa làm người. Một tình yêu ôm lấy tất cả mọi người, không có ngoại lệ nào. Một tình yêu vươn đến mọi thời gian mọi không gian, một nguồn ơn cứu độ vô tận tuôn trào để cho mỗi chúng ta, những người có tội, có thể kín múc lấy hầu hưởng trọn nguồn ơn Cứu Độ; Và với riêng bản thân tôi, mỗi khi thánh ca Pl 2,6-11 được vang lên, lòng tôi lại bị rúng động, ray rứt, và cảm thấy xấu hổ đến tột độ. Bởi, khi suy ngắm về tình yêu “tự hủy” của Đấng là Thầy và là Cứu Chúa của tôi, Đấng lòng tôi tin kính và tôn thờ, Đấng Tối cao quyền phép, Đấng dựng nên cả trời đất … mà lại hủy mình ra không để cho loài người được sống và sống đồi dào, thì làm sao lại không bị rúng động được. Hơn nữa, khi chiêm ngắm Thập Giá, nơi mà năm xưa đã treo Đấng là Chúa Cả Trời Đất, ta lại càng rúng mình hơn nữa. Rúng mình không phải vì “ghê sợ”, mà tự nơi Thập giá đã và đang vang lên trong tôi một “ngôn ngữ của tình yêu không lời”, một tình yêu là nguồn cội của tình yêu, một tình yêu cho đi một cách nhưng không, yêu cho đến độ thí ban mạng sống vì người mình yêu.

 Tôi thiết nghĩ, trên trần gian này không có từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết được mầu nhiệm của tình yêu này. Chỉ dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Phục Sinh, ta mới có thể chiêm ngắm – gẫm suy – và mới có thể hiểu được phần nào về Mầu nhiệm cao cả này mà thôi.

1.Thập giá, nơi minh chứng tình yêu

 

Đã gần 2000 năm nay, có biết bao thần học gia, bao nhạc sĩ, văn sĩ tìm cách diễn tả về mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giêsu Kitô, nhưng dù họ có cố gắng đến đâu thì cuối cùng vẫn phải thốt lên “Mầu nhiệm Thập giá là Mầu Nhiệm đức tin” lòng người không thể dò thấu, lý trí con người không thể hiểu cho thấu được. Bởi tự nơi thẳm sâu của mầu nhiệm ấy, tiếng gọi của “tình yêu cho đến cùng” luôn vang vọng. Thập giá của Đức Giêsu Kitô qua bao thời vẫn đứng đó, nhưng không bất động. Thập Giá ấy như chiếc “chìa khóa vạn năng” mở cho con người cánh cửa vào sự sống. Nơi thẳm sâu của mầu nhiệm Thập Giá ấy, một tình yêu cho đến cùng luôn chảy tràn và giãi bày; sự thật về con người Giêsu được tỏ rạng và lòng thương xót vô bờ  bến của Thiên Chúa được dâng cao đến tột độ.

Hơn nữa, Thập giá ấy còn là một bằng chứng rõ nhất phơi bày lòng dạ độc ác của con người, nhưng đồng thời lại là một lời minh chứng hùng hồn nhất về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, đặc biệt qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

Thập Giá ấy còn là minh chứng của tình yêu trao ban. Nơi đó Đức Giêsu không giữ lại chi cho riêng mình, Ngài chịu “lột trần” vì yêu, và vì yêu, Ngài đã trở thành tội, hầu cho chúng ta là những tội nhân được ơn giao hòa. Ngài đã chấp nhận chết cách nhục nhã, để mặc lại cho con người phẩm giá làm con Thiên Chúa. Ngài đã trao ban chính thịt và máu của Ngài làm “lương thực thần lương” cho con người được sống và  sống dồi dào.

Cuối cùng, Thập giá còn là minh chứng cho tình yêu chung thủy của Thiên Chúa. Dù con người lòng dạ nham hiểm, luôn “thay trắng đổi đen”, nay trung thành rồi mai phản bội, nay thề ước rồi mai bội ước … nhưng Thiên Chúa thì lại rất mực trung thành. Sách Ngôn sứ Isaia mô tả cho ta biết “người mẹ nào lại quên được đứa con của lòng mình, cạn tình với đứa con dạ bà đã cưu mang”(Is 49,15), thì huống chi là Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người phát xuất từ nơi thẳm sâu nhất của trái tim Ngài, nơi Ngài đã thành hình và sinh hạ ra ta, nơi mà Ngài đã phải quặn đau để cho ta được sống. Hơn nữa, Thiên Chúa Đấng tạo thành vạn vật làm sao lại không quặn đau trước nỗi đau của con người, của loài thụ tạo được sống bằng sức sống của Ngài và được tạo nên giống hình ảnh của Ngài? Thiên Chúa mãi trung thành, dù thời gian bao năm biến thay, dù lòng con người nghi nan hững hờ, Ngài vẫn một mực yêu thương. Vì vậy, khi thời gian đến hồi viên mãn, Ngài đã thực hiện lời hứa cứu độ. Đức Giêsu Ngôi Lời của Thiên Chúa và Ngài vồn dĩ là Thiên Chúa, đã nhập thể làm người, chia sẻ kiếp sống với con người, gánh lấy tội lỗi của muôn người, để rồi cuối cùng hiến thân chịu chết như một tội nhân bần cùng nhất để cứu độ con người, và Ngài đã Phục Sinh để đem lại cho con người sự sống sung mãn trong Thiên Chúa, đưa con người vào sự tương giao hiệp thông trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa.

 

2.Thập giá vẫn nói trong tim mỗi người

Nhìn bề ngoài, Thập giá là một sự thua thiệt, vì đây là nơi chỉ dành cho những tội nhân bị khai trừ khỏi xã hội. Nhưng Đức Giêsu Kitô đã chọn con đường Thập Giá để biến đổi những gì thế gian coi là bị khinh bỉ, yếu kém, trở thành “cây đem lại sự sống” cho con người.

Thập giá tuy đứng trơ trọi giữa trời đất, nhưng nơi đó Đấng cứu độ trần gian đã bị treo lên. Vì vậy, thập giá trở thành Thánh Giá, nên biểu tượng của ơn cứu độ cho con người. Đối với chúng ta là những người Kitô hữu, tiếng nói của Thập giá vẫn hằng vang vọng trong trái tim ta. Bởi nhờ Bí tích Rửa tội, ta được biến đồi tận căn để trở nên con Thiên Chúa, được mặc lấy Đức Giêsu Kitô, được mang danh là Kitô hữu. Nên có thể nói ta được thuộc trọn về Đức Kitô, nên cách sống của ta cũng phải rập theo khuôn sống của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Đặc biệt trong xã hội hôm nay, “lương tâm” không bằng “lương tháng”, “chân lý” không bằng “chân giò”, con người coi việc “ngừa thai – phá thai” như là chuyện “ông huyện về quê”, coi chuyện “ông ăn chả bà ăn nem” như là một phong cách sống của xã hội; coi việc “sống thử” như là mốt thời thượng … chính lúc người ta tưởng rằng tự sức họ có thể làm được mọi chuyện, hay như triết gia Nietzsche đã tuyên bố “tôi đã giết được Thượng Đế”, thì chính lúc này “tiếng nói yêu thương từ Thập giá” lại vang lên một cách mạnh mẽ, tiếng nói ấy như đang gào thét lên trong trái tim mỗi người, như muốn “dành dựt” con người ra khỏi vũng lầy của tội lỗi.

Qủa thực “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, sống kiếp phàm nhân, vâng lời cho đến nỗi chết trên Thập tự” là như thế đó. Nhưng Ngài không bị hủy diệt, Ngài đã toàn thắng. Chính Thập giá, nơi người ta đã giết Ngài đã trở thành nguồn ơn cứu độ. Thập giá ấy mãi là “ngôn ngữ không lời” không ngừng vang lên trong trái tim mọi người. Thập giá ấy không ngừng mời gọi ta “hãy sống – hãy yêu” bằng một tình yêu vô vị lợi, bởi“không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người thí mạng mình vì người mình yêu”.

 

Linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm
Giáo Xứ Chúa Kitô Vua, Lộc Phát, Bảo Lộc.

 

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung