“SỰ CHẾT LÀ THẦY DẠY TA”

Lm Đỗ Quyên

 

Nhạc sĩ Tôn thất Lập viết một câu rất hay : “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về một rừng cây”. Tại sao vậy ?. Thưa bởi vì rừng cây là một hình ảnh gần đúng về đời người. Trong một khu rừng có cây non, cây già. Lá cây thì khi xanh khi vàng rồi rụng xuống. Rõ ràng rừng cây là hình ảnh về cuộc đời con người.

Đây là một nhận định thực tế. Cuộc đời con người cho dẫu sống đến trăm năm, rồi cũng có lúc phải dừng lại, rồi cũng kết thúc nơi phần mộ. “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Nguyễn Du).

Thánh Âu tinh khi suy nghĩ về sự chết đã gọi sự chết là “thầy”. Thế “thầy sự chết ´sẽ dạy chúng ta những bài học nào ?

1. Thầy dạy sự khôn ngoan

như lời Tv 90 (89), 12 : “Xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”.

Tuổi đời chúng ta có khi đang được đếm ngược rồi đó !

Sự khôn ngoan dạy cho ta biết rằng đến một lúc nào đó rồi cũng phải dừng lại: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục; mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90 (89), 10).

Hồi xưa tôi thường nghe người ta hát như thế này : “Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời”. Nếu câu hát này không đúng với ai thì ít nhất cũng đúng với Oâng cố đây. Ông đã ra đi vào lúc tuổi đời sáu mươi.

Còn bài TM Luca diễn tả thật hay : hai môn đệ đi về Emmau, càng đi thì càng đụng phải ánh hoàng hôn và phải dừng lại. Đó phải chăng là hình ảnh về cuộc đời mà Giáo Hội, cách kín đáo, muốn dùng Lời Chúa mà nhắc nhở ta ?.

2. Thầy dạy ta biết kiếp người mong manh

Lời của bài hát trong lễ an táng ta thường nghe: “Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”.

Vâng, chỉ có Chúa là vĩnh cửu, trường tồn bất diệt, còn con người chỉ như hoa cỏ ngoài đồng, sớm nở tối tàn.

3. Thầy dạy ta hãy tìm kiếm những gì là bất diệt : “Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không đào ngạch, khoét vách lấy đi” (Mt 6, 20).

4. Thầy dạy ta hãy làm những việc lành phúc đức, như của cải gởi về đời sau.

Xin kể một câu chuyện của người Nga, nhan đề “đồng bạc nhân nghĩa”, để kết thúc.

Chuyện rằng : “Có nhà phú hộ kia gần chết mà lòng vẫn chỉ nghĩ đến tiền của, một động lực đã thúc đẩy ông lao lực suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn còn lại, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo giấu ở cổ, lấy chiếc chìa khoá trao cho người tớ gái trung tín nhất, ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và bảo cô lấy những túi tiền vàng bỏ vào quan tài của ông.

Khi chết xong, ông sống cuộc đời mới ở thế giới bên kia, nơi đó người ta cũng ăn uống và tiêu tiền như trên trần gian vậy. Đứng trước một chiếc bàn dài đầy những cao lương mỹ vị, ông hỏi người bán hàng : “Món hàng này bao nhiêu vậy cô ?”.

Cô bán hàng trả lời : “Một xu, thưa ông”.

“Thế còn hộp cá mòi kia ?”.

“Cũng một xu, thưa ông. Tất cả những thứ được bày bán ở đây, cái nào cũng giá một xu”.

Nhà phú hộ thầm nghĩ : “Thế này thì bao giờ mới tiêu cho hết số vàng ta mang theo ”. Ông chọn một đĩa thức ăn lớn với nhiều món ăn ngon nhất, rồi lấy một đồng tiền vàng ra trả, nhưng cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói : “Thưa ông, ông đã học được quá ít trong cuộc sống”.

Nghe thế, nhà phú hộ ngạc nhiên hỏi : “Thế đồng tiền vàng của tôi không đủ trả cho đĩa thức ăn này hay sao ?”.

Cô bán hàng trả lời : “Không phải, ở đây, chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ở trần gian người ta đã dùng để làm việc lành phúc đức, giúp đỡ những kẻ nghèo khó túng cực mà thôi”.

 

Mục Lục
Trở Về Trang Nhà