Phát biểu của các Đức giám mục Việt Nam tại Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa (10/2008)

WHĐ (19.11.2010) – Ngày 11-11 vừa qua, Tòa thánh đã công bố Tông huấn Verbum Domini [Lời Chúa] của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đây là Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục (lần thứ XII). Thượng Hội đồng này diễn ra vào tháng 10/2008 với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh”. Thượng Hội đồng có sự tham dự của các giám mục Việt Nam: Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Kinh thánh/HĐGMVN và Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa. Ngoài ra, cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (nay là Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột) cũng tham dự với tư cách chuyên viên. Tại Thượng Hội đồng lần thứ XII các giám mục Việt Nam đã có bài phát biểu về kinh nghiệm sống Lời Chúa của người tín hữu Việt Nam. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu lại 2 bài phát biểu này và bài giảng của Đức cha Võ Đức Minh tại Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XII.

Phát biểu của Đức cha Giuse Võ Đức Minh

(10-10-2008)

1. “Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam, từ khi đón nhận Tin Mừng vào năm 1533, và nhất là từ khi bổ nhiệm các GM đầu tiên vào năm 1659, đã trải qua con đường đầy Thánh Giá. Qua những thăng trầm của lịch sử, giống như người Do thái trong thời lưu đày, các tín hữu Công Giáo Việt Nam hiểu rằng chỉ có Lời Chúa tồn tại và không bao giờ làm cho thất vọng. Lời Chúa, thấm nhiễm kinh nguyện, chặng đàng Thánh Giá và kinh truyền Tin, các mầu nhiệm Mân Côi, các thánh ca và bài hát về đề tài Kinh Thánh, các bài học giáo lý, lòng sùng mộ bình dân, các nghi lễ á phụng vụ, những buổi cầu nguyện ban tối trong gia đình, sự lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa là một lectio divina thực sự.. và đã trở thành nguồn an ủi và sức mạnh mang lại sự cương quyết cho mọi thành phần dân Chúa, và đồng thời là điểm hội tụ giúp họ khám phá tương lai.

“Chắc chắn, đối với các tín hữu Kitô, ngoài những bất hạnh do chiến tranh gây ra, còn có nhiều bất hạnh khác dữ dằn hơn, do các cuộc bách hại. Trong những hoàn cảnh đó, chính Lời Chúa an ủi và nâng đỡ dân Chúa. Họ đến với Lời Chúa qua các bài giảng, các nghi thức á phụng vụ và những sáng tác văn chương bằng Việt Ngữ. Trong các cuộc bách hại, chính lời Chúa, dưới hình thức cụ thể của đàng Thánh Giá, kinh truyền tin, và kinh Mân Côi, là bản tóm lược Phúc Âm, mang lại sức mạnh cho các vị tử đạo để kiên trì trong đức tin của họ”.

2. “Lời Chúa giúp khám phá chân dung đích thực của Chúa Giêsu Kitô, hiện thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, qua mầu nhiệm thập giá. Do kinh nghiệm đau thương mà Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam cảm nghiệm, mầu nhiệm Thánh Giá không những trở nên gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng còn là nhân tố thiết yếu qui tụ dân Chúa. Vốn thừa hưởng nền văn hóa ngàn năm về việc ”tôn kính tổ tiên” biểu lộ lòng hiếu thảo của dân tộc chúng tôi, các tín hữu Công Giáo, để cử hành lễ giỗ của người thân trong gia đình, thường lấy hứng từ Bữa Tiệc Ly, từ cuộc Thương Khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, gương của Chúa đánh động sâu xa tâm hồn người Việt Nam. Các trình thuật về những thử thách mà các Tổ Phụ và Ngôn Sứ, đặc biệt là ông thánh Gióp trong Cựu Ước, và của Đức Mẹ Maria, thánh Giuse và các thánh tông đồ trong Tân Ước đã chịu đựng, tiếp tục nâng đỡ đức tin của các tín hữu Công Giáo.

3. Lời Chúa, sinh động trong dòng lịch sử Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam, đã trở thành nguồn hy vọng cho các tín hữu bị bách hại. Kinh nghiệm của các vị Tử Đạo và các thế hệ các vị chủ chăn, tu sĩ và giáo dân, là một bằng chứng hùng hồn. Để diễn tả chân lý đó, ĐTC Biển Đức 16, trong thông điệp Spe salvi, đã trích dẫn đích danh hai người Việt Nam, đó là thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, và ĐHY rất đáng thương mến Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận”.

Phát biểu của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh

(14-10-2008)

“Thứ sáu vừa qua (10-10-2008), người anh em của con, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, đã trình bày sơ lược về lịch sử truyền giáo của dân tộc chúng con. Con xin tiếp nối phúc trình của Đức Cha Minh và nói về số 28 trong Tài liệu làm việc, bàn về vai trò nâng đỡ của Lời Chúa trong lịch sử Giáo Hội, để mô tả về vai trò này trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam.

1. “Tin Mừng đã được công bố lần đầu tiên trên đất nước chúng con hồi đầu thế kỷ 16 trong bối cảnh đau thương của cuộc nội chiến giữa hai vương quốc anh em trở thành thù nghịch. Nhưng lạ lùng thay chính nhờ sự trùng hợp ấy, Tin Mừng đã trở thành một an ủi lớn cho các tín hữu đầu tiên được rửa tội và từ đó không bao giờ ngừng trở thành sự nâng đỡ tinh thần và luân lý, nguyên lý phong phú hóa Giáo Hội tại Việt Nam, một trong những Giáo Hội bị thử thách nặng nề nhất vì cuộc bách hại đẫm máu và liên tục. Bị đẩy vào trong một lịch sử dệt bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và những hạn chế kỳ thị, các tín hữu Công Giáo chúng con ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có thể giữ chúng con ở lại trong tình thương, trong an vui, hiệp thông và bao dung.

2. “Con cũng đau lòng mà thưa với ĐTC và các Nghị Phụ rằng cho đến nay Việt Nam chiếm hàng đầu về các vụ phá thai. Nhưng điều đáng nói là thảm trạng này đã khơi lên nơi các tín hữu Công Giáo phong trào “bênh vực sự sống”: họ đi tìm các bào thai bị phá trong các nhà thương, rửa tội cho các bào thai ấy nếu còn sống thoi thóp, và thành lập các nghĩa trang để an táng. Ban đầu, hành động này bị chính quyền và các vị lãnh đạo nhà thương coi là tội ác, khiến cho các tín hữu Công Giáo phải hành động bí mật. Nhưng nay, tuy nhà chức trách chưa cho phép, nhưng họ để cho làm. Vài nhà làm điện ảnh đã quay thành những phim tài liệu và các ký giả ca ngợi việc làm ấy của các tín hữu Công Giáo trên các cơ quan truyền thông. Tại sao có sự tiến bộ như vậy? Thưa vì người ta nhận rõ hơn chứng tá của các tín hữu Công Giáo, những người sống Lời Chúa, và dưới ánh sáng của Lời ấy, họ tôn trọng sự sống. Con muốn lập lại ở đây xác tín mà Hiến Chế Vui Mừng và Hy vọng đã nói đến trong số 44: “Giáo Hội nhìn nhận rằng, từ sự chống đối của các đối thủ và những người bách hại, Giáo Hội rút ra được những lợi ích lớn lao và Giáo Hội có thể tiếp tục làm như vậy”.

3. “Một dấu hiệu khác đáng được nêu lên để chứng tỏ Lời Chúa tiếp tục nâng đỡ Giáo Hội tại VIệt Nam. Đó là cuộc trở lại của hàng ngàn người dân tộc thiểu số ít lâu sau lễ tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam hồi năm 1988. Điều lạ lùng là họ cho biết đã nghe Đài Phát Thanh của Tin Lành từ Manila, Phi luật tân, nhưng họ trở lại Công Giáo tại Việt Nam. Như thế, người Tin lành gieo hạt và người Công Giáo gặt hái. Lời Chúa vang dội rất xa, đi tới tai họ, và trở thành nguồn hy vọng cho những người sống hẻo lánh trên các miền rừng núi, thiếu thốn mọi sự và không có tương lai.

4. “Để kết luận, trong tư cách là người Công Giáo Việt Nam, con muốn lập lại xác tín rằng trong các cơn bách hại, hồng ân lớn nhất của chúng con là lòng trung thành với Lời Chúa”.

Lời Chúa trong đời sống người tín hữu

(Bài giảng của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh [tiếng Ý]

trong Phụng vụ giờ Kinh thứ ba, ngày 7-10-2008,

tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Lời Chúa)

Thánh vịnh 118 mà chúng ta vừa cầu nguyện giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Lời Chúa đối với cuộc sống của người tín hữu và đồng thời nêu lên thái độ của người tín hữu trước Lời Chúa.

1. Ý nghĩa của Lời Chúa đối với cuộc sống

Câu 103 nói Lời Chúa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng. Theo hình ảnh này, Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng thân xác và mang lại hương vị ngọt ngào.

Các câu 97 và 98 trình bày Lời Chúa trên hết như là luật và những huấn lệnh để chỉ dẫn đường lối phải theo. Nhờ trung thành bước theo đường lối của Người mà ta trở nên khôn ngoan hơn địch thủ, hơn những bậc lão thành, và hơn cả các bậc thầy dạy. Trong ý nghĩa này, Giáo Hội tuyên xưng rằng Lời Chúa là ánh sáng cuộc đời soi dẫn bước ta đi. Đặc tính của Lời Chúa như là luật và huấn lệnh chắc chắn gặp phải một khó khăn lớn trước sự nhạy cảm quá đáng về quyền tự do và quyền tự quyết của thời đại chúng ta, thời đại mà muốn tự mình quyết định tất cả và do đó từ khước mọi hình thức luật lệ. Thực trạng này chắc chắn là một thách đố cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội khi giới thiệu Lời Chúa như là ánh sáng và sự sống sung mãn.

2. Thái độ của người tín hữu trước Lời Chúa

Thánh vịnh 118 còn nêu lên cho chúng ta thái độ cần thiết để có thể tìm thấy nơi Lời Chúa ánh sáng và sự sống sung mãn.

Để hiểu được, cần phải yêu mến. Vì vậy, thái độ đầu tiên cần phải hun đúc (khơi dậy) và giữ luôn luôn sống động trong tâm hồn, là lòng yêu mến Lời Chúa, khao khát và quý chuộng Lời Chúa. Thái độ nội tâm này được câu 97 của Thánh vịnh 118 tán dương: “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao”. Tâm tình ấy cũng có thể được diễn tả bằng những lời của ngôn sứ Giêrêmia: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con” (Gr 15,16).

Lòng yêu mến cũng được thể hiện như sự tìm kiếm. Vì thế, thái độ thứ hai là việc suy niệm: “Suốt ngày con cứ suy đi gẫm lại… vì con thường gẫm suy thánh ý”. Suy niệm để hiểu ; hiểu để noi theo. Trong tiến trình này, lắng nghe Lời Chúa biến đổi con người từ bên trong và làm cho trở nên giống Chúa.

Thái độ thứ ba đối với Lời Chúa được giải thích trong câu 101: “Mọi nẻo đường tà, chân con chẳng bước, cốt làm sao giữ được lời Ngài”. Lắng nghe Lời Chúa đòi buộc phải nỗ lực chống trả và chiến đấu chống lại sự dữ để không bị lệch khỏi lối mà Lời Chúa đã soi dẫn.

3. Đức Mẹ là mẫu gương của việc lắng nghe Lời Chúa

Lễ Đức Mẹ Mân Côi mà Giáo Hội mừng kính hôm nay giới thiệu cho chúng ta Đức Mẹ như mẫu gương tuyệt hảo. Mẹ đầy ơn phước bởi vì Mẹ đã “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”, và Mẹ hằng “ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng”. Chính nhờ thái độ ấy mà Đức Mẹ đã trở nên công cụ lý tưởng Chúa dùng để thực hiện công trình cứu độ thế giới của Người.

Gm Giuse Võ Đức Minh, Gm Giuse Nguyễn Chí Linh