DIỄN NGUYỆN
CANH THỨC GIÁNG SINH 2009
NĂM THÁNH
KỶ NIỆM 350 NĂM (09.09.1659)
THIẾT LẬP 2 GIÁO PHẬN ĐÀNG NGÒAI VÀ ĐÀNG TRONG
50 NĂM THIẾT LẬP HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM (24.11.1960)


Lời dẫn 1 :


Khi loan báo việc Ngôi Lời nhập thể , sứ thần Gabriel đã có những kiểu nói khiến chúng ta không thể không thấy sứ mạng đặc thù riêng biệt của Người : một sứ mạng gắn liền với một cộng đòan, một dân tộc, nói đúng hơn gắn liền với Dân Thiên Chúa.
Thực vậy, lời “Kính chào bà đầy ơn phúc” “Thiên Chúa ở cùng Bà” đều là  những kiểu nói đầy chất Thánh Kinh nhắc nhớ những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế. Vì thế đã khiến Mẹ phải bối rối…

1.    Nhạc cảnh với bài Ave Maria của Hòang Diệp. (Sứ thần Gabriel múa cả bài-Đức Maria một số cử chỉ minh họa sự lắng nghe, chất vấn, sơ hãi và chấp nhận-đòan thiên sứ múa khi Điệp khúc)

 

Lời dẫn 2 :

Không chỉ với Đức Maria, sứ điệp của trời cao mới nói đến sứ mạng của Ngôi Hai nhập Thể để cứu độ Dân Người, mà cả với những mục đồng, những trẻ đã bị lọai trừ khỏi cộng đồng Dân Chúa, tiếng nói của sứ thần cũng nhấn mạnh Tin Mừng còn dành cho cả nhân lọai : “vì một trẻ nhỏ đã sinh ra cho cả nhân lọai”

2.    Nhạc cảnh với bài Nơi Belem của Kim Long, (Sứ Thần,mục đồng cùng diễn...)

Lời dẫn 3 :

Trong câu chuyện các nhà chiêm tinh phương đông đến bái lạy hài nhi, không những xác nhận sứ mạng của hài Nhi mà còn cho thấy để thi hành sứ mạng ấy hài nhi sẽ phải trải qua con đường đầy gian khổ : lý do đơn giản vì dân của Người không nhận biết Người .Gieârusalem xưa đã không nhận ra ngày giờ Chúa đến.

CẢNH 1: NƠI CỔNG THÀNH PHÍA ĐÔNG GIÊRUSALEM
(Lấp ló nơi cổng thành phía đông Giêrusalem 3 đầu lạc đà)

Đạo sỹ 3: Ô! Các Ngài xem kìa.... Ánh sao lạ sao đã biến mất!
Đạo sỹ 2: Biết làm sao bây giờ!
Đạo sỹ 3: Thôi, chúng ta đành phải dừng chân chứ sao...mà cũng cần nghỉ thật, vì chân tôi đã mỏi và bụng tôi cũng đã cồn cào lắm rồi...(cùng cười vui, 3 người cột lạc đà ngoài thành đi vào và mở tráp lấy bánh dùng bữa quanh bếp lò vì trời lạnh)
Đạo sỹ 2: Đây là thành nào vậy nhỉ?
Đạo sỹ 1: (mở bản đồ dưới ánh lửa chập chờn) Để tôi xem lại bản đồ....tối hôm qua chúng ta đã nghỉ tại chỗ này này... à ....ngay trên bờ sông Yordan mà lạc đà chúng ta đã uống được một bụng nước no nê, chúng ta đã băng qua sa mạc, theo ánh sao lạ chúng ta đã về hướng này... À... Đúng rồi...cổng thành chúng ta vừa bước tới là cổng thành Giêrusalem.
Đạo sỹ 2 và 3: (cùng đứng dậy kinh ngạc nói) Thành Giêrusalem ư? chẳng lẽ đây chính là nơi sinh hạ vua muôn dân ư?
Đạo sỹ 1: Đúng thế chính nơi đây chính là thủ phủ của dân tộc thánh mà chúng ta đã có dịp nghiên cứu về pho lịch sử thánh kỳ diệu này.
Đạo sỹ 3: Theo tôi nghĩ, chắc dân thành cũng đang thao thức chờ mong Đấng Thiên sai như chúng ta, vì các tiên tri của họ đã tiên báo rõ.
Đạo sỹ 2: Thế tại sao đêm nay, ở đây không thấy có gì xôn xao nô nức cả?
Đạo sỹ 1: Không sao, chắc họ tập trung ở đền vua, vua phải sinh ra nơi cung điện chứ. Chúng ta hãy đến đó tìm Ngài.

Lời dẫn 4 :

Hài nhi mới sinh đã là cớ vấp phạm cho những con người như Hêrôđê chỉ biết bản thân mình cùng những quyền lợi riêng tư vị kỷ. Những con người coi của công là sở hữu riêng của gia đình giòng họ… Hài Nhi sinh ra là để loan báo tin vui về một thế giới trong đó con người sống vì hạnh phúc của đồng lọai, một thế giới trong đó con người trao ban cả mạng sống mình cho tình huynh đệ được trọn vẹn.

CẢNH 2: TRONG ĐỀN VUA HÊRÔĐÊ

(Hêrôđê, quan văn, quan võ, tư tế, ký lục và lính hầu đứng chầu hai bên ngai. Tất cả đang dự tiệc.)

Nịnh thần: Hêrôđê vạn tuế!
Tất cả: Vạn, vạn tuế! (3 lần)
(nhạc đang trỗi vang bỗng im bặt…mọi người nháo nhác nhìn vị sỹ quan hầu cận đang gấp bước đi vào bái yết vua.)
Sĩ quan: Muôn tâu bệ hạ.
Hêrôđia: Trẫm miễn lễ, có việc gì thế?
Sĩ quan: Muôn tâu bệ hạ, có ba nhà đạo sĩ phương xa muốn vào bái yết bệ hạ.
Hêrôđê: Ha, ha, ha …chắc họ đến đem lễ vật mừng sinh nhật ta chứ gì. Mời họ vào.
Sĩ quan: Xin tuân lệnh.
Các đạo sĩ: (Đứng hàng ngang trước mặt Hêrôđê cùng bái chào) Ba đạo sĩ chúng tôi xin kính chào đức vua.
Hêrôđê: Trẫm miễn lễ. Các khanh từ xa đến đây chắc là có chuyện gì quan trọng lắm?
Đạo sĩ 1: Tâu Đức Vua, qua thời điểm của một vì sao lạ xuất hiện từ bên trời đông, chúng tôi biết được có một vị vua cao cả vừa mới hạ sinh trên lãnh thổ xứ này, nên chúng tôi muốn tìm đến bái yết Người.
Hêrôđê: (kinh ngạc) Một vị vua cao cả mới sinh trên lãnh thổ ta ư? Ha ha ha! Này hỡi quần thần tư tế! Hãy nói cho ta hay vị vua cao cả ấy là ai thế?
Nịnh thần: Muôn tâu bệ hạ, trên lãnh thổ này đâu có vị vua cao cả nào ngoài bệ hạ, nên trời đã soi cho trăm họ biết qua các vì sao, để họ tìm đến chúc mừng tuổi thọ bệ hạ đó.
Đạo sĩ 2: Xin Đức Vua và triều đình miễn lỗi. Theo điềm báo thì vị Vua cao cả ấy chỉ  mới hạ sinh thôi… thế trong cung điện của ngài không có một hoàng tử nào mới chào đời sao?
Hêrôđê: (buồn bả) ta đâu có hoàng tử nào mới chào đời…Từ ngày sinh hạ Arkêlao đến nay, hoàng hậu đã trở nên son sẻ….(vẻ chăm chú) mà này, các đạo sĩ, Ngôi Sao Lạ đã xuất hiện thật sao?
Đạo sĩ 1: Tâu đức vua, đúng thế. Chính ngôi sao ấy đã dẫn chúng tôi đến đây.
Đạo sĩ 3: Nhưng có điều rất lạ là khi đến cổng thành thì ngôi sao ấy vụt biến mất.
Hêrôđê: (băn khoăn) Kể cũng lạ thật…thôi…đường xa xôi các vị cũng đã mệt rồi nên vào nghỉ đêm nơi hoàng cung chờ ta nghiên cứu bàn bạc với quần thần, rồi ta sẽ báo lại sau….Sỉ quan cận thần đâu?
Sĩ quan: Da! dạ…
Hêrôđê: (Bước xuống ngai, băn khoăn đi đi lại lại. Im lặng không ai dám nói gì. Một lát sau hêrôđê lẩm bẩm) thật là một tin sét đánh….một vì vua cao cả mới hạ sinh…ngay trên lãnh thổ của ta…lại có điềm lạ chắc chắn báo từ phương xa…(dậm chân, quay về phía quần thần, gịân dữ hét lớn) Vì vua cao cả ấy là ai? Mới sinh hạ tại chỗ nào? Các ngươi có biết không?
Thầy tư tế: Muôn tâu bệ hạ. Nếu thần không lầm thì….theo Thánh Kinh: Vì Vua cao Cả ấy chính là Đấng Mêsia mà muôn dân đang trông đợi…Chỗ người hạ sinh có thể là làng Bêlem vì có lời tiên tri Malakia đã viết rõ: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời." (Mk5,1-3)
Hêrôđê: Sách viết thật thế sao?.. Phải chăng hôm nay lời tiên tri đã được ứng nghiệm…Ứng nghiệm ngay trên phần đất mà ta trị vì! Tại sao lại có thể như thế được.(lo sợ, bực tức,đến giữ ngai) ngai vàng đang lâm nguy…
Các ngươi có cao kiến gì thì giúp ta, sao lại im lặng thế này?
Nịnh thần: Muôn tâu bệ hạ, theo ý của thần, thì bệ hạ cứ để 3 đạo sĩ kia đi tìm vì vua cao cả của họ…hư thực ra sao thì sau đó hãy định liệu…Nếu bệ hạ có chút gì nghi ngờ, thì bệ hạ ra lệnh truy lùng và thủ tiêu tất cả trẻ sơ sinh của Bêlem Ephrata để trừ hậu hoạ là xong chuyện!
Hêrôđê: Thật là cao kiến! sĩ quan hầu cận đâu? Hày đi mời Ba đạo sĩ đến đây cho ta.
Sĩ quan: Dạ..dạ
         (Hêrôđê đi lui đi tới, chắp tay sau lưng tỏ vẻ tự mãn.)
Ba đạo sĩ: (bái) Chúng tôi xin kính chào đức vua.
Hêrôđê: Trẫm miễn lễ.
Đạo sĩ 1: Chắc đức vua và triều đình đã nghiên cứu xong vấn đề…
Hêrôđê: Đúng thế. Bây giờ thầy tư tế uyên thâm của triều đình sẽ chỉ đường cho các vị
Thầy Tư tế: Vị vua này được nói rõ trong kinh thánh đó là Belem.
Ba đạo sĩ: Bêlem Ephrata! Nơi hạ sinh vị Vua cao cả.
Thầy tư tế: Đó là một thành phố nhỏ về hướng nam cách Giêrusalem độ hơn 10 dặm.
Hêrôđê: Các khanh đã nghe rõ rồi chứ?
Ba đạo sĩ: Vâng, xin đội ơn đức vua, chúng tôi lên đường ngay kẻo muộn.
Hêrôđê: (cười) phải lên đường ngay kẻo muộn…và nếu gặp được vì vua cao cả ấy, thì hãy trở lại báo cho trẫm biết để chính trẫm cũng được diễm phúc đem lễ vật đến bái yết người. Ha..ha…ha….
Đao sĩ 1: Chúng tôi xin hết lòng đa tạ vào cáo biệt đức vua.
Hêrôđê: (nhìn 3 nhà đạo sĩ lui cười sặc sụa) Hôm nay quần thần hãy vui say với ta, các thần dân trung tín của ta, hãy uống đi…uống mừng sinh nhật của ta…và uống mừng tử nhật của vì vua cao cả ấy…ha,ha,ha…
Nịnh thần: Hêrôđê vạn tuế.

CẢNH 3 CÁNH ĐỒNG BÊ LEM
Nhạc cảnh với bài Theo Ánh Sao.

Lời dẫn 4 :

Dường như đó cũngchính là sứ mạng và con đường của thân thể mầu nhiệm Người trong lịch sử. Chính ngay tại quê hương Việt Nam khi Tin Mừng được loan báo đã được đón tiếp trong tinh thần cởi mở và quủang đại. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi Giáo Hội đạt tới mức có thể hình thành những giáo phận Đại Diện Tông Tòa, thì cũng chính là lúc Giáo Hội bắt đầu cuộc khổ nạn của mình.  Và sự kiện Hài Nhi bị bách hại được tái hiện qua các cuộc Tử vì Đạo của biết bao chứng nhân cha ông. Trong đó những con người như Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh cũng gọi là Năm Quỳnh sẵn sàng chết cho Hội Thánh được tồn sinh.

 

HOẠT CẢNH THẦY NĂM QUỲNH
Phỏng theo truyện Thầy Năm quỳnh của AnnaKim


Lời dẫn: Nếu muốn tóm tắt Tin Mừng trong một câu vắn gọn, chúng ta có thể dùng chính lời của Chúa Giêsu đã nói với Nicôdêmô trong Tin Mừng theo thánh Gioan “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”Phải Chúa Giêsu đã sống, đã chết, đã sống lại cho Giáo Hội được sinh ra, được lớn lên và tồn tại. Để rồi chính Giáo Hội đến lượt mình tiếp nối sứ vụ quy tụ Dân Thánh cho Thiên Chúa. Tất cả các thế hệ chứng nhân đều tận hiến đời mình cho thân thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô tồn sinh và phát triển. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, sẵn mang trong mình giòng máu vì đại nghĩa của tổ tiên.  Theo gia phả Ngài là con cháu đời 15 của Đệ Nhất Công Thần Nguyễn Trãi(1380-1442). Thánh nhân có thể đại diện cho 117 Vị Thánh tử Đạo Việt Nam nêu cao tinh thần sống chết cho Hội Thánh tồn sinh. Sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thuỷ Tỉnh Quảng Bình. Vì là con thứ năm, nên thường được gọi là Năm Quỳnh.Người đương thời gọi Ngài là Thầy Năm Quỳnh, vì Thầy hành nghề Thầy Lang.Phòng thuốc của Thầy luôn nhiều bệnh nhân, cách đặc biệt những bệnh nhân nghèo trong vùng.

Cảnh 1: NHÀ ÔNG NĂM QUỲNH

Người thanh niên: Ông ơi! Ông ơi ông....
Ông Quỳnh: (đang đọc sách bên ngọn đèn dầu,bỏ vội cuốn sách xuống bàn, ông bước ra vừa nói) chà. Đêm hôm rồi có chuyện gì nữa đây
Người thanh niên 1:(cặp mắt như van lơn, hai tay đỡ người phụ nữ trẻ đã mất hết thần sắc, anh ái ngại lắp bắp) Thưa ông, xin ông thương tình cứu vợ của con vì cô ấy bị sốt và ho ra máu quá nhiều bây giờ kiệt sức không đi đứng được nữa.
Ông Quỳnh:( đỡ người phụ nữ cho nằm trên chiếc giường cũ kỉ) cô ấy bị như thế này đã bao lâu rồi?
Người thanh niên: Dạ, đã mươi ngày rồi ạ.
Ông Quỳnh: Sao để  lâu thế? (bấm huyệt, nhân điện cho bệnh nhân) Bệnh này cần phải nghỉ ngơi và uống thuốc đầy đủ thì mới chóng khoẻ.
Bệnh nhân: (mở mắt tỉnh dậy ấp úng) ông ơi, nhà cháu nghèo lắm, không có tiền để trả, ông cho cháu khất vài hôm nữa cháu khoẻ lại cháu sẽ đi làm thuê làm mướn để trả tiền cho ông.
Ông Quỳnh: (không đợi bệnh nhân nói hết câu) Không sao, không sao... nghèo thì trị theo cách nghèo có sao đâu. Bây giờ tôi cho cô thuốc, cô về uống cho khoẻ, ngày mai nhớ trở  lại đây cho tôi coi lại.....
( ông đứng dậy cẩn thận lấy ra những bọc lá thuốc được cột kỹ rồi chia từng phần nhỏ, gói vào những tấm lá chuối khô và dặn):
Con đem mấy thang thuốc này về nhà sắc mỗi thang sắc 3 lần mỗi lần đổ vào 3 bát sắc còn một bát rồi uống sau mỗi bữa ăn.
Bệnh nhân: Dạ vâng, con cám ơn ông, ông thật tốt.
(Sau khi tiễn bệnh nhân, Thầy Năm trở về bàn đọc sách… không khiêng bàn ghế vào)

CẢNH 2: VẪN NHÀ ÔNG NĂM QUỲNH

Người dẫn: Đối với ông Năm Quỳnh nghề gì có thể chậm trễ, có thể tính toán hơn thiệt chứ đã là lương y phải bằng mọi giá cứu người trước.Trong làng có bệnh dịch, hễ rảnh ở phòng thuốc, Thầy Năm lại sọan đồ nghề cùng đầy tớ vào làng để cùng mọi người phòng chống dịch lây lan, điều ấy cũng làm cho B2 năm rất lo lắng.
(Bà Năm cẩn thận đặt lò than ở trước nhà để ngăn mùi tử khí. Ông Năm đi đi lại lại sốt ruột như ngồi trên đống lửa)
Ông Quỳnh: (đưa tay ra hiệu cho đầy tớ) Tộp, chuẩn bị giỏ và một số dụng cụ chữa bệnh đi với ông.
Tộp: Dạ, con đi ngay
(Hai ông cháu toan đi bà gọi lại, Tộp sắp xếp đồ nghề vào thùng chứ đừng đứng bên cạnh…)
Bà Quỳnh: Ông định đâu thế?
Ông Quỳnh: Tôi định ra ngoài xem sao. người làng mình chết nhiều quá bà ạ. Trong đời, tôi chưa thấy cơn dịch nào ghê gớm đến như vậy.
Bà Quỳnh: Ông chỉ lo bò trắng răng. Ông ra thì làm được gì nào, chỉ tổ mang bệnh về cho vợ con.
Ông Quỳnh: Không làm được gì tôi cũng phải ra xem sao.
Bà Quỳnh: (mất kiên nhẫn lớn tiếng) ông có phải là người phàm không đấy? Tôi chịu không nổi cái kiểu động đâu cũng làm ơn làm phúc của ông rồi. Ông có nghĩ gì đến vợ con không?
Ông Quỳnh: Này bà, làm ơn làm phúc chứ có gì xấu xa đâu. từ trước tới giờ tôi có để cho bà và các con thiếu thốn gì nào. Nếu bà và các con không cho tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp họ.
Bà Quỳnh: ông à! Tôi nói thế là tôi lo cho ông chứ nào tôi có tiếc tiền, tiếc của gì đâu, không phải tôi không muốn cho ông giúp người. Cơn dịch nó có biết chừa ai đâu. !!!
Ông Quỳnh : (hạ giọng) Tôi hiểu ý của bà mà. Nhưng bà à, có ai hay giúp đỡ người mà túng bấn bao giờ đâu. Chúa chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chính thân thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta. Hơn nữa thấy người chết mà không cứu sao đành. Bà thấy tôi nói có đúng không ?(đến đây Tộp mới sách thùng đi đến cạnh thầy Năm)
Bà Quỳnh : tôi hiểu rồi. Ông đi cẩn thận. Xin Chúa ở cùng ông
(ông Quỳnh và đầy tớ ra đi)

Cảnh 3 : CẢNH SINH HOẠT CỦA LÀNG MỸ HƯƠNG

Người dẫn : Phòng chữa bệnh của Thầy Năm Quỳnh là một nhịp sống không thể thiếu của làng. Có lẽ vì Thầy đã bỏ ra hàng trăm quan tiền và công sức để cứu dân qua khỏi đợt dịch nên người Lang Mỹ Hương vẫn coi Thầy Năm như là ân nhân gặp nhau ở đâu họ cũng luôn ca tụng công đức của Thầy.
Bà 1 : (gọi các bà) này, này các chị ơi chia vui với tôi này. (2 bà chạy ra) chuyện gì thế ? Ông Năm đã cứu 2 đứa con của tôi rồi.
Bà 2 : ôi !  ông ấy tốt bụng thật đấy,ông không biết mệt mỏi đâu nhé, ông đi hết nơi này đến nơi kia mà ông không sợ lây nhiễm chi cả.
Mà sao thuốc của ông phát như là có thần thánh vậy, uống vào chừng 1 thang hay 2 thang là hết. 
Bà 3 : Ông nhà tôi cũng được chữa khỏi đấy và cả tôi hôm qua, tôi không sao đứng được vì mất nước bây giờ thì tôi đã ra đây được với các bà đấy.
Bà 4 : Đúng là  một con người hiền lành và phúc hậu khi ông mà đã đặt những ngón tay trên cổ tay bệnh nhân thì y như thể thần thái của ông bị từng mạch đập trong cơ thể bệnh nhân cuốn vào.
Ừ, Ông Năm đã tốn rất nhiều công sức mà còn tốn cả trăm quan tiền để cứu người đấy.
Bà 1. Thật. Ông ấy thật đáng quý người Làng Mỹ Hương chắc không bao giờ quên ơn ông đâu.
4 bà đồng thanh : đúng rồi chúng ta cùng truyền lại cho đời con cháu để con cháu luôn nhớ đến vị thầy lang nổi tiếng trong thời dịch bệnh này.
Khi các bà đi ra, thì các nhóm giáo lý tiến vào mỗi nhóm một góc nhà Thầy Năm trong khi họ diễn câm :
thì người dẫn : « Trong giai đọan đầy khó khăn : nào là bệnh địch, nào là sự lục lọi bắt bớ của quân binh, nhưng vì lo cho tiền đồ của đạo thánh, Thầy Năm không ngần ngại biến nhà mình thành nơi học tập giáo lý cho con trẻ trong làng, nhờ đó đời sống đức tin của làng được củng cố.Nhưng Thầy Năm hiểu thời gian không kéo dài được bao lâu nữa. Đứng trước cảnh Nhà Vua càng ngày càng có ác cảm với đạo. Thánh Năm Quỳnh vì luôn sát cánh và chở che cho các Giáo Sỹ, nên biết sẽ có ngày phải làm chứng cho đức tin nên thầy quyết định tỏ bày tâm tư cho mọi người trong gia đình, nhằm chuẩn bị cho họ trước cơn thử thách đang đến »
Khi các nhóm giáo lý từ biệt thầy đi ra, thì gia đình đi lên nhà gặp Thầy, nên để Thầy và gia đình ngồi vòng tròn trên một chiếu. Hai bé nhỏ ngồi hai bên ông. Bà Năm ngồi bên hữu cùng các con gái, con trai ngồi bên tả.

CẢNH 4 : GIÃI BÀY TÂM CAN.


Ông Quỳnh:  (ôm hai đứa bé vào lòng. một dì dòng MTG, con trai cả đứng gần cha) Các con của cha. Cha đã nuôi dưỡng các con từ thuở nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn dành tiền bán thuốc chia sẽ với bà con nghèo khổ.
Bé gái: (ôm cha, nhìn các anh chị, rồi nhìn cha ) cha ơi con thương cha lắm. Cha là điểm tựa cho chúng con nhé cha.
Ông Quỳnh: Cha biết hai con còn quá nhỏ cha rất lo cho chúng con nhưng cha còn phải lo cho Giáo Hội các con phải hy sinh và giúp cha, cho dù có điều gì không hay xảy ra các con cũng phải giữ vững niềm tin. Các con có nhớ không?
Bé gái: Dạ, con nhớ.
Ông Quỳnh: Các con biết không, ước vọng của cha là linh mục hiến thân cho Chúa, nhưng vì nhà ông nội đã có hai bác làm linh mục rồi nên ông nội muốn cha phải về nối dõi tông đường. Tuy con đường hiến thân không thực hiện được thế nhưng cha cũng dành hết thời gian cho Giáo Hội.
Cha nuôi các con khôn lớn, cha cố gắng chu toàn bổn phận của một người cha để các con được hạnh phúc và có một đời sống nội tâm, có lòng yêu mến Giáo Hội và sau này các con cũng phải cống hiến hết sức cho Giáo Hội.
Dì dòng MTG: Thưa cha, nhưng cha còn phải gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với các quan lớn nữa, liệu cha….
Ông Quỳnh: thời gian gần đây việc giảng đạo càng lúc càng gặp nhiều khó khăn, cha càng lo lắng cho các cố tây vào truyền giáo cho dân mình. Các Ngài đã hết lòng hết sức lo cho dân không tiếc thời gian, vật chất,của cải, đã vậy còn gặp nhiều sự hiểu lầm. Mạng sống của các Ngài luôn bị đe doạ.
Con trai ÔQ: Vậy cha có kế hoạch gì không?
Ông Quỳnh: Bằng mọi giá cha cũng bảo vệ các Ngài và bảo vệ đạo Chúa Kitô. Trước mắt cha sẽ đưa các ngài trốn sang làng Kim Sen vì nơi đó là mảnh đất củ kỹ của tổ tiên chưa ai để ý tới.
Dì dòng MTG: Nếu có điều không may xảy ra cho cha….
Ông Quỳnh: Về phần cha, các con cầu nguyện cho cha vượt qua những khó khăn và đón nhận những gai nhọn trên những bông hồng xinh đẹp. Có như thế cha mới lãnh triều thiên chiến thắng của Chúa Kitô.
Cha rất mong các con luôn giữ vững niềm tin, không được sờn lòng, các con hãy làm tất cả, cống hiến cho Giáo Hội khi có thể và khi có dịp thì hãy làm chứng cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội.
Cha rất thương mẹ và các con nhưng cha phải đặt Chúa lên trên. Cha mong các con hiểu cho cha, cha tin Chúa sẽ không bỏ gia đình ta đâu.
Còn con (hướng về dì dòng MTG) là bề trên con cũng phải biết thương yêu chi em của mình và luôn làm gương sáng. Con phải hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, và cầu nguyện cho cha thật nhiều nhe.
Con ÔQ: (xúc động) Chúng con hiểu và sẽ cố gắng sống những điều cha đã dạy.

HOA QUẢ ĐỨC TIN

CẢNH 5 :
PHÒNG THUỐC CỦA ÔNG NĂM QUỲNH

Lời Dẫn :Cây Thập Giá một lần nữa trở thành chọn lựa sống còn. Những ngôi nhà thờ lần lượt bị kéo sập, người này rồi người kia bị dẫn ra pháp trường. Đâu đó ngọn cỏ, cành cây còn vương máu hồng. Người làng Mỹ Hương ngẩn ngơ thương tiếc một con người suốt đời đem hy vọng, sự ủi an cho người khác.Nay Ông đã đi xa. PHÒNG THUỐC CỦA ÔNG Năm đóng cửa hơn cả tháng nay, hôm ấy ồn ào khác lạ. Ánh nắng ban mai chưa đến sân nhà, ngoài cửa đã lố nhố rất nhiều lính tráng. Họ được bao vây nhà ông Nguyễn Hữu Quỳnh vì có tin báo nhà ông chuyên chứa chấp các đạo trưởng, biết đâu chẳng tìm ra đạo trưởng Candalh Kim mà Vua Minh Mạng đang cho truy lùng…
(trong lúc người dẫn nói, thì quan lính đi tới nhà Ông Quỳnh)
Quan : Tụi bay đâu !
Lính : Dạ .
Quan : 4 đứa canh chừng chung quanh nhà này « Nội bất xuất, ngọai bất nhập » đấy, còn 2 đứa này lục soát toàn bộ trong nhà không được bỏ sót một chi tiết nào nghe chưa ?
Lính : dạ.
(Đồ đạc trong nhà bị bới tung, những gói thuốc vất tung toé chỗ này chỗ khác. Vợ ông Năm cùng với 2 đứa con gái và và các gia nhân bị lùa ra trong tiếng quát` tháo ầm ĩ)
Lính: Đi ra ngoài! Đi mau lên….
2 cô con gái của Ông Năm : (ôm chặt lấy tay mẹ, mặt tái xanh, chực khóc) Mẹ ơi ! mẹ ơi mẹ con sợ quá. Tại sao họ lại đuổi chúng ta ra khỏi nhà ?
Bà Năm : (ôm hai đứa con) Các con đừng sợ Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta con ạ.
Lính : Bẩm Quan lớn chúng tôi đã lục tung hết nhưng không tìm thấy Cố Kim cũng chẳng thấy ông Năm đâu hết.
Quan :(tức giận) Đồ chết tiệt ! Chúng mày đánh đập các gia nhân bắt chúng khai Đạo trưởng Kim và ông Năm bây giờ ở đâu ?
Lính : (đánh không tiếc tay) chúng mày hảy chỉ cho tao Đạo trưởng Kim ở đâu ?
Lính : Bẩm quan chúng cũng không chịu khai
Quan : (càng tức giân) đồ cứng đầu. Bây giờ tao sẽ cho chúng mày biết. Bay đâu :
Lính :  dạ
Quan : Đem cây Thập Giá ra đây
Lính : (Cầm cây Thập Giá ra) đặt trước mặt mọi người.
Quan : Chúng mày thấy trước mặt chúng mày là gì rồi chứ gì ? (nói dịu giọng hơn) Này Bà Năm và hai cô gái xinh đẹp của ông thầy thuốc nổi danh ba người hãy bước qua thập giá đi rồi tôi sẽ thả ngay thôi mà, tha hồ đoàn tụ gia đình.
Bà Năm : Ông có tra tấn chúng tôi thế nào cũng được nhưng tuyệt đối mẹ con chúng tôi không bao giờ bước qua thập giá. (cúi xuống 2 con) Này các con, các con đừng sợ, hãy nhớ lời cha và mẹ.
Quan : (tiếp tục dụ giỗ) này các cháu gái xinh đẹp hãy bước qua thập giá đi có gì đâu. Tương lai các cháu còn dài chẳng lẽ các cháu lại dừng tại đây ư ?
Hai người con ông Năm : Không, dù có chết nhưng tôi vẫn không bước qua thập giá đâu.
Quan : Chúng nó thật điên rồ. Bay đâu, đánh dập hai ống chân của chúng nó.
Lính : Dạ (đánh hai chân của 2 bé gái, Hai bé gái kêu khóc)
Bà Năm : Tại sao các ông không hành hạ tôi mà lại hành hạ 2 đứa nhỏ. Nhưng các con đừng sợ, hãy kiên cường lên.
Quan : tụi bay kéo chúng bước qua thập giá.
Hai bé gái : (khóc lóc thảm thiết) Đây là do ông ép buộc, cưỡng bức kéo chúng tôi qua chứ chúng tôi không muốn làm như thế.
Lính : (kéo hai cô gái út của ông Năm qua thập giá)
(hai cô gái kêu khóc vì mình bị ép chứ lòng không muốn)
Quan : (nói với lính) dù gì thì ta cũng khâm phục sự dạy dỗ của ông Năm. Hai cháu bé rất kiên cường.
Thôi ! cho chúng lui, chúng ta về.

Cảnh 6 : LÀNG KIM SEN

Lời dẫn : Tiếng kêu khóc của hai đứa con gái út vừa lên 10 và 14 tuổi được người đầy tớ tường thuật cho Ông Năm nghe. Lời thuật của người nô bộc như vẫn còn đâu đây khiến tim người cha già như bị ngàn vạn vết giao đâm nát ra từng mảnh.
Nô Bộc : Ông Năm à : vừa rồi chúng tìm ông và Đạo trưởng Kim không thấy, chúng đánh đập hai cháu bé và phu nhân của ông sau đó lại kéo họ qua thập giá. Bà và các cháu thật kiên cường. Hai cháu khóc thật thảm thiết vì bị ép qua thập giá và bị tra tấn nhưng rất cương quyết giữ vững niềm tin.
Ông Quỳnh : (Đau lòng và tự trách mình) nếu có tôi ở nhà con tôi đâu có chịu khổ như vậy. Nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác cả, bây giờ cha Kim cùng một số tượng ảnh và sổ sách của làng Mỹ Hương được an toàn rồi.
Đây là trang trại cũ của tổ tiên làng Kim Sen. Chúng chưa phát hiện ra nơi này. Hiện tại, trú ở đây thì khá an toàn.
(Ông đi đi lại lại lại cách chậm rãi vẽ mặt buồn và suy tư rồi nói với Nô Bộc) : Tôi hy vọng vợ và con tôi sẽ hiểu những gì tôi làm cho Giáo Hội hôm nay. Anh về và nói với họ hãy vững tin và hãy hiểu cho tôi. Tôi rất yêu họ.
Nô Bộc : Bà và các ông đã hiểu và rất thông cảm cho ông, ông ạ.
Ông Quỳnh : Anh đi bình an.
Người dẫn Ngay sau đó ông Quỳnh đưa các cố tây đi trốn dưới sự lùng soát của lính tráng
Quan: Lính đâu! Bao vây lùng soát kỹ lưỡng không sót chỗ nào tìm ra được hắn cho ta.
Lính: (lùng sục hất tung những đồ dùng và tìm ra được sách đạo và ông Năm đang lẫn trốn) (đẩy ông Năm ngã chúi về phía trước) Hắn đây, bẩm quan lớn.
Quan: cuối cùng thì tao cũng tìm ra được cái lão già cố chấp và ngu ngốc. Bay đâu lấy gông đeo vào cổ và đưa về Đồng Hới nộp cho triều đình.

CẢNH 7 :TẠI CỬA QUAN

Lời dẫn :Cha Borie Cao, Cha Điển, cha Khoa, ông Quỳnh bị lôi ra tra khảo. Ánh mắt trao những ánh mắt mọi người như được tiếp thêm sức mạnh và lòng can đảm. Dù 50 roi hay 100 roi cũng vậy, ai nấy đều khẳng khái trả lời quan quân  « thà chết chứ quyết không chối Chúa dù chỉ trong giây lát ».
(4vị anh hùng quỳ trước mặt quan)
Quan : Ta hỏi ngươi. Ngươi có bỏ đạo không ?
Ông Năm : Thà chết, chứ tôi không chối Chúa
Quan : Đánh 50 roi cho ta.
(lính đánh vào người ông Quỳnh) ngươi có bỏ đạo không ?
ÔNăm : thà chết quyết không bỏ Chúa, dù chỉ trong giây lát.
Quan : (tức giận hơn) Lính đâu. Đánh 100 roi nữa cho ta. (lính tiếp tục những trận mưa roi trên người anh hùng)
Ngươi có chịu bỏ đạo không ?
Ông Năm : Thà chết quyết không bỏ Chúa, dù chỉ trong giây lát.
Quan : Lính đâu, lôi nó qua Thánh Giá
Ông Năm : (lớn tiếng phản kháng) Việc này do quan lớn làm, nếu có tội là quan phạm, chứ không phải tôi.
Quan : (tức giận) đóng gông, giải nó về ngục.
(ông năm bị đeo gông và bị giải đi và bị đưa vào trong Tù, ở đó có cả thầy Tự)
Quan : Này Tây Dương đạo trưởng Cao. Tại sao Ông Năm lại cứng cố đến thế.
Đức Cha Cao : Có giáo hữu bước qua Thánh Giá vì họ không hiểu rõ giáo lý và nhát gan, còn ông Năm đã am tường lẽ đạo, lại mạnh mẽ đức tin, quan lớn cưỡng bách mấy cũng vô ích, chẳng có lợi gì đâu.
Quan : được, ta sẽ gởi án về kinh đô.
(Quan binh và các cố tây và linh mục đi ra trừ 2 tên canh ngục, trong khi đó con trai Ông Quỳnh hớt ha hớt hải chạy vào)

CẢNH 8 TRẠI GIAM ĐỒNG HỚI 2 NĂM SAU

Con trai ông Qùynh: (Bước vội đến chỗ lính canh dúi vào tay họ vài đồng tiền) ông cho tôi được thăm ông Năm.
Lính: (khoác tay cho đi)
Con trai Ô.Q: (nép bên song gỗ của cửa tù, nhìn lén một ông lão hom hem tóc bạc trắng nhưng dáng vẽ còn khá nhanh nhẹn, hai tay bám chặt song cửa,)
(nức nở): cha, cha.....
Ông Quỳnh:(đang dùng bữa với vẽ thư thái, bình thản) thằng cả, mẹ và 2 đứa nhỏ thế nào? Các con ra sao?
Con trai ÔQ:(nói giọng nức nở) cha…cha….triều đình.....triều đình.....
Ông Quỳnh: Thôi, thôi cha hiểu rồi, cha mong đợi ngày này đã lâu, bây giờ được như ý thì còn dùng của ăn dưới thế gian làm gì nữa.
Con trai Ô.Q: Hình như thầy Tự cũng xử một ngày với cha.
Ông Quỳnh: vậy sao? vậy để cha báo cho thầy để thầy còn chuẩn bị.
Lính: Hết giờ thăm rồi ông ơi.
Con trai Ô.Q: Ba ơi. Con không còn được thăm cha nữa rồi. Cha chuẩn bị sẵn sàng nhe cha.
Ông Quỳnh : con nhớ chăm sóc cho mẹ và các em, phần cha đã gần kết thúc. Cha sẽ luôn nhớ và cầu nguyện cho các con.

CẢNH 9 : PHÁP TRƯỜNG

Lời dẫn : Gừng càng già càng cay. Suốt 2 năm trường với sự kiên nhẫn của Vua Minh Mạng luôn trì hoãn việc sử tử. Vua cho rằng : Ở đời, dễ mấy ai đủ sức đương đầu với gánh nặng thời gian, cái mòn mỏi sức khoẻ, hy vọng ông Năm sẽ quy phục nhà Vua thế nhưng niềm tin của ông không mai một theo thời gian nhưng cùng thời gian lớn mạnh và còn sáng toả ra trong lòng con cháu và các Tín Hữu.
Ngày 10 tháng 7 năm 1840, ông NĂM và thầy Tự ung dung đi giữa  hàng lính đến pháp trường.
Ông Quỳnh : chỗ xử tử Đức cha Cao và 2 cha Điểm và cha Khoa ở chỗ nào ?
Lính : Ở đằng kia( lính tay chỉ chỗ gần đó lấy giáo chỉ đích xác hai vị trí ấy)
Ông Quỳnh và Thầy Tự : (đến đúng chỗ tên lính vừa chỉ quỳ xuống cầu nguyện) : Lạy Chúa, xin tạ ơn chúa cho con được ân phúc như các Ngài để con được cùng các Ngài chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và chú tụng Chúa không ngừng. Amen.
(nguyện cầu xong, ông ngồi xuống bình tỉnh chậm rãi rút tràng hạt lần chuỗi)
Hai người con ông Quỳnh (Dì MTG và người con trai) : (khóc và tạm biệt cha) : Cha, cha
Ông Quỳnh : Các con qua giã từ thầy Tự xin thầy về bên Chúa nhớ khẩn cầu cho các con cũng biết phục vụ Chúa và Giáo Hội. Cha gởi lời chào các chức sắc và anh em giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy yêu thương nhau và sống đạo đức , các con sẽ gặp lại cha trên thiên đừơng.
(ông nằm xuống trên chiềi trải sẵn, tay giang ra bình tỉnh nói) : Xưa Chúa cũng chịu giang tay như thế này để chịu đóng đinh.
Người dẫn : Lính  tròng giây qua cổ và giữa tiếng thanh la vang rền. Họ mạnh tay xiết chặt hai đầu dây, đưa người tôi trung của Đức Kitô về hưởng hạnh phúc trường sinh.
(trong khi đó trổi nhạc bài « Nhạc Chiến Thắng vang dậy rền trời... làm nền

Chọn nhạc nền phù hợp từng ngữ cảnh.)

(Trong khi đó tất cả các diễn viên tiến ra giửa sân khấu làm một số cử chỉ minh họa theo để tôn vinh... Sau cùng tất cả cùng quỳ xuống hai tay nâng lên cùng hát bài Kết thúc :lời nguyện cầu nửa đêm của Thành Tâm.)

 

Giáo xứ Bảo Lộc

Hạt Bảo Lộc, Gp. Đalạt