GIÁO XỨ BÌNH LÂM

 

HOẠT CẢNH GIÁNG SINH 2010

Chủ Đề:  “ĐẤT MỚI NỞ HOA TÌNH YÊU”

 

 + Múa: Gieo mần tin yêu

 

          PHẦN I: 

NHỮNG PHẬN NGƯỜI BỊ LÃNG QUÊN

 

MC:

           Kính thưa,

          Một phóng viên được phân công đi làm một thiên phóng sự về đời sống công cộng ở một giáo xứ nọ. Chúng ta hãy chờ xem thành qủa mà anh ta đã làm như thế nào. Và đây xin giới thiệu anh phóng viên Hoa tình Thương.

 

PV :

       Xin kính chào qúi khán thính giả.

 

MC:

      Câu đầu tiên cho phép tôi được hỏi, Động lực nào thúc đẩy anh thực hiện chương trình này?

 

PV:

      Thưa qúi khán thính giả, như qúi vị đã biết, trong bức thư của Đức Cha Đaminh gửi Giáo phận nhân ngày truyền giáo, Ngài đã nhắc nhở: “Như Đức Giê-su đã đi qua khắp các thánh thị và làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền, bệnh hoạn, làm dấu chỉ Nước Chúa đã đến, thì Giáo hội cũng nhờ con cái mình mà liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, nhất là với những người nghèo khổ, tật nguyền và tình nguyện hy sinh cho họ”. Đó là động lực thúc đẩy tôi thực hiện chương trình này.

 

MC:

      Vậy trong một tháng anh đã đi những đâu, và đã thực hiện được những gì, thưa anh?

 

PV:

     Dạ đâu dám một tháng, chỉ có nửa ngày thôi mà tôi căng thẳng quá,mệt quá, sợ quá… trốn luôn.

 

MC:

      Tại sao ạ ?

 

PV:

     Bởi vì những mảnh đời bất hạnh còn quá nhiều trong cuộc sống hôm nay. Sự chênh lệch giầu nghèo càng quá xa. Nông dân thì đói khổ, kẻ quyền quý thì dư thừa. Xin mời quý vị thử xem những hình ảnh trong phim.

 

MC:

      Dạ cho tôi mượn,

Trình chiếu Video clip cảnh những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó . . . .

 

PV:

     Đấy anh thấy chưa, phải chăng nơi trần gian này, người giầu, người quyền lực luôn là kẻ có lý, đáng tôn trọng, còn ngừơi nghèo, kẻ kém may mắn thì bị hà hiếp. Và phải chăng người Công giáo chỉ sống đạo trong nhà thờ, còn ngòai xã hội, nơi gia đình, khu xóm thì không phải là công giáo . . . Lương tâm của người công giáo ở đâu khi mà bên cạnh còn quá nhiều những mảnh đời lầm than? Anh có thể trả lời cho tôi, cho những người tham dự ở đây được thỏa lòng được không?

 

MC:

      Dạ điều này thì . . . . .

 

Một em nhỏ tiến lên: Dạ thưa anh, có một người gởi cho chương trình canh thức Giáng Sinh một món qùa và còn dặn anh mở ra xem và người đó vội bỏ đi, em xin gởi lại anh.

 

MC:

      Cám ơn em, xin phép anh PV Hoa Tình Thương cho tôi được mở gói quà.

 

PV:

     anh cứ tự nhiên.

 

MC:

      trong này có một bức thư, xin phép tôi được đọc  (PV: vâng)

      Tôi là sư thần Gabrien, phát ngôn viên của Thiên Chúa, là sứ thần đã loan tin cho Đức Maria cưu mang Đấng Cứu Thế. Hôm nay đi ngang qua Gx Bình Lâm vô tình dự phần phóng sự của phóng viên Hoa tình Thương, tôi có những suy nghĩ sau:

          Tiếc rằng phóng viên chỉ đi có nửa buổi để thu hình, nhưng nếu đi cả ngày hay thậm chí đủ cả 30 ngày, thì tôi tin chắc rằng tư liệu sẽ rất phong phú và đa dạng. Nói như thế không phải là đã đủ, vì không phải  chỉ hôm nay,  nhân lọai mới sống trong viễn cảnh của sự hẹp hòi ích kỷ, nhưng thực trạng đó đã ngự trị nơi thế gian hơn 2000 năn nay. Xin xem băng Vidéo trong hộp thì sẽ thấy điều tôi nói là một sự thật.

 

MC:

      Xin mời khán thính giả chúng ta cùng theo dõi băng hình.

 

LỜI BÌNH TRONG PHIM: ( trong khi ấy họat cảnh Giu se - Ma ria trên đường đến Be – Lem tìm quán trọ)

Vào một mùa đông năm ấy, có một gia đình nghèo, đó là cha Giu se và Mẹ Ma ria đang cưu mang Chúa Giê su,  vâng lệnh hòang đế Au gút tô, Ông bà  trở về nguyên quán để kiểm tra dân số. Sau khi đã hòan thành công việc, thì trời đã xế chiều , và chiều mùa đông luôn làm cho màn đêm mau chóng ập xuống, Cha Giu se dự tính sẽ tìm cho mẹ Ma ria một quán trọ để qua đêm, nhưng vì hai ông bà nghèo và hơn nữa vào những ngày cao điểm quán trọ luôn đông người và giá cả thì đắt đỏ, bởi đó hai ông bà chỉ nhận được lời từ khước ở nơi quán trọ với cùng giọng điệu “ ở đây không có tội nghiệp và làm phúc, ở đây chỉ có tiền và có tiền là có tất cả” , Như bao người khó khăn họan nạn, Cha Giu se chỉ ước ao, hầu có thể trọ ở nơi xó bếp hay ở bên hiên hè để Mẹ Ma ria có thể trú đêm, nhưng tất cả đều bị từ chối , bởi ông bà  không sang trọng, nên bị khinh thường, bởi Mẹ Ma ria đang mang thai sắp đến ngày sinh, nên người ta sợ phiền phức.

 

          Trời về khuya càng rét buốt, từng cơn gió đông như muốn xô ngã hai người lữ khách trên cánh đồng hoang, bước đi trong đêm tối là dấu chỉ của người bị ruồng bỏ, bị khinh miệt. Trớ trêu và nghiệt ngã, Đấng là Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống thì hôm nay Ngài bị khước từ quyền được sống nơi con người trần gian. Đấng đã yêu thương ban ân phúc cho con người thì hôm nay Ngài đang bị con người hất hủi, xua đuổi và bị dồn vào bóng đen bất hạnh. Nhân nghĩa ở đâu? Bác ái ở đâu?

 

          Nhưng điều Thiên Chúa muốn dạy chúng ta ở đây  là: Ngài đến không phải theo chương trình của con người mà là kế họach Cứu độ của của Thiên Chúa. Chúng ta đừng tưởng Ngài đến để xóa tan sự đam mê, khai trừ lòng hẹp hòi và lọai bỏ sự ích kỷ ra khỏi thế gian . Vì nếu như thế , nhân lọai chúng ta còn chi cơ hội được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúa Giê su nhập thể, không phải để lọai bỏ mà để cứu chuộc, Thiên Chúa đến để  thiết lập lại  lương tâm nơi con người, xây dựng nền tảng đạo đức luân lý, và chỉ cho con người thấy được giá trị trong việc phục vụ tha nhân. Do đó người công giáo chúng ta hôm nay không phải chỉ đứng khoanh tay nhìn rồi than trách, nhưng nói theo triết gia Marcott: “thà thắp lên một ngọn nến còn  hơn là nguyền rủa bóng tối”.

 

          Vì vậy mà cuôc đời hôm nay vẫn rất cần trái tim của các ngôn sứ dám rời xa chốn bình yên, tiện nghi để lăn xả vào những dòng đời khô cằn tình người, những chốn hiểm nguy của sói rừng, đói rét, bệnh tật mà gieo trồng cây hạnh phúc Tin Mừng cho nhân gian. . . Cuộc đời hôm nay vẫn rất cần những trái tim nhiệt thành của các mục đồng năm xưa dám dành cho tha nhân một hơi ấm tình thương để xóa tan băng giá của ích kỷ thờ ơ, một chiếc nôi huynh đệ được đan dệt từ sợi dây bác ái yêu thương để bao bọc gia đình nhân loại trong hơi ấm nồng nàn tình thương.

Phải chăng đó cũng là sứ mạng của người kytô hữu hôm nay? Xin mời cộng đoàn cùng theo dõi chuyện kể về người mục tử  đã từ chối những tiện nghi đầy đủ của chốn đô thành mà lăn xả vào vùng đất “rừng sâu nước độc”, nơi “khỉ ho cò gáy” để biến vùng đất hoang vu miền sơn cước thành vùng Đất Mới, vùng đất của yêu thương và hạnh phúc.

 

Hát múa minh hoạ: Đẹp thay bước chân người đi .  . .

 

Phần I1: ĐẤT MỚI : TẤT CẢ VÌ TÌNH YÊU

 

Cảnh một người lữ thứ (diễn tả theo lời dẫn và nhạc nền nối tiếp điệu múa)

 

Một linh mục với nải đồ, cây gậy đi truyền giáo.

 

Chúa Giê-su đã từng nói: “Cáo có hang chim trời có tổ con người không có nơi gối đầu”. Bước chân của nhà truyền giáo Phương Toàn như đang hoạ lại từng nét trong cuộc đời của Thầy Chí Thánh Giê-su. Ngài đã bỏ chốn thị thành để tình nguyện sống đồng cam cộng khổ với những anh em đang đói khát vùng kinh tế mới sau biến cố 1975. Đoàn người từ bốn phương trẩy vào chốn rừng xanh với ba không: không tiền, không gạo, không một chút phương tiện để sống, phải bươn chải từng ngày để tìm kiếm miếng ăn qua ngày.  Họ phá rừng để khai hoang trồng bắp, trồng lúa chỉ mong có bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Nhưng với “ba không” cay nghiệt của đời người đã làm cho đoàn lũ người dân vùng kinh tế mới chìm ngập trong khổ luỵ trần gian bởi đói khổ và bệnh tật. Cái đói đã làm cho người dân lam lũ còm cõi, lại còn bệnh sốt rét rừng làm cho thân mình vàng vọt và  thêm tiều tuỵ kiếp người hơn.

 

(Diễn tả Lm Phương Toàn trên bước đường gặp những người đói ngài cho ăn, khát ngài cho uống, bệnh tật Ngài ủi an, xức dầu . . .)

 

   Hoà quyện vào đoàn người tất tả ngược xuôi đó, một linh mục trẻ nồng nàn khí huyết đã vội vã lên đường để sống đồng lao cộng khổ với anh em khó nghèo đó là linh mục Phương Toàn, một linh mục trẻ đã sống trọn vẹn lời Tin Mừng của Thầy Giê-su là Yêu cho đến cùng cho dù có phải

 “Tam tứ núi cũng trèo, Thất bát sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua”.

 

   Vâng, nếu nói đời là bể khổ thì Lm Phương Toàn đã nếm trải đủ mùi tục luỵ khổ đau. Từng là giáo sư chuyên nghiệp. Ngài dấn thân đi kinh tế mới cùng với giáo dân, sống cuộc sống lao động tay chân như một người nông dân nghèo đói. Ai có sống trong cảnh một người trí thức, bỗng trở nên vô dụng, mới hiểu hết nỗi bi thương trong tâm hồn “con người vô dụng” ấy. Họ đau đáu câu thơ của Trần Nguyên Đán:

 

“Đọc ba vạn cuốn sách mà không có nơi dùng

Đến bạc đầu cũng không phụ lòng thương dân”.

 

  NGƯỜI MC XUẤT HIỆN- TRONG KHI ĐÈN TỐI LẠI CHIẾU GOM VÀO MC

 

(mọi người chuyển cảnh nhanh)

   Lm Phương Toàn cũng vậy. Trên vùng đất mới, ngài cũng phá rừng làm rẫy, tỉa hạt, gieo gặt như bao người. Nhưng để sống một cuộc đời lam lũ, ngài phải dằn vặt trước bao cám dỗ mời mọc ở lại chốn thị thành, vượt biên để trốn khỏi chốn rừng hoang, sống một đời sống mái ấm gia đình để có người chăm sóc trong những lúc ốm đau, quạnh hiu. Vâng, những khó khăn của lm Phương Toàn không chỉ do ngoại cảnh, thời cuộc và cuộc sống vật chất cơ cực, hơn nữa, còn do những cơn bão tình cảm, mà nhiều khi làm cho ngài lao đao, đau đầu suy nghĩ.

 

                                                        (đèn sáng lên)

 

Cảnh hai: Nơi ở của linh mục Phương Toàn

(diễn tả đêm tối, lm Phương Toàn ngồi trầm ngâm suy nghĩ nơi căn chòi của mình – và một người đến xin ngài đi kẻ liệt – Ngài ra đi )

 

Người nhà bệnh nhân:

    Thưa cha chúng con tới đây mong cha thương chúng con đi ban bí tích xức dầu cho mẹ của chúng con, bà sắp qua đời.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN

      Ồ! Vậy àh đợi cha chút nhé…….

 

CẢNH DẪN

 Lm Phương Toàn vội vã lấy đồ kẻ liệt ra đi trong đêm tối.

 

Lm Phương Toàn vừa đi ra khỏi thì tiếng chân đàn vọi chạy, tiếng voi dày xéo xóm làng . ..; tiếng người la hét, tiếng khua nồi niêu xoong chảo, chiêng trống vang lên khắp nơi.

 

Sân khấu điện tối, ánh điệm sấm chớp và các tiếng động vang lên bóng đen to đùng chạy qua lại tới bên chòi của cha kéo sập,bóng người chạy nháo nhào la hét.

 

. Khi điện sáng lên thì cảnh ngổn ngang và căn chòi của cha bị phá đổ. . . mọi người đang tìm kiếm cha

 

 tiếng ÔNG HÒA:

    Cha mất tích rồi bà con ơi…

 

 ( lần mọi người buồn thảm , có người khóc òa gọi cha…nhưng bất chợt cha xuất hiện. )

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

       Ồ không, cám ơn Chúa tôi vừa đi kẻ liệt về đây thưa bà con,  xóm làng bị đàn voi về

       dày xéo hả.

 

(Khi cha Phương Toàn bước ra thì mọi người sững sờ rồi vui mừng tạ ơn phép màu của thiên chúa. Đứng đầu là ông Trưởng Tuất, quần áo lấm lem, mặt mũi bơ phờ).

 

 Trưởng Tuất:

      (đưa hai tay lên trời hô) Tạ ơn Chúa.

 

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

       Tại sao lại tập trung ở đây đông thế?

 

Trưởng Tuất :

      Khi đàn voi rút khỏi, chúng con chạy vào nhà xứ tìm cha, thì nhà xứ bị phá tan tành.

      Tìm bới đống đổ nát mà không thấy cha, chúng con càng hoảng loạn đi tìm cha. Ơn

      trên đã đưa cha về rồi, chúng con xin tạ ơn Chúa vì cha đã bình an.

 

Cha Phương Toàn:

      ( vui vẻ nói)

      Tạ ơn Chúa vì của đi thay người mà . ..

 

(Sau đó mọi người cùng nhau dọn dẹp … và chuyển qua phần 2)

 

LỜI DẪN:

       Dầu ở chốn rừng sâu giữa đàn voi dữ, dầu thiếu thốn tư bề nhưng linh mục Phương Toàn luôn chọn Chúa, chọn ở lại với đoàn dân vì Chúa và vì phần rồi các linh hồn, cho dẫu có biết bao lời mời gọi ngon ngọt nhưng cha vẫn một lòng trung kiên theo con đường mình đã chọn.

 


Phần 2: TÌNH YÊU NÀO CAO TRỌNG HƠN

 

LỚP I: THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG

 

 

 

Nhân vật:

 

CHA PHƯƠNG TOÀN –

   vận quần xám nhà binh và chiếc áo sơmi, vai áo và đầu gối quần rách toạc, cha đang lao động trên rẫy.

 

THÀNH:

    cháu CHA PHƯƠNG TOÀN - áo nhà binh cũ rách.

 

MỸ LINH:

    cô gái thành phố, quần jean xanh, áo pull trắng, bata trắng, khoác balô du lịch.

 

                                                         KHUNG CẢNH

- cảnh rừng đã phá hoang xa xa vẫn còn là rừng rậm (Chiếu phim rừng lên font)     

 

- Nơi ở của cha là nhà lá đơn sơ , Một cái bàn nhỏ, một đèn dầu, một ghế bố ở góc nhà. Mấy cái lu đựng nước xếp ở sau nhà

 

 

-Cha Phương Toàn đang làm cỏ tỉa hạt thì Mỹ Linh xuất hiện. Cha không biết. Mỹ Linh đứng nhìn cha, sững sờ rồi đôi mắt ngắn lệ.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

       (ngạc nhiên, xúc động)

       Ủa, Mỹ Linh lên hồi nào vậy! Làm sao mà con tìm được nơi này?

Chờ cha một chút, cha sẽ dẫn con về nhà ha…..

(cha ngừng tay, vác cuốc đưa khách về, vừa đi vừa nói chuyện- Đi xuống góc khán giả đi ngang sân khấu ra cửa, trong khi đó cảnh nhà cha dựng lên,hoặc kéo phông ra.).

 

Mỹ Linh:

    (khóc to hơn, đứng lặng không nói)…

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      (vui vẻ)

      Nào mời quí khách tiến về hoàng cung nghỉ ngơi, rồi “trẫm” sẽ đưa đi coi vương

      quốc của “trẫm”.

 

Mỹ Linh:

   (quay lại nhìn cha, nàng càng khóc to hơn nữa.)…

 

Cha Phương Toàn:

     (vẫn giọng vui cười pha trò)

     Gặp cha mà khóc là một đại họa. Cha đang cần nắng để đất dọn cho kịp tỉa hạt!

     Con khóc như mưa thế này thì ngập lụt hết rẫy của cha rồi!

    (Nói rồi cha cúi xuống xách cái túi vải to khoác vào vai, một tay cầm tay Mỹ Linh dẫn

     đi ân cần)

     Gặp cha phải mừng chớ, thôi nín khóc đi, không có hoàng huynh tôi nó cười cho thì

     quê lắm!

 

Mỹ Linh:

    (không vui. Bước đi theo cha, nàng như cái xác không hồn)…

 

LỜI DẪN:

    “Hoàng cung” là một căn nhà lá, cột bằng cây không to hơn ống chân nàng. Mấy cái lu

     đựng nước xếp ở sau nhà. Đồ đạc chẳng có một cái gì đáng giá…

 

Cha Phương Toàn:

     (về gần đến nhà, cha gọi lớn)

     “Hoàng huynh” đâu? Có khách quí này!

 

Thành (Hoàng huynh):

     (từ trong nhà dạ một tiếng rồi ló đầu ra, mặt đỏ gay, mồ hôi còn đọng lại thành giọt ở

     trên trán. Có lẽ hoàng huynh đang nấu ăn.)

     Cha gọi con?(reo lên) A! Cô Mỹ Linh lên thăm cha.

 

Mỹ Linh:

    (thay đổi nét mặt. Cô nhìn người con trai nói với cha)

    Ủa ! Cậu Thành cũng lên ở với cha ?

 

Cha Phương Toàn :

    (cười vui)

    Ừ ! Thiên thần hộ thủ của cha đó !

 

 

Cha Phương Toàn:

    (quay vào trong gọi Thành)

    Con đem đồ của chị Mỹ Linh vào trong nhà, cho cha rửa tay tiếp khách chứ. (Trao đồ

    cho người con trai, cha nói với Mỹ Linh) Mỹ Linh vào trong nhà ngồi nghỉ đi, cha ra

    sau rửa mặt rồi vô nói chuyện.

 

   (Mỹ Linh đứng tần ngần, ngó tới ngó lui rồi bước vô nhà.Nàng lại đảo mắt khắp nơi

,  thở dài ngao ngán …)

 

Thành :

    (bỏ túi vải xuống bàn, quay lại nói với Mỹ Linh)

    Cô ngồi nghỉ, uống nước cho khỏe, lát dùng cơm xã hội với cha.

 

    (Mỹ Linh ngồi xuống một khúc gỗ sát vách, nước mắt nàng lại trào ra.)

 

Mỹ Linh:

    (thốt lên một mình-tiếng hậu trường)

    Trời ơi! Sao cha lại đến nỗi thảm hại thế này?

 

     (cha bước vào trong nhà. Trông càng tiều tụy. Mỹ Linh nhìn cha như thôi miên.)

 

Cha Phương Toàn:

      (lại gần Mỹ Linh)

      Con ra sau, rửa mặt đi cho mát rồi vào dự tiệc.

     (Mỹ Linh theo cha ra sau nhà)

 

CẢNH DẪN-

       (nhạc nền) Ngồi bên thau nước, Mỹ Linh do dự chưa dám rửa. Có lẽ màu nước trắng

       lơ lớ như nước gạo làm Mỹ Linh e ngại chăng? Mỹ Linh rửa mặt qua loa rồi đứng

       xem vườn “thượng uyển” của cha một lát.

 

       Trở vào trong nhà, Mỹ Linh ngồi ở ghế, lấy tay lấy cái ví da nhỏ, soi kiếng kiểm soát

       khuôn mặt mình vừa mới rửa bằng một thứ nước lạ.

 

Mỹ Linh:

       (Dứt nhạc nền-  trang điểm lại xong, ngẩng mặt lên không thấy ai, Mỹ Linh gọi lớn:)

 

       Cậu Thành ơi!

 

Thành:

      (đang to nhỏ, khúc khích cười với cha đằng sau)

      Có em đây!

 

Mỹ Linh:

      (cười )

      Thành cho chị xin miếng nước nha!

 

Thành:

      (nhìn cha mỉm cười, nói vừa đủ cha nghe)

      Hết Đông sang Xuân rồi đó!

 

Cha Phương Toàn:

      (cha lắc đầu nói khẽ)

      chưa chắc!

     (Hai cha con bước vào trong nhà)

 

Cha Phương Toàn:

     (cha nhìn Mỹ Linh)

     Thôi ăn tiệc đã, xong rồi uống!

 

Mỹ Linh:

    (năn nỉ )

    Cho con uống miếng đã, suốt quãng đường lên đây con đâu có miếng nước nào. Giờ

    cháy khô cổ rồi.

 

Thành:

    (trao ly nước cho Mỹ Linh vừa giải thích)

    Chị thử dùng nước dân tộc cho biết, uống một muốn hai, uống hai rồi không muốn

    uống nữa!

 

Mỹ Linh:

    nước dân tộc gì mà kì vậy?

 

Cha Phương Toàn:

    (can ngăn)

     Thành! Cháu cứ ba hoa vậy, làm cho cô hồ nghi.

 

Mỹ Linh:

     (nhấp nhấp thử, uống một ngụm lớn, nhăn mặt)

      Nước gì đắng quá vậy!

 

Thành :

      Nước lá vối đó! Nước này uống rất tiêu, bổ tì, bổ vị, bổ tâm can. Bảo đảm đây là

      nước thần dược.

 

CẢNH DẪN :

     Mỹ Linh cầm ly nước , đứng lên tới bên “bàn tiệc”.cô nhìn trên bàn bữa ăn chỉ có

     món mắm cá lóc, Mỹ Linh không ăn nổi, nàng ăn muối mè.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN

     (Vui vẻ nói)

     Đây là món nem rồng non…..

 

MỸ LINH

    (ngạc nhiên trố mắt nhìn cha và Thành,rồi nhìn chén mắm lóc)

 

THÀNH

    (cười ngặt nghẽo và nói

    Thì là cá lóc nhỏ nhìn nó giống con rồng con đó chị LINH,đó là do em đặt ra

  

Mỹ Linh:

    (tiếng hậu trường, gượng cười bưng chén từ từ đi ra ngoài)

    Trời ơi sao cha lại sống khổ thế này. Làm thế nào cho cha chịu bỏ cảnh sống đầy đọa

    này để về thành phố?

 

 

CẢNH ĐÊM

 

CẢNH DẪN – (nhạc nền)

     Cha Phương Toàn ở bàn. Ngọn đèn dầu tù mù còn THÀNH nằm co ro trên chiếc

     giường tre nhỏ.

 

     Lâu ngày không gặp Mỹ Linh, giờ có dịp  gặp lại, cha hỏi thăm hết người này đến

     người kia. Thấy gia đình nào cũng có nhiều sự thay đổi sau ngày Giải phóng…

 

(Dứt nhạc nền-Cha hỏi Mỹ Linh)

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      có nhiều sự thay đổi sau ngày Giải phóng, riêng gia đình Mỹ Linh, và công việc của

      Mỹ Linh thế nào rồi. (cha thở dài)Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, chọn lựa riêng

      cho lí tưởng của mình, tất cả đều xây dựng Nước Chúa và mưu cầu lợi ích cho các

      linh hồn.

 

Mỹ Linh:

      (có vẻ đuối lý bực tức )

      Cha nói vậy.. ở đâu mà chả làm ích cho các linh hồn. Cha có ảo tưởng về chọn lựa

      của mình không? Đâu cứ phải đày ải khổ sở thế này?

 

Thành:

      (ngủ mơ ú ớ)

      Cha ơi… cha ơi

           

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      (lay cho Thành tỉnh dậy)

      Thành, Thành, con đang mơ cái gì mà hoảng hốt vậy?... Sao mà yếu đuối cả trong

      giấc ngủ vậy cái cậu này!

 

Mỹ Linh:

      (nhìn thành rồi nhìn cha suy nghĩ)

 

Thành:

      (tỉnh lại)

      Con lo quá, con mơ thấy cha bỏ đây mà đi, con níu lại không được.

             

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      (an ủi)

      Ừ! Cứ nghĩ quẩn rồi mơ hoảng vậy thôi.Con yên tâm Cha sẽ ở đây mãi với mọi

      người.

 

NHẠC NỀN NHÈ NHẸ TRỖI LÊN RÉO RẮT BUỒN.

 

Mỹ Linh:

     (tiếng hậu trường trong khi MỸ LINH từ từ đứng lên nước mắt chảy dài )

     Có lẽ cha nói mình yếu đuối, hoảng hốt. Sao lại là mơ.

     Cha nói thế nghĩa là sẽ không đi với mình!

     (cô tiến chậm về phía cha nói với cha mà pha lẫn nghẹn ngào)…

     Cha có biết con lên đây là vì ai không?

     Chẳng lẽ cha không có trái tim?

     (rồi nức nở)

     Con khổ sở lặn lội lên tận đây, cả gia đình con hy vọng cha sẽ trở về, không ngờ cha

     lại mê muội và vô tình đến vậy sao? Ở đây có cái gì mà cha đánh đổi tất cả hạnh phúc

     và tương lai của mình, con không hiểu nổi cha nữa.

 

(MỸ LINH ngồi thụp xuống gục đầu vô đùi cha)

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

     (lắc đầu)

     Mỹ Linh, con bình tĩnh nào, rồi con sẽ hiểu cha

 

Mỹ Linh:

     (dằn vặt)

     Con không hiểu! Con không hiểu!

 

(Cha PHƯƠNG TOÀN đứng lên bước ra ngoài, Mỹ Linh gục đầu xuống bàn)

 

Thành:

      (nói như tự nói với mình rồi hỏi cha)

      Đúng là trái tim lạc lối làm con người đau khổ, ủa cha ơi Mấy giờ rồi cha?

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      (nhìn đồng hồ)

      Ờ, muộn  rồi nhỉ! Thôi Mỹ Linh đi nghỉ đi … thân gái dặm trường chắc là mệt lắm.

      Mai cha sẽ đưa đi thăm “hoàng triều công thổ”của cha nhé.

 

LỜI DẪN:

      Mỹ Linh khóc suốt đêm. Nàng hoàn toàn thất vọng. Cha nói vậy là nhất định không

      về thành phố với nàng. Những tưởng cha sẽ mừng và về với nàng ngay, nào ngờ.

      Nàng giận cha và oán cái lí tưởng “mù quáng” của cha. Cha đâu hiểu nỗi khổ tâm, vất

      vả mà nàng đã phải chịu để đến đây. Con người mềm mỏng ấy sao vô tâm vô tình

      quá.

 

      Nàng hết vật vã nằm bên này trở bên kia, mong cho chóng sáng để rồi bỏ đây ngay…

      Khoảng bốn giờ sáng, cha ngồi vào bàn, mở sách ra đọc kinh. Ngài không bận tâm dì

      đến Mỹ Linh. Hết chịu nổi, Mỹ Linh vùng dậy chui ra khỏi mùng. Nàng cố  ý động

      mạnh làm cho cha biết nàng đã dậy, nhưng cha vẫn không quay lại.

 

      Mỹ Linh thất vọng bỏ về sớm. Cha Phương Toàn sai Thành lấy đạp chở Mỹ Linh ra

      đường đón xe về thành phố. Cha Phương Toàn nhìn theo lắc đầu buồn bã, ngài chuẩn

      bị làm lễ sáng.

 

Hát múa: Một đời người một rừng cây

 


LỚP 2 – CHIA TAY MỘT TÌNH YÊU

 

Nhạc nền, và âm thanh náo nhiệt vọng ra, vài cây kiểng làm thành cổng chào cho đám cưới.

 

LỜI DẪN:

       hôm ấy, Cha Phương Toàn đang dự tiệc cưới ở nhà ông Tư Lung. Ông già Hòa đến

       báo tin: cha có khách ở thành phố tới gặp. Cha mượn dịp cáo từ gia chủ, rồi ba người

       đi ra cổng Mai Linh đứng ở ngoài đợi nãy giờ nhìn về phía cha. Thấy cha cùng chủ

       nhà tiễn ra, nàng bước hẳn ra ngoài vồn vã đi về phía cha.

 

GIÀ HÒA:

       Thưa cha cô ấy kia, con bảo chờ ở nhà cha mà cô ấy không chịu.

 

Mai Linh:

       (tới gần cha, nàng trách)

       Con đợi cha muốn chết à !

 

CHA PHƯƠNG TOÀN :

       (vồn vã)

       Con tới lâu lắm rồi sao ?

 

Mai Linh  :

       Cũng khá lâu rồi. Con năn nỉ ông già muốn chết ông mới chịu đưa đi tìm cha.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN :

       chị  Mỹ Linh  của con không xuống sao ?

 

Mai Linh :

       Dạ ! Chị con bận lắm cha à .

       ( Mai Linh, nàng kéo cái túi da xách tay, lấy ra trao cho cha một bức thư.)Chị Mỹ

       Linh gửi cha bức thư cần.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN :

       Thư gì mà bắt tội Mai Linh phải lặn lội vậy.

 

Mai Linh :

       A ! Đó mới chỉ là một nữa lý do thôi. Cha cứ đọc thư chị Mỹ Linh đi rồi con sẽ nói

       cha nghe.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN :

       (đọc thư –tiến vọng  giọng Mỹ Linh –trên nền nhạc du dương trữ tình)

 

TRONG KHI CHA ĐỌC THƯ ÁNH SÁNG GOM MỘT MÌNH CHA- MỌI NGƯỜI CHUYỂN CẢNH – NHÀ CHA HIỆN TẠI CÓ VẺ CHẮC CHẮN HƠN TRƯỚC MỘT CHÚT. MAI LINH NGỒI SẴN NOI BÀN, KHI ĐÈN SÁNG LÊN CHA SẼ VÀO NÓI CHUYỆN VỚI MAI LINH.

 

Thành phố .......

                                           Cha thương !

Con hết sức khổ tâm vì hôm nay không lên thăm cha được. Nhờ em Mai Linh chuyển lời giúp con. Con tha thiết xin cha một ân huệ cuối cùng.

Con nói cha đừng buồn, con muốn xóa sạch hình bóng cha trong trái tim con nhưng con thất bại. Trái tim có lí lẽ của riêng nó, chỉ vì con không tìm đâu được một hình ảnh đẹp hơn, đáng yêu, đáng kính trọng hơn .

Cha bảo ở với dân, để xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Mấy năm nay cha đã  thấy hạnh phúc đó chưa ? Hay chỉ no bụng bằng củ khoai, củ chuối ?

Rồi còn gì nữa ! Khi cha bị đau bệnh, người ta đã đối xử với cha thế nào ? Chỉ hơn con vật một chút. Con và gia đình cùng những người quen biết cha, nghe tin đều đã khóc.

Cha cho rằng lao động là món thuốc trường sinh sao ? Sức khỏe của cha như vậy trường sinh sao được !

Cha thương ! Đó là những tâm tưởng day dứt trong lòng con. Con bất lực không làm sao để cha hiểu được. Cha có thương chúng con không?

Cha ạ! Trong suốt thời gian vừa qua, con bận bịu lo thủ tục xuất ngoại. Hiện giờ mọi việc đã lo xong. Em Mai Linh  sẽ đưa cha coi bản sao giấy xuất cảnh, trong đó con mạn phép ghi tên cha vào danh sách gia đình con.

 

Vậy con xin cha thương con lần chót. Cha về với em Mai Linh, để ngày mốt 27 này kịp chuyến bay. Tương lai đang chờ cha ở phía trước, nơi ấy cha sẽ đem tài năng, sức lực phục vụ Chúa và đoàn chiên.

Cha ạ! Cha đừng sợ đi như vậy là mất lí tưởng. Cha ở đâu thì lí tưởng ở đó.

Ngoài ra, cha ạ! Bệnh sốt rét của cha khó có thể chữa khỏi trong nước. Con lo cho cha lắm.

Sau cùng, dù cha quyết định thế nào, thì cha cũng về với em Mai Linh cho con gặp cha lần cuối. Cả gia đình con xin cha ân huệ lần cuối cùng đó.

Con chờ cha, cha đừng để con phải khóc nhá!

 

                                                                                                        Kính

                                                                                         Con: Phan Mỹ Linh

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

        (Cha hạ lá thư xuống, nói một mình)

        Mỹ Linh cũng có lý, nhưng là lý lẽ của con tim. Đi nước ngoài để có cuộc sống sung

        sướng, tự do, ai không muốn, lại được sống trong vòng tay những người yêu thương

        mình, hạnh phúc ấy không phải ai cũng mơ mà có được.

( cha suy tư một lát)

        Nhưng mình đã là linh mục. Chỉ có một lý tưởng là đi theo Chúa và phục vụ tha

        nhân. Hạnh phúc hay đau khổ trần gian chỉ là một chớp mắt phù du, nào có nghĩa

        là gì.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

        (hít thật sâu để tâm hồn trong sáng hơn, mạnh mẽ hơn –vừa đi vô với MAI LINH và

        nói với cô ấy nhưng như chỉ nói với riên mình. )

 

        Nay đoàn chiên của cha có những tai họa, nhưng không lo, vì có con lìa đàn thì cũng

       có con khác nhập đàn. Ma quỷ chẳng thế nào làm gì được Giáo hội Chúa – đã có

       Chúa quan phòng,

 

        (Cha Phương Toàn, làm vài động tác thể dục, nhìn lại thân thể mình vừa ngồi xuống

        vừa nói)

 

        Mỹ Linh nói CHA kiệt sức, đâu có gì đáng lo. Linh mục là của ăn đói với mọi

        người.Nếu có chết vì yêu thương tha nhân đến cùng, thì đó không là hạnh phúc sao?

        Có điều tình cảm của Mỹ Linh và gia đình đã đặt vào cha quá nhiều. Giờ phải làm

        sao đây? (cha thở dài).

 

Mai Linh:

        ( ngước mắt nhìn cha quan sát )

        Cha nghĩ như vậy sao cha?nhưng cha thấy chị Mỹ linh con viết thế nào?

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

        ( trầm tư day dứt )

        Mỹ Linh luôn luôn có lý và  luôn sẵn quả tim của người mẹ.

 

Mai Linh:

        ( Mai Linh bỏ trái sa-bô và con dao xuống bàn, dồn hết nghị lực vào

        cuộc đối thoại)

        Nhưng cha có nhất chí với chị Mỹ linh không?

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

         ( nhìn khoảng không trước mặt )

         Trả lời nhất chí cũng không phải, mà không nhất chí cũng không đúng.

 

Mai Linh:

        ( lại chỗ túi đồ của nàng. Nàng kéo cái ví móc ra một tờ giấy, rồi cầm cả ví lẫn tờ

        giấy lại bàn. Nàng trao tờ giấy chi cha, nàng nói) Cha ơi, đây là bản sao tờ giấy

        xuất ngoại của nhà nước.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

         ( Cha kéo gần ngọn đèn lại hơn, chăm chú đọc)

         Chà! Giấy tờ đàng hoáng quá nhỉ!

 

Mai Linh:

         ( Chờ đợi cơ hội để nói)

        Lấy được tờ giấy này đâu có phải dễ cha. Chị Mỹ Linh con chạy ngược chạy xuôi,

        mất ăn mất ngủ. Khóc lên khóc xuống. Hết trục trặc này đến trục trặc khác. Người

        chị gầy hơn trước nhiều lắm. Gia đình chúng con hầu như ngã lòng rồi. Tổn phí

        không biết bao nhiêu, nào là tiền thuế xuất ngoại, tiền vé máy bay, và đủ thứ tiền

        dịch vụ khác. Tất cả đều tính bằng đô, nhưng lại hết sức bấp bênh, chỉ mới hai bữa

        nay mới thấy yên bụng.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

        ( Chăm chú, khen )

         Mỹ Linh giỏi quá nhỉ!

 

Mai Linh:

        ( Tự tin )

        Gia đình con hy vọng cha xem giấy này thì cha sẽ đồng ý với yêu cầu của

        chị Mỹ Linh.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

          ( Thở dài, giọng nói, nét mặt rắn rỏi hơn.­)

          Mai Linh, chị Mỹ Linh và gia Đình có thương cha không?

 

Mai Linh:

           ( ngọt ngào thân thiết)

          Việc hôm nay con lên cha đây đủ nói tình cảm của con đối với cha . Còn với

           chị Mỹ Linh, cha là sự sống của chị ấy. Với ba má và các em con thì cha là

           người thân yêu không thể tách rời.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN :

          ( cười thân thiết )

          Như vậy là mọi người trong gia đình đều thương cha chứ gì?

 

 

Mai Linh:

          ( cười hân hoan )

          Dạ! Chẳng những thương mà còn yêu cha nữa.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

          ( nhìn thẳng vào mắt Mai Linh )

          Nhưng yêu nhau thì muốn điều gì cho nhau?

 

Mai Linh:

          ( linh lợi )

          Theo Con hiểu: yêu nhau thì muốn làm vui lòng nhau, muốn điều lành, điều tốt

           cho nhau, muốn cho nhau được hạnh phúc.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

         ( gật đầu tỏ dấu bằng lòng )

          Con nói đúng!...

        ( giãi bày, nghiêm nghị )

          Mai Linh biết đó ngoài cuộc sống như mọi người, cha còn một cuộc sống thứ hai,

        cuộc sống cho tha nhân. Hạnh phúc của cha là sống cho tha nhân. Nếu cha chỉ nghĩ

        đến cuộc sống riêng, lý tưởng cha theo đuổi sẽ mất hết ý nghĩa, chỉ còn lại thất vọng

        và đau khổ.

 

Mai Linh:

       ( suy tư )

       Con hiểu, nhưng có ai cướp mất cuộc sống thứ hai của cha đâu? Cha vẫn sống và

       sống trọn vẹn hơn nữa.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      ( nhiệt thành hơn )

      Nhưng Mai Linh cần hiểu cuộc sống thứ hai của cha gắn liền với những đồng bào

      giáo dân nghèo trên quê hương này.

 

Mai Linh:

      ( lấn tới )

     Thế nhưng, trước đây, khi đồng bào đến để khai hoang ruộng rẫy, ở đây đâu có linh

      mục và bây giờ cha đi, sẽ có người sẵn sàng đến đây phục vụ họ.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

      ( hơi chau mày, rồi bình tĩnh ngay, nhìn Mai Linh mỉm cười )

          Mai Linh à!

          Tại sao gia đình Mai Linh lại bỏ đi?

          Vì gặp khó khăn phải không? Vậy Mai Linh thử nghĩ cha ra đi để tìm sự dễ,

          còn để phần này cho ai.

 

Mai Linh:

           ( ngước mắt nhìn cha )

           Cha ơi cha đừng vòng vo nữa, mà nhận lời chị Mỹ Linh và gia đình con đi, về với

           con ngay sáng mai. Cả nhà con đang chờ, chuyến bay đã cận kề rồi.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

           (nhắm mắt suy nghĩ…rồi  lắc đầu thở dài. Nhìn thẳng vào mắt Mai Linh )

          Cha nói vậy, Mai Linh đã hiểu lòng cha. Hạnh phúc của cha là ở nơi đây,được

            phục vụ những con người nghèo khó nơi đây, không không phải là sự sung sướng

            nơi xứ lạ quê người…chị Mai Linh và gia đình thương cha, còn muốn cho cha

            hạnh phúc thì đừng bắt buộc cha phải rời khỏi nơi đây…

 

(Cha PHƯƠNG TOÀN đứng bật dậy, lắc đầu và đi ra ngoài.)

 

Mai Linh:

           ( ngẩng đầu lên nhìn cha mắt ngấn lệ )

          Chị của con chi MỸ LINH đau khổ lắm, cha ơi cha có biết điều đó không ?

           Con hiểu cha, nhưng nói làm sao với chị Mỹ Linh và cha mẹ con đây. Họ sẽ thất

           vọng về cha mất.

CHA PHƯƠNG TOÀN:

           ( đứng nhìn vào trời mênh mông )…

          Rồi mọi người sẽ hiểu cha

 

Mai Linh:

           ( năn nỉ )

          Con xin cha về cho gia đình con gặp cha một chút thôi.

CHA PHƯƠNG TOÀN:

           ( khổ sở )

          Lúc này sự có mặt của cha càng làm cho gia đình bối rối.

          ( Có tiếng gà gáy sáng , cha giật mình, quay lại nói với Mai Linh )

          Con đi ngủ một chút, để mai lấy sức mà đi

 

Mai Linh:

           ( gạt nước mắt )

          Con không buồn ngủ

          ( có tiếng đập của đàng trước )

 

Mai Linh:

           ( giật nẩy mình)

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

           ( trấn an )

          Chắc người quen đó con ,Ai đó? Đợi chút nào!

           ( có tiếng người lè nhè đáp lại )

 

ÔNG HÒA :

           Dạ! Co..n đâ..y Hòa đây cha

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

           ( nói với Mai Linh )

          Ông già Hòa!( vừa mở của, cha vừa hỏi ông già Hòa )Ông đi đâu bây giờ mới về

 

Ông già Hòa:( phân bua )

          Con ngủ ở chỗ các ông ấy

          bà Năm Mừng chết rồi.

 

CHA PHƯƠNG TOÀN:

           ( cha sửng sốt, thở dài )

          Thế là hết một đời người… Tất cả chỉ là một chớp mắt là phù du.

          Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

          ( Quay sang Mai Linh ) Con thấy đó, làm sao cha rời những người anh em đang

           cần cha được. Con về nói với Mai Linh và gia đình giúp cha. Cha chúc gia đình đi

           bình an.

        

 ( có tiếng chuông nhà thờ đổ, cha đứng dậy đi ra sau…)

 

Hát múa minh hoạt : Đất mới

 

                                                              HẠ MÀN.

 

 

         

         

         

 


Trở Về Trang Nhà