HỌC GÓI  - HỌC MỞ....

 

Trong đầu suy nghĩ rằng : những cái phải học thì liên miên, kiên trì và cập nhật. Có quá nhiều điều phải học mà sách vở và cuộc sống tiếp tục diễn ra trong xã hội. Chỉ vài trang mà dám giới thiệu mọi cách học thì e rằng lỗi đức khiêm tốn quá. Hơn nữa những suy tư của mình còn nông cạn, què quặt quá nữa cơ, nên chỉ dừng lại ở vài suy tư học ăn học nói. Vậy mà có bạn ‘kiểm duyệt’ bài viết trên rồi dựa vào tục ngữ Việt Nam mà đề nghị tôi chia sẻ tiếp phần sau của học ăn học nói. Ý tưởng chính thì tôi không dám dạy đời cách ăn cách nói đâu, chỉ dùng tiêu đề đó để nói về tầm quan trọng của giáo dục nhân cách, cái điều xem ra rất tự nhiên mà lại là xa xỉ trong xã hội hôm nay. 

Bạn muốn tôi làm trọn câu “học ăn học nói, học gói học mở” chứ gì? Chiều bạn vậy.

1.     HỌC GÓI

Ai thường có việc hay biếu xén, tặng quà chắc cần cái học này hơn. Nếu không thì lại phải ra cửa hàng ‘đóng gói’, làm tốn thêm tí bạc cắc mà mình phải vất vả lắm mới kiếm được. Mà hay ghê, không biết cái giá trị của món quà như thế nào, nhưng cứ nhìn cái hình thức đóng gói bao bì bắt mắt, trang trọng thì người nhận cũng đã ‘lâng lâng cảm xúc’! Tôi có một kỷ niệm nhớ đời là vào một dịp bổn mạng của tôi, nắm bắt được cái tính thích đùa, đám học trò đã tặng tôi một gói quà to đùng, giấy bóng hồng phủ quanh và thắt nơ vải thật duyên dáng.  Bốn đứa lệ khệ và bước đi ‘thẳng cẳng’ như mấy ông ở bộ nghi lễ khi đặt vòng hoa đài tưởng niệm. Đặt món quà lên bàn và một đứa đại diện nói vài câu xã giao. Tôi cũng làm mặt nghiêm trang đáp lễ rồi trang trọng tháo từng nút vải, gỡ từng miếng băng keo để lộ ra một thùng các-tông cũng dán kín. Khui thêm thùng nữa, một đống báo chí cũ đè chặn lên trên như bảo vệ cho món quà gì quý giá lắm. Bỏ đống giấu vụn ra, lại còn vài cục gạch, chắc chôm ở nhà nào đang trong thời gian thi công. Nặng là phải thôi! Cuối cùng là chiếc hộp nhỏ chỉ cỡ hộp sữa Vinamilk được khui ra, cái tượng nhỏ “thằng bé cởi truồng đứng …” xuất hiện trong tiếng cười lăn lóc của cái đám được xếp sau quỷ và ma!

Học gói là vậy. Nhưng nếu chỉ để gói quà thì…xoàng quá!

Người Việt có hạn từ ‘biết gói ghém cho đơn giản”, ý nói tới sự khôn khéo thu xếp công việc nào đó cho hợp lý, không cầu kỳ, đừng rườm rà mà vẫn có hiệu quả cao. Biết bao cảnh dở khóc dở cười như trong một chia sẻ trước đây tôi viết về “nỗi lòng mùa cưới”. Nó trở nên hoang phí, mất đẹp, nặng hình thức…chỉ vì không biết học gói.

Học gói, theo tôi còn có nghĩa là sự tiết giảm, tránh hình thức, cái điều mà Kinh Thư đã cảnh báo “rộn ràng hình thức, Chúa không ưng”. Cái ‘gói’ ở đây cũng không chỉ thuần nghĩa động tác gói quà gói bánh, mà còn là sự thu thập và bảo vệ thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc, lễ nghĩa trí tín…Ngoài ra những cái gói bản thân như sự kín đáo, biết bảo mật, trọng chữ tín, những điều làm nên nhân cách con người. Trong thực tế, những loại gói này cũng chẳng có nhiều lắm đâu mà sợ…ế. Thử đưa một tin gì bí mật, nói với ai đó và dặn kỹ “đứng nói cho ai nghe nhé”. Thế thì yên tâm, chỉ thời gian ngắn sau đó, tin này cũng rộng rãi ngang với ‘truyền hình trực tiếp’.

 

2.     HỌC MỞ

Cái công việc dễ hều, học làm chi?

Nhưng tôi lại thấy không mấy gì dễ đâu. Kinh nghiệm bản thân thôi nhé, khi một máy móc gì đó trục trặc, kêu thợ thì mất công, tôi cứ thoải mái mở bung cả ra để xem nó vận hành thế nào và chỉnh sửa lại thôi. Có điều là khi ráp lại, tôi làm được một điều mà ngay kỹ sư cũng khó thực hiện : dư đồ! Cũng bấy nhiêu ốc vít, bấy nhiêu thứ lỉnh kỉnh được tháo ra, mà tôi ráp lại nó dư nhiều ghê! Đúng là làm ăn trông lên! Nhưng lại được điểm 0 trong thực hành vì thiếu hẳn ‘không thầy đố mày làm nên’.

Mở cũng phải học đấy.

Người ta vẫn nói học là chìa khoá mở kho tàng kiến thức. Cánh cửa kho tàng này im lìm và kiên cố lắm, nhưng lại lộng kiếng trong suốt để ai nhìn cũng được, ngắm thoải mái nhưng rờ vào thì khó. Muốn mở được cánh cửa để vào trong, phải học. Nhưng cũng lạ là cửa này không độc quyền, độc tôn. Ai muốn vào cũng được, thượng vàng hạ cám, chỉ cần cầm cái thẻ ‘muốn học’ là nó mở ra ngay. Rồi học cái gì, học thế nào, kết quả ra sao thì tuỳ vào cái muốn của chủ thẻ! Học được cái hay, tốt quá. Nhưng cũng học được luôn cái dở. Ai muốn khai phá vào những lãnh vực cao quý để thăng hoá bản thân, làm giàu kiến thức thì kho tàng này cung cấp cho. Ai muốn lục lọi trong thùng rác để tìm tòi những thứ người ta …thải ra, thì chắc nó cũng chẳng từ chối! Cứ xem một cái kho kiến thức trên mạng Internet mà nghiệm đấy, biết bao điều hay, những bài biết giá trị cho nhân bản, những kiến thức khoa học, sức khoẻ,… được free rộng rãi, có bao nhiêu người chú tâm học hỏi? Còn những thùng rác web đen, những chuyện ở dưới lưng quần, những thói xấu của các thành phần thiếu giáo dục thì hình như lượng truy cập cũng dễ lập kỷ lục!

Thế nên có mở thì cũng phải biết mở đã. Biết đâu ngay sau cánh cửa đó là một trái bom vô tình đang chờ làm ‘tan nát đời hoa’ người mở đấy!

Một cách khiêm cung, tôi đặt mình trước ân sủng của Thánh Thần để nguyện cầu cho mình biết cái gì phải gói, điều gì nên mở. Chính Thầy Giêsu đã từng khuyên nhủ tôi “Cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ sẽ được mở cửa”. Điều quan trọng là tôi tìm điều gì, tôi gõ cửa làm gì, có hợp với sự cứu rỗi của tôi và của cộng đồng hay không.

Chúa nói thì chắc chắn không nuốt lời đâu.

 

Bs. Trần Minh Trinh

 


Mục Lục Sống Lời Chúa