HÃY TRẢ LẠI GIA ĐÌNH CHO EM

 

Ai đã một lần xuôi về Sài Côn, trên con đường nhỏ hẹp dẫn tới ngã ba nhà thờ Thủ Đức, phía mạn trái dãy phố Võ Văn Tần, số 18 A, sẽ gặp ngay bảng hiệu lớn đặt trên cánh cổng sắt lớn sơn xanh với tên gọi ứ  tình: “LÀNG THIẾU NIÊN THỦ ĐỨC”!

            Lần đầu tiên đến làng Thiếu niên, trong tư cách là thành viên đội Công tác Xã hội trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tâm trạng tôi lâng lâng khôn xiết tả. Không chỉ cái gặp gỡ ban đầu còn e ngại, dè dặt… mà cơ hồ như có cái gì đó ẩn chứa bên trong… là như một sự cởi mở tấm lòng!

            Bé My, bé Bo, bé Hiền… những chú cún con dễ thương, tội nghiệp. Bé thì lên ba, bé lên năm, bé đã vào sáu… nhưng bé nào, tất cũng là nạn nhân bất đắc dĩ của ba trong ba trăm tổng số bé hiện diện. Theo lời các mẹ cho biết, hằng năm trung tâm đều mở rộng cửa đón các bé vào rồi phân gởi bé đến từng mẹ. Mỗi mẹ chịu trách nhiệm một gia đình nhỏ từ một đến mười thành viên, tuổi từ sơ sinh cho đến vị thành niên. Khi các bé đã được học tập, đủ lông đủ cánh bay vào đời với chút nghề nhỏ tích lũy được và với không mái ấm… các bé sẽ phải liệu lấy tương lai đời mình. Chính bởi vậy, như định luật tất yếu của cuộc sống… vòng tròn tiếp nối vòng xoay… có bé ra đi, cũng có bé âm thầm trở lại… và rồi lại một bé nhỏ baby nữa để lại. Các mẹ, hết làm mẹ nuôi con, trở thành bà nuôi cháu, có khi còn trở thành nội để nuôi chắt nữa kìa!

            Tiếp chuyện với mẹ Na, đội trưởng các mẹ dấn thân phục vụ tại trung tâm, tôi mới thấu hiểu hơn thế nào là chữ tình của mẹ. Dĩ nhiên, không thể vắng yếu tố sinh nhai, nhưng chân thực hơn vẫn là tấm lòng yêu mến thơ nhi dạt dào của mẹ. Các mẹ đã hy sinh tuổi thanh xuân, đã chôn giấu thiên chức làm mẹ riêng mình để trở thành mẹ của cả đại gia đình. Trong cuộc sống, có những trị giá có thể đánh trả bằng một giá trị nhất định, nhưng cũng có những trị giá không thể đong đo bởi một vật giá ngang bằng nào được. Cuộc sống luôn luôn hòa trộn nỗi buồn niềm vui, trường đời luôn đan kết sợi gian cùng sợi khó… Các mẹ có yêu đến đâu, có hy sinh đến mức nào… cũng không thể kiếm tìm cho được cái hạnh phúc của tình mẫu tử chân thành tự thân được. Đó là sự thật và cũng là nỗi đau… phải đánh trả!

            Bé Bo mới chưa tròn ba… nhưng bé đã hiểu rất tỏ tường, mẹ Na không là mẹ ruột, mặc dầu biết mẹ rất thương. Nhưng cái “tình người” và “tình mẹ”… tất nhiên, không ai trên trần gian có thể đồng xem là một được! Hẳn các mẹ đã không tham vọng cho được sự bù đắp nơi các bé thơ dại ấy, nhưng điều làm tôi bức xúc không chỉ vì ơn sâu không được đền đáp. Mà đúng hơn, vì tôi chợt nhận ra cái rất nhân vị nơi “Bo” chưa tròn ba tuổi ấy. Cứ nhìn vào ánh mắt thèm thuồng một vòng tay, một hơi ấm, một cái nũng nịu, một sự dỗi hờn, một cái vòi vĩnh chân thường của bé, tôi mới thấu hiểu sự dồn nén ức chế bởi một lỗ hổng rỉ rót của những dòng nước mắt ứ hự không khóc nổi thành lời. Trong sâu thẳm tiềm thức, bé luôn biết và luôn hy vọng, luôn khao khát rằng… một ngày nào đó, mẹ thật của bé sẽ trở lại đón bé… một ngày nào đó, bé sẽ được gọi tiếng mẹ và được vòng tay ấm áp của mẹ ôm ẵm bé vào lòng… Hay nói đúng thực hơn… một ngày nào đó… bé được sống làm người như mọi người đáng được!

            Tuổi thơ nào mà không mái ấm, gia đình nào mà không có bóng mẹ, dáng cha với tiếng con nô cười giòn giã? Vậy mà cám thương thay, ngày nay trên thế giới, còn biết bao trẻ thơ bơ vơ không cửa không nhà, không gia đình, không mái ấm. Nơi ngôi làng thiếu niên Thủ Đức ấy, tôi chỉ biết đến vài ba trong ba trăm tâm hồn thơ trẻ không gia đình… là tôi cũng chỉ mới biết đến mới ngần ấy tâm trạng… còn biết bao nỗi khát khao thầm kín nhất, những khát khao rất thường nhật trong cuộc sống mà người dân dã nào cũng đều có quyền được hưởng… ai… ai sẽ là người trả lại mái ấm gia đình cho bé thay tôi?!

            Mừng ngày lễ hội gia đình Việt Nam 28.06 đương tới, tôi tự dưng chợt thấy buồn trĩu nặng… tôi chưa một lần làm mẹ và sẽ không bao giờ làm mẹ. Lý do không phải là vì không muốn nhưng là vì nhân nghĩa cao đẹp mà hiến dâng, mà cho đi nhân vị chính mình. Nhưng điều ấy không thể đồng nghĩa khao khát thiên chức làm mẹ trong tôi không thôi khao khát. Tôi không sao hiểu nổi làm thế nào mà thế giới ngày nay còn có biết bao gia đình bỏ con. Tôi thực sự không hiểu được, đương khi những người mẹ thiêng liêng hy sinh “tình riêng” cho được “tình người” lớn cao hơn, thì lại có những người mẹ, đang tâm đành nỡ hủy hoại tuổi thơ, hủy hoại tuổi đời chưa từng được nếm mùi hơi sữa mẹ của con mình mà quên đi tâm trạng: “bé chỉ cần mẹ, cần cha, cần gia đình ruột thịt của bé”! Tại sao thế, có phải vì chút ham vui mà không dám lãnh trách nhiệm, hay vì lối sống ích kỷ, thực dụng được bao bọc bởi các thông tin đại chúng, sách báo, phim ảnh, internet lan tràn “lây nhiễm”?!

 Tôi ý thức rất rõ tầm quan trọng của cha mẹ, của mái ấm gia đình trong cuộc đời tôi. Nơi mái tranh nghèo nàn nhỏ bé ấy đã cho tôi làm người, đã giúp tôi trưởng thành và lớn lên. Nơi ấy thế nào, có là gì chăng nữa thì vẫn không thể thiếu vắng trong cuộc đời mặc dù sau nay khi công đã thành, danh đã toại hay con đàn cháu đống chẳng hạn. Trong bài hát bất hủ nào đó đã nói, dù có đi đâu thật xa rất xa, dù có đến nơi nào giàu rất giàu, có gặp ai thương đến đâu dường đâu… thì cũng không gì bằng mái ấm gia đình. Với tôi, tổ ấm ấy không chỉ cho tôi ba bữa cơm ngon mỗi ngày… mà còn là nơi trú thân an toàn dịu dàng nhất mỗi khi giông bão cuộc đời ngã đổ trên tôi!     

Nếu có được một ước mơ, tôi sẽ ước mơ cho thời gian quay trở lại, để tôi sống tốt hơn nữa trong gia đình với đạo hiếu làm người của tôi. Nếu có một ước mơ cho thời gian trở lại, tôi sẽ ước mơ cho mọi người trên thế giới này… biết tìm trả lại gia đình cho các bé mồ côi!

 

Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.


Mục Lục Sống Lời Chúa