CÓ GÌ ĐỂ TIN

 

            Giữa giờ giải lao, Thầy giáo bộ môn triết học Mác – Lê, phỏng vấn:

-         Tại sao bạn đi tu?

-         Thưa thầy, em đi tu vì một người mang tên Giêsu.

-         Ông ấy có gì để bạn tin?

-         Có gì ư? Có rất nhiều hành động yêu!

-         Nếu bạn làm cho tôi vào được hội của bạn, tôi sẽ tôn bạn làm sư phụ.

-         Sư phụ thì em không dám, vì tin hay không tin là quyền tự do của con người. Em chỉ có thể chia sẻ với thầy kinh nghiệm tin và sống đức tin của em mà thôi. 

-         …………………………………………

Trong chúng ta, Kytô hữu nào cũng từng biết: đức tin tiên vàn là ân huệ nhưng không Thiên Chúa tặng ban cho con người. Đồng thời còn là lời con người đáp trả tự do trước ân ban diệu kỳ ấy. Nhìn lại chặng đường lịch sử cứu độ, ta thấy có rất nhiều bài học kinh nghiệm về đức tin. Mỗi bài học một chân giá trị để đời và là con đường khơi sáng giúp ta sống niềm tin giữa lòng nhân thế.

Niềm tin  Kytô giáo mỗi thời một bước phát triển, đôi khi còn là sự ngừng đọng, trì trễ. Tuy nhiên, do bởi đặc tính đức tin là ơn ban tự thân từ Thiên Chúa với lòng muốn đáp trả tự do của con người… cho nên đức tin ấy không hề bị lụi tắt trong bất cứ thời điểm nào. Dầu vậy, điểm “nóng” chúng ta muốn bàn tới hôm nay không phải không tin hay tin, mà chính là thái độ sống đức tin thế nào trong lòng thời đại.

“Có gì để tin?”, câu hỏi đặt ra cho những người tin. Vì chưng, có lẽ chúng ta đã không sống “đúng nghĩa” niềm tin của mình. Nói tin và sống tin là hai mặt của một vấn đề có quan hệ biện chứng với nhau. Giống nhau tại điểm “tin”, nhưng không thể đồng hóa là một. Nói tin mà không sống tin thì chưa đủ. Sống tin mà không tuyên xưng niềm tin thì chưa lên trọn vẹn. Có lẽ bởi thế mà trong cuộc sống, ta chưa diễn tả được khuôn mặt thật của Đức Giêsu Kytô, Đấng cứu độ duy nhất trần gian. Hẳn nhiên, không lạ gì khi ta nghe thánh tông đồ Phaolô khẳng quyết: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu Kytô là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được ơn cứu độ.” (Rm 10,9)

Câu hỏi ông Giêsu ấy có gì để tin, cần phải được mỗi người trả lời không chút nghi ngại: “Ngài thực sự rất đáng để bạn tin”. Cái “tin” này không phải tin cho có, mà chính là tin cho đúng. Tin cho đúng là tin không đòi dấu chứng: “Phúc cho những ai không thấy mà tin.” (Ga 20,29) Tin cho đúng là tin trong tinh thần, tin trong chân lý. Nói khác đi, chính là tin trong sự phó mặc để Thiên Chúa uốn nắn, sửa dạy và tuôn ban đức tin cho mình. Không ai trong chúng ta dám tự hào tuyên xưng đức tin tôi đã mạnh đủ. Mà hoàn toàn trái ngược, đến một lúc nào đó, nhất thiết ai trong chúng ta cũng sẽ phải thốt lên như các thánh tông đồ xưa: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con, chúng con chết mất.” (Mt 8, 25) mà thôi!

Thật lòng để nói, thế giới ngày nay, hành động tin và sống niềm tin của nhân loại dường như càng trở lên mềm yếu. Có những con đường, có những chuyến đi, có những khúc ngoặc… đức tin không biết vắng bóng tự bao giờ. Niềm tin đôi khi trôi nổi bềnh bồng, dập dìu theo triều sóng. Tuy thế, dù tin thế nào, dù tin ra sao, dù nếu khi tôi không còn tin đủ, thì Thiên Chúa vẫn hoạt động để ban cho tôi sức mạnh sống niềm tin của mình: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là sẽ được rồi.” (Mc 11, 22.24b)

Do vậy, bạn đừng sợ phải trả lời: “Ông Giêsu có gì để tin?” mà hãy hỏi chính mình: “Tôi đã tin và sống đức tin ấy thế nào trong cuộc sống?”

Lạy Chúa, con nói rằng con tin Chúa, nhưng trên thực tế, khi đi vào thường nhật trong từng chi tiết nhỏ nhặt, con đã không tin đủ. Bởi thế mà biết bao lần con trăn trở chính mình: Ngài có thực sự để tôi tin không? Tự trong những kinh nghiệm rất tư riêng ấy, con chợt cảm nhận tin với sống niềm tin chẳng giản đơn chút nào. Thế nhưng, nói gì đi nữa, có một điều chân thật nhất con không thể chối bỏ. Đó là sau những trận giông bão về niềm tin, vẫn còn đọng mãi trong con những ngọn sóng ngầm về đức tin tồn tại. Để rồi, sau mỗi khi tan vỡ, sau mỗi lần vấp phạm… sóng tin ấy vực con trỗi dậy, can đảm bước đi… chia sẻ và sống đức tin của mình.

 

 

                                                   M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.


Mục Lục Sống Lời Chúa