NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA

 

          Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, tôi lại có dịp ghé thăm ngôi nhà nhỏ bé rách nát cuối thôn, nơi có cụ bà tuổi ngấn trăm, côi cút một mình với vợ chồng cậu con trai út và cháu gái lên tám.

          Bà cụ có phước sống thọ mà chả tý bệnh tật gì. Ngày xưa khi còn xuân trẻ, cụ sanh lắm con ra phết. Nhưng cách đây ngót thế kỉ, thời ấy làm gì có lắm thuốc thang mà chữa chạy cho đặng. Vậy nên, con cụ lần lượt ra đời rồi cũng lặng lẽ ra đi trước nỗi khóc thương của người mẹ trung hậu…

          Cụ có dáng người thon nhỏ, thấp bé mà rắn chắc. Nước da của cụ thì khỏi chê chỗ nào, trắng muốt mịn màng hơn gái 18 vậy. Cụ giỏi giang tần tảo vườn tược lắm. Nhớ hồi còn bé xíu, ngày nào tôi cũng lần mò ra vườn chơi với cụ. Vườn nhà cụ có cây ổi sá lỵ to ơi là to, quả của nó thì ngọt tuyệt ngọt, ăn vào là chết ngất luôn đó!

          Tôi hay lân lê ra vườn nhà cụ, vừa để xem cụ làm việc, vừa để bắt chuồn chuồn, bướm bướm… Tôi thích những thứ ấy lắm, mệt rồi lại chui vào hốc cây to nằm nghỉ hay leo lên cây ổi vắt vu trên đó mà xơi quả ngọt cùng tận hưởng gió mát. Ngày ấy tôi hồn nhiên, trong trắng thấy sợ. Bi giờ thì hết rồi, chả còn tý hồn nhiên nào nữa, chỉ còn thấy đắm chìm trong chữ nghĩa khô khỏng thui!

Thời gian trôi qua, tôi lên đường rời quê theo tiếng gọi lý tưởng, giã biệt cụ với quãng thời thơ ấu ngây thơ thánh thiện. Tuy vậy, hình ảnh người mẹ tảo tần, dạn dày sương gió ngày suốt buổi giăng mình dưới nắng trưa luôn sâu đậm trong tôi, kí ức! Tôi khâm phục cụ, người mẹ quê chân chất mà anh hùng. Vẫn cái dáng vẻ kiên cường, bất khuất ấy, mãi tô điểm cuộc sống tôi thêm vị cho đời.

Bà cụ thì siêng năng nhà thờ, nhà thánh lắm. Đọc kinh lần chuỗi liên hồi. Bà cũng hay dậy cho tôi, phải cầu nguyện thể nào, phải theo đạo, phải tin Chúa làm sao. Hồi nhỏ tôi lại có “máu” mê truyện siêu nhiên thần bí, bởi vậy cụ cũng hay kể cho tôi nghe lăm lắm. Biết cụ thích ăn giầu, mỗi lần đi chợ cho má, tôi cũng hay mua biếu cụ. Mỗi hôm chị gái tôi có làm được món gì ngon, lạ (do chị tôi đi làm với má ở chợ, học được của người ta, tối về thí nghiệm) là sai tôi mang sang biếu cụ. Cụ ngủ sớm, thế mà tôi vẫn gõ cửa “cóc cóc” gọi cụ dậy đấy. Nhận được quà, cụ thích lắm, chả biết  có vừa miệng không, nhưng thấy vui trong lòng là tốt rồi. Cụ cũng còn hay có thói quen mỗi khi qua nhà tôi chơi là đè lối tôi đi mà dấn tới, luôn miệng trêu ghẹo: “Ơ hay, xê ra cho tôi đi nào…. ơ hay, xê ra cho tôi đi nào…” Còn nhỏ tôi ngố ác, cứ tưởng thật mới chết chứ, có hôm tôi xuýt khóc nữa đó, mít ướt hè?!

Mỗi lần về nhà tôi đều đến thăm cụ. Lúc cụ còn minh mẫn, mắt tinh đáo để. Lần thì biểu: “cháu đẹp ra”, lần thì: “cháu ốm thế”, lần khác lại: “cháu buồn thế”…. Lần nào tôi cũng chỉ cười cười thay cho câu trả lời. Đó là thói quen cố hữu của tôi, thinh lặng là vàng mà lỵ, đôi khi trong cuộc sống, ngôn ngữ thầm lặng còn trị giá trăm ngàn lần ngôn từ thốt ra cơ đấy! Ấy vậy, chưa hết, có bận, cụ còn bồi thêm: “sao miệng cháu cười, mà mắt cháu lại chẳng vui?!”

Về sau, cụ lẫn hẳn, chả còn nhận biết tôi là ai nữa, nhưng lẩn sâu trong tiềm thức, vẫn là hình ảnh cô hàng xóm dâng mình trong nhà Chúa, nó khác những đứa khác, cần cầu nguyện cho nó trung thành, chung thủy. Tôi cũng chỉ cần có thế, đã là quá đủ!

Xuân Bính Tuất vừa qua, theo thói lệ, tôi qua mừng tuổi cụ. Cụ yếu hẳn, trông tội tội sao ấy. Con cái cụ mỗi đứa mỗi  cảnh, khó có thể thường xuyên trông nom cụ được. Thật, nhìn vào thực tại mà tôi thấy bẽ bàng, kiếp sống con người đáng sợ quá. Không chi cô đơn, không chi tủi phận hơn lúc tuổi đà xế bóng. Hình ảnh cụ già ngấn trăm lủi thủi vỏn vẹn trong chiếc giường nho nhỏ và căn phòng vuông vức… Ánh mặt trời ngày ngày có chiếu qua ô cửa thật đấy, nhưng thế giới ấy như dường hạn hẹp quá nhỉ… Nghĩ rộng, tôi thấy sợ, mai mốt Chúa mà cho tôi sống ngần tuổi như cụ, chắc chịu khôn nổi quá. Buồn lắm kìa, chả còn biết gì mới ác chứ. Ôi, vậy mà cụ vẫn vui vẻ, vẫn tiếp đón tôi niềm nở, luôn miệng kể dăm nghìn câu chuyện chấp nối, ngứt quãng, đứt khúc… Tôi chỉ biết lẳng lặng lắng nghe, lâu lâu thì cười phụ họa… mà trong lòng xốn xang vô độ.

Đêm hôm ấy cụ lên sốt cao, tôi pha cho cụ ly chanh nóng. Cụ nằm thim thíp trên giường chốc chốc lại há miệng cho tôi rót từng muỗng từng muỗng, ép mãi cũng chỉ độ nửa cốc nhỏ. Người lớn khó ăn khó uống lắm, hơn nữa cụ  bịnh mà, chả thiết gì của cải trần thế nữa đâu. Tôi còn lấy cả khăn nóng chườm cho cụ bớt sốt, ngót một giờ đồng hồ, cụ nguôi hẳn, rồi lặng lẽ thiếp đi…

Rời xuân, tôi giã biệt cụ như mọi bận, nghĩ bụng chả biết năm tới có còn gặp lại cụ nữa không. Thế rồi, xuân Đinh Hợi đương dần đến, còn một số công việc chưa giải quyết và chưa đến ngày nghỉ phép, nhưng lòng tôi cũng đã bắt đầu nhức nhối nhớ cụ, mong sao mau cho đến ngày về tết để được thăm cụ. Thế nhưng, ước nguyện của tôi chả còn kịp. Cụ đã được Chúa gọi về nhân đúng ngày lễ Mẹ dâng Con vào Đền Thờ, ngày mà theo lòng đạo đức bình dân, cho rằng Đức Mẹ rước cụ về. Mẹ đã dâng cụ lên Thiên Chúa chính cuộc đời cụ như một của lễ vẹn tuyền.

Nhận tin cụ, tôi bàng hoàng, vừa luyến tiếc vừa nhớ cụ, nhưng lại vui. Tôi cám ơn Chúa đã rước cụ về với Chúa, một cuộc đời có thể nói: làm người nghèo của Thiên Chúa, khi cụ sống trọn vẹn thánh ý Chúa trên cuộc đời mình. Cụ đã chu toàn ơn gọi cho đến giây phút cuối đời, không oán trách, không than thở. Cuộc đời chứng nhân đẹp quá, tôi mừng cho cụ và gia đình cụ. Đúng thật, chả biết nào ai được ai thua, ai dám chắc mình hơn cụ. Ngay chính bản thân tôi, lầm lũi vào đời, dâng hiến cuộc sống cho Thiên cũng chưa chắc làm nên công trạng bằng cụ. Quả thật, một cuộc đời ngót chục năm chứng nhân trên chiếc giường bệnh, cụ đã cầu nguyện cho biết bao con người lam lũ khổ đau đang  ngày đêm tất bật giữa dòng đô thị náo nhiệt…..

Tôi tiễn cụ lần cuối, cơn gió chiều cuốn từng chiếc lá vàng lác đác, lờ đờ rụng trên con đường mòn rải nhựa chật hẹp. Hết rồi từ đây, tôi sẽ không còn dịp thăm nom cụ nữa, không còn được cơ hội xoa nắn, bóp đều trên đôi cánh tay khẳng khiu còm cõi của cụ. Nhưng bù lại, tôi thấy vui mừng hạnh phúc vì biết rằng cụ đang được bàn tay nhân hậu của Thiên Chúa ôm ẵm vào lòng. Cụ ra đi mà như ngủ vậy, thích quá, thanh thản quá, nhẹ nhàng quá, an bình quá… Tôi đặt xuống mộ phần của cụ nhành huệ trắng, như gởi vào nơi ấy lời nguyện cầu thầm thĩ: “Con chúc cụ về với Chúa hạnh phúc. Xin nhớ đến con, cô hàng xóm… nghèo hèn, tội lỗi…”

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa