Tôi Tin

 

Người Kitô hữu thường nói như vậy. Người chưa là Kitô hữu cũng nói vậy. Và mọi người cũng có thể nói như vậy, nhưng giá trị của động từ Tin đó khác hẳn nhau.

Niềm tin là thái độ tín nhiệm của tôi về một đối tượng nào đó. Tôi tin cha mẹ vì ảnh hưởng của cha mẹ trong cuộc đời tôi, vì tôi yêu mến  và tôi được chở che nuôi dưỡng.  Tôi đem gia sản giao cho một cơ quan nào đó, một người nào đó vì tin tưởng vào sự an toàn. Tôi trình bày một nỗi ưu tư với một người mà tôi tin vào sự khôn ngoan, bảo mật của họ. Khi nghe một chuyện lạ nào đó về Đức Mẹ, về Chúa, mọi người hăm hở đi xem rồi kể lại. Một người kể rồi nhiều người kể như thế, tuy nội dung có ly kỳ đôi chút, tôi cũng có thể tin. Tin theo cái lời chứng của nhiều người. Thực hư thế nào chưa biết.

Niềm tin có thể bị thay đổi theo hoàn cảnh, bị chi phối trong thời gian. Sự thay đổi nằm ngay ở chủ thể tin hoặc đối tượng tin. Những thần tượng sụp đổ thường ở trong trường hợp này.

Đức tin khác hẳn.

Đối tượng của Đức Tin là Tuyệt Đối, là Vô Thuỷ Vô Chung, là Tiền Hậu Y Nguyên. Để đến với cái tin này, người ta không thể luyện tập mà có được. Đức khiêm nhường, đức vâng lời…là sự khổ luyện. Đức tin lại là ân sủng, là ân ban không qua kinh nghiệm mà qua cảm nghiệm.

Khi xưa lãnh bí tích Thánh Tẩy, vị thừa tác hỏi “người lớn” xin gì cho em bé, họ đáp ‘xin đức tin’. Em bé cần gì đức tin nhỉ. Đó là đức tin của người lớn xin gíup cho em. Hiểu như thế thì non nớt lắm. Họ cùng xin ân sủng đức tin đến trong em để nuôi dưỡng và tác động vào cuộc sống linh thánh của em hôm nay và suốt cuộc đời. Đó là đức tin của cả giáo hội chứ không của riêng người lớn. Nhờ ân sủng đức tin đó, em bé được gia nhập vào ‘hàng ngũ những người tin’, có ‘căn cước’ của người Kitô hữu. Đức tin đó sẽ ngày một lớn lên trong chính sự cảm nghiệm của em theo sự trưởng thành của nhân cách.

Đức tin của tôi có thể lúc mạnh lúc yếu, lúc bừng cháy khi lụi tàn, nhưng tác động đó chỉ có nơi chủ thể tin chứ không ở đối tượng tôi tin. Nếu đức tin của tôi không được nuôi dưỡng trong môi trường ‘lành mạnh’, nhiều khi còn phát triển theo chiều mê tín, cuồng tín và nhất là thần thánh hoá thụ tạo, nhìn gà hoá cuốc.

Cuộc hành trình của đức tin ít khi suôn sẻ. Ngay từ trong ‘sấm truyền cũ’ cũng nhan nhản những cuộc thử thách của đức tin. Từ những chuyện phi lý của Abraham, Giuse Ai Cập đến Isaia …cho đến những mẩu chuyện nhỏ trong ‘sấm truyền mới’ như việc bà goá dân ngoại xin chữa bệnh cho con, chuyện Phêrô đằng thuỷ rồi suýt chìm, chuyện Toma hậu phục sinh…Rồi bao cuộc bách hại đẫm máu chỉ vì cái chữ tin mà bị coi là tà đạo.

Sự nghịch lý thường chỉ do lối nhận xét của con người, chứ với chủ thể tin thì không nghịch lý. Tin đến độ xác tín, không nghi ngại, cho dù lý trí có những biện minh khác. Tin vào sự khôn ngoan, sự quan phòng, lòng thương yêu của Đấng mình tin. Nó nhấn mạnh tới một yếu tố thẳm sâu trong tâm hồn là lòng yêu mến, người Việt dùng từ  Hán là ‘Ái’, nhà đạo gọi là Đức Mến. Đức tin tăng cường đức cậy và củng cố đức mến. Thánh Phaolo có những lý luận rất thuyết phục về mệnh đề này. Đức mến sẽ còn thăng hoa, trong khi đức tin, đức cậy không còn cần thiết trong cõi vĩnh hằng. Và ngay hôm nay, đức mến cũng chi phối cả mọi thái độ của niềm tin. Các thánh Tử Đạo phải được coi là biểu tượng của đức Mến hơn đức Tin. Bởi chính tình yêu Chúa nung nấu tâm hồn và chỉ muốn bày tỏ cho mọi người chiêm ngưỡng sự cao cả của tình yêu đó mà họ sẵn sàng dùng sự sống của mình mà trình bày.

Không tin thì không mến. Nhưng niềm tin sâu sa đó là của tôi, ở sâu trong mọi hành động và ý chí của tôi để được bộc bạch ra bằng tình mến. Và như có một hệ luỵ : càng yêu nhiều càng bị thử thách nhiều, càng thử thách thì càng tin hơn và xác tín hơn. Toma đã kinh nghiệm điều ấy và trong một lúc tột đỉnh đã phải bộc bạch : Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi.

Kinh nguyện là phương tiện để giúp con người hướng về trời cao, nhưng kinh nguyện không thay thế cho những lời tâm sự ẩn sâu trong con người. Đa số người giáo hữu thường chỉ siêng năng kinh kệ theo công thức có sẵn mà quên  ‘hấp thụ’ để ‘chuyển hoá’ lời kinh đó thành của mình, lời kinh mà Thánh Thần giúp ta cầu nguyện ‘trong cơn rên xiết’. Lời kinh ấy sẽ sống động hơn, đầy tin cậy và yêu mến. Như thế, khi tham dự các nghi thức phụng vụ, khi tề tụ nguyện cầu trong hoàn cảnh nào đó, đức tin được biểu lộ và mang chiều kích tâm linh hơn. Cũng khi đó, tôi tuyên xưng đức tin của tôi. Tôi tin.

 

Bs. Trần Minh Trinh


Mục Lục Sống Lời Chúa