Trời cao hãy đổ sương xuống,

Ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời…

Lời Thánh kinh đã được nhiều nhạc sĩ tận dụng và viết thành những lời ca thống thiết. Và cứ nghe những lời ca này, lòng người lại dậy lên một cảm giác êm ái của mùa Vọng, của hương vị Giáng Sinh thấp thoáng cận kề, trong ánh điện nhấp nháy quanh máng cỏ đầy ắp kỷ niệm.

Trời đã đổ sương. Đấng Cứu Tinh đã đến. Tuy việc đến của Đấng ấy lại không rầm rộ, oai phong lẫm liệt như trí tưởng tượng của người đương thời. Thiên Chúa của tôi thường có những hành động “ khác người”, hơi kỳ quặc, hơi “điên”…

Giáo lý nói về mùa Vọng là cơ hội để dân thánh sám hối, chuẩn bị cho cuộc tái lâm nơi thế giới hay nơi mỗi con người…còn tôi lại thích có thêm ý nghĩa khác, nhưng chẳng phải chỉ khác, mà là đỉnh điểm của sám hối và hy vọng.

Sám hối à! Đó là thái độ thường ngày trong kiếp người, vì con người có bản chất là lầm lỗi (errare humanum est). Chẳng phải mùa Vọng, mùa Chay mới sám hối.

Chúa lại đến trong ngày chung thẩm thế giới hay cá nhân mỗi con người à? Xin mời Chúa cứ đến, lúc nào Chúa thích, vì tôi đang sống đây là chính Chúa đang sống trong tôi mà. Suy nghĩ của tôi cũng có phần của Chúa, hành động của tôi cũng do Chúa điều khiển, ngôn từ của tôi cũng là âm vang của Lời Chúa, khi thực phẩm tôi dùng hằng ngày là Lời Chúa…

Nếu được như thế, cuộc tái lâm dù có đường đột “giữa đêm” hay như “kẻ trộm đột nhập” đi nữa thì cũng là ‘chuyện nhỏ’ thôi, có hơi mới chút là tôi không còn là tôi nữa mà đã được hoà nhập hoàn toàn vào cuộc sống của Chúa, sống như Chúa rồi còn gì! Và như thế, cuộc tái lầm là cái lý để tôi hy vọng, sẵn sàng khi chờ đợi.

Cái ý nghĩa khác mà tôi thích trong mùa Vọng – mùa Giáng Sinh, là chiêm ngưỡng, là khám phá thêm những kỳ quặc, điên rồ của tình yêu bao la nơi Thiên Chúa nhập thể.

Tình cho không (L’amour c’est pour rien).

Có bài hát thế đấy và được nhiều người trình diễn trên sân khấu hay lẩm nhẩm hát một mình trong phòng. Cho không vì vốn tình cảm không phải là sản phẩm do con người chế tạo và cũng vô hình dạng nên có bán cũng chẳng biết bán ở đâu. Người ta dùng biểu tượng một trái tim khi nói đến chữ yêu và trái tim không yêu thì có mũi tên đâm thủng! Và nếu tình cũng bị đâm thủng thì yêu cũng chẳng còn! Tình mà lúc có lúc không thì chưa phải là tình yêu. Người ta lại biểu tượng hai trái tim hồng quyện lấy nhau để diễn tả tình yêu đôi lứa. Cũng có chữ yêu trong đó, nhưng rồi mỗi năm trên thế giới có hàng triệu lứa đôi đã chia đàn xẻ nghé. Cái biểu tượng trái tim kia còn đó mà đường ai nấy đi, bỏ mặc những giá trị nhân phẩm, con cái, giáo huấn nhất phu nhất phụ. Thôi thì những thứ tình cho đi rồi đòi lại ấy cũng chỉ là chữ yêu lồng ghép, tô son cho nó thi vị cuộc sống, rồi phế bỏ như một bức tranh vẽ nghệch ngoạc không nghệ thuật.

Xa hơn nữa, cũng còn những chữ yêu được coi là thần thiêng như tình mẹ con, cha con, tình bạn, tình yêu tổ quốc…nhưng rồi đó đây lại đầy dẫy những câu chuyện thương tâm con giết mẹ chỉ vì vài chục ngàn đồng, lừa thầy phản bạn chỉ vì chút tư lợi, lạm dụng danh nghĩa tổ quốc để tham những, cửa quyền gây biết bao oan khiên xã hội…

Ngay bản thân tôi cũng đã hưởng thụ biết bao yêu thương của gia đình, xã hội, giáo hội; đã đón nhận vô vàn cái tình cho không của trời cao…thế mà có lẽ kẻ ‘vong ân bội nghĩa’ nhất cũng là tôi!

Xem ra cái tình cho không của thế gian nó bấp bênh, méo mó sao ấy. Hoạ hoằn lắm mới tìm ra được một ít điển hình nơi nào đó như ở trại phong, nơi tu viện chiêm niệm hay cá nhân thỉnh thoảng được ‘mò’ ra từ tầng lớp yếu kém trong xã hội!

 

Mùa Vọng – Mùa Giáng Sinh là cơ hội nữa để học, suy nghĩ, cảm nghiệm một tình yêu cho không biếu không đúng nghĩa, thuần khiết, vô vị lợi, cao cả, không đổi thay, không cùng tận. Cái tình mà người cho phải trả giá quá đắt cho một đối tượng không tương xứng, thiếu hẳn cái ‘môn đăng hộ đối’ thường tình khiến kẻ nhận chỉ biết tròn mắt thán phục. Nếu có ai đó được thoang thoáng chút vinh quang Thượng Đế, thì không khỏi héo lòng nhìn một bé sơ sinh co ro trong đám cỏ khô nặng mùi của mấy con bò con cừu. Ngày nay người ta thích trang trí cái ‘hang đá’ thật trang trọng, thật đẹp mắt dựa theo những chuyện thần thoại suy ra từ Bê-lem, và cũng vì vậy mà chất nghèo hèn, chất từ bỏ, chất yêu thương vô vị lợi cũng không còn được chú tâm học hỏi. Người ta chỉ nhìn thấy vẻ rực rỡ của đèn màu bên những hàng kim tuyến và cây thông, gói quà của ông già Tuyết. Niềm hân hoan của mùa Giáng sinh cũng có lý vì chính cái mùa ấy là khởi đầu cho những hy vọng, cho mùa cứu độ đã đến và còn mãi. Thế nhưng những tâm tình đó chỉ chân thật khi nó xuất phát từ tinh thần của máng cỏ Bê-Lem. Khi có dịp ghé thăm thánh đường Bethlehem hôm nay, tự nhiên con người sẽ thấy lòng mình lắng xuống để chiêm ngắm một tuyệt tác điên rồ của Tình Yêu Nhập Thể. Muốn bước chân vào thánh đường này, ta phải cúi rạp xuống mới vào trong được. Cánh cửa duy nhất để vào thánh đường được thiết kế thấp lè tè. Chỉ có cách là ‘chui’ vào chứ không thể thẳng người nghênh ngang đi qua! Cách thiết kế cánh cửa nhắc nhở thân phận con người trước biến cố nhập thế của Con Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ‘quên’ luôn cái vinh quang đáng tôn thờ của Thiên Chúa để hoà vào cái nghèo nàn của đám dân nghèo giống kiếp trâu bò! Động lực của hành động điên rồ đó là Tình Cho Không, “vui thích được ở với con cái loài người”, và “Ngôi Lời đã làm người ở giữa chúng ta”, là Emmanuel!

Không hiểu sao, cứ suy nghĩ tới thái độ yêu thương ‘mù quáng’ này của Thiên Chúa là tôi không thể nói thêm gì nữa. Ngôn ngữ của tôi nghèo nàn thô thiển quá không diễn tả thêm được gì. Đầu gối tôi đã sụm xuống để chỉ biết tôn thờ, kính phục và chìm ngập trong cảm xúc yêu thương. Rồi giả như tôi còn gắng sức bơi lội thêm vài quãng đường trong biển yêu này nữa, bơi cho đến chân đồi Gon-gô-ta, thì thân tàn của tôi đã tan chảy trong sức nóng nhiệm màu của tình yêu đó.

Trong phụng vụ, mùa Giáng Sinh mới là bước khởi đầu cho một hành trình lịch sử cứu độ, vì đỉnh cao là mùa Phục Sinh. Tuy vậy, mùa Giáng Sinh được đặt ở một thời gian mát mẻ với nhiều yếu tố khác khiến không khí Noel  có vẻ rộn rã, thơ mộng hơn. Còn mùa Phục Sinh lại thường rơi vào quãng thời gian khí trời oi ả, lại gắn liền với sự chết chóc đau thương nên lòng người ít náo nức !

Nhưng dù với đổi thay nào của lòng người, dù tiết trời có chảnh choẹ thế nào đi nữa thì tình yêu của Chúa vẫn không hề đổi thay, không hề ‘hạ nhiệt độ’ hay tính đi tính lại làm gì. Ngài vẫn thế, vẫn còn đó trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Ngài không bao giờ bỏ rơi tôi, dù tôi có những biểu hiện thất trung. Chính tình yêu cao vời đó là cái lý để thôi thúc tôi luôn hy vọng và vui sống.   

   Bs. Trần Minh Trinh


Mục Lục Sống Lời Chúa