CŨNG NHƯ HẠT LÚA MIẾN

From Burundi 30/10/2008

 

Trong hoàn cảnh khó khăn gây nên do cuộc tranh chấp tại Burundi, một đại chủng sinh ý thức được rằng làm linh mục là uốn  mình sống theo gương Chúa Giêsu trên thập giá, và giống như Ngài, linh mục phải biến thành dụng cụ cho hiệp nhất. Một ơn gọi khác được tái sinh.

 

Ngày đó tôi đang thực tập theo chương trình một năm giúp xứ tại một họ đạo, thì chiến tranh bùng nổ trên quê hương tôi. Tình hình khá căng thẳng và nội chiến có thể sẽ kéo dài trong một thời gian khá lâu, vì giữa hai sắc tộc lâm chiến có nhiều quan điểm đối nghịch rất sâu đậm.

 

Tôi phụ trách dậy Giáo Lý tại bốn trường học, và luôn đi sát với giới trẻ. Tôi nhận ra một điều là dù các bạn trẻ sống ngay giữa bao nhiêu hỗn loạn tràn ngập khắp nơi trên đất nước, họ vẫn cùng nhau hướng vọng về các giá trị tinh thần. Nhiều mối tương giao tốt đang nẩy sinh từ tâm hồn mọi người. Tôi rất vui khi thấy mình trở thành một điểm hy vọng để họ nương tựa qua những hoạt động dấn thân của tôi. Vào năm đó tôi xác tín một điều mà không sợ sai lầm rằng ơn gọi làm linh mục của tôi trở nên rất rõ ràng, một điều mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ xác tín được như vậy. Thực ra tôi đã hiểu biết thế nào là nhân chứng cho Tin Mừng.

 

Năm sau là năm tôi trở lại Chủng Viện để tiếp tục học. Có điều chẳng bao lâu tôi lại thấy rằng quan điểm chính trị đã ảnh hưởng sâu đậm đến những mối quan hệ giữa con người và con người. Chúng tôi không còn có chung một suy nghĩ mỗi khi đề cập đến tình trạng bi thảm mà dân nước tôi đang phải đương đầu. Tôi có cảm nghiệm thực tế là mỗi người trong chúng tôi ai nấy đều chỉ quay về với quan điểm của sắc tộc riêng mình. 

 

Thế là tôi bắt đầu tự hỏi lòng mình phải chăng tôi đã đi sai hưóng. Tôi thấy trong tương lai rồi đây chúng tôi khó mà có thể cùng san chia sẻ được với nhau thiên chức làm chứng nhân khi trở thành linh mục. Với suy nghĩ này, tôi thấy các niềm ước mơ của tôi đang bị chao đảo. Và bốn năm học tại Chủng Viện với tâm trạng như thế là một thời gian chịu đựng vô tận. Có lẽ tôi không thể tiếp tục sống trong trạng thái rối loạn như vậy. Thế rồi tôi đã quyết định không trờ về Chủng Viện năm dó.

 

Trong thời gian này, một người gợi ý là tôi nên dành ra một năm để sống ở bên ngoài trong cộng đồng để bồi dưỡng tình thần hiệp nhất và nỗ lực sống làm sao phản ánh được tinh thấn hiệp nhất trông nếp sống, đồng thời tìm hiểu xem thực sự Chúa muốn tôi phải làm gì.

 

Trong một cuộc họp mặt vào những ngày đầu tiên của năm sống cộng đồng bên ngoài chủng viện, tôi bắt đầu ý thức đươc rằng: Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá chính là trọng điểm đặc biệt cho đời sống linh mục phải noi theo. Tôi hiểu rằng linh mục phải trở thành một Giêsu khác, cũng phải chịu đóng đinh, cũng phải có lòng yêu thương như Ngài để tái tạo sự hiệp nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện trong việc giao hòa loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau.

 

Tôi hồi tưởng lại những lý do đưa đẩy tôi rời Chủng Viện trước đây, tất cả chằng khác gì là một sự phản bội tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thực ra Ngài lại không muốn tôi trở thành khí cụ hiệp nhất trong hoàn cảnh hiện tại ở những nơi đang thiếu vắng hiệp nhất như: môi trường tôi đang sống, trong Chủng Viện, trong Giáo Xứ, trong tương lai ... đó hay sao?

 

Tôi hiểu rằng Thiên Chúa muốn tôi trở thành người kiến tạo tinh thần hiệp nhất trên những bước đường linh mục của tôi, khởi điểm từ việc lựa chọn theo gương một mình Chúa Kitô, là chính Đấng đã bị đóng đinh trên thập giá. Thế là tôi tìm cách tiếp xúc với Đức Giám Mục của tôi để trở lại chủng viện.


Các linh mục sống với tinh thần hiệp nhất trên quê hương tôi bây giờ lên tới con số khá đông. Trong các giáo xứ rải rác khắp nơi, có biết bao nhiêu người dấn thân sống Tin Mừng và tiếp cận với hoa trái của Lời Chúa mà họ có thể sống theo. Trong những năm ấy, nhiều minh chứng sống động xuất phát từ nếp sống dấn thân như vậy. Nhiều người xả thân hy sinh mạng sống và vượt lên trên mọi ràng buộc chủng tộc hoạc phe phái,  nhằm bảo vệ tinh thần hiệp nhất: chẳng hạn một linh mục bị sát hại hai năm trước đây vào lúc đang trên đường về nhà sau khi cử hành Bí Tích Thánh Thể.

 

Trước những biến cố này, các Vị Giám Mục càng thấy rằng tinh thần hiệp nhất càng trở thành con đường ưu tiên cần phải dấn thân để mở lối cho quê hương tìm ra ‘sự sinh tồn’ chung. Lời Phúc Âm như nhắc nhở mọi người: ‘Nếu hạt lúa miến không rơi xuống đất và mục nát đi, nó vẫn trơ nguyên là hạt lúa. Nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra nhiều hạt lúa khác’.

 

Làm sao tôi quên được nhân chứng dẫm máu của 40 chủng sinh Buta đã tử thương ngay nơi phòng ngủ của họ trong một đêm tàn sát khủng khiếp. Các phần tử của một sắc tộc được báo động phải đứng ngoại cuộc, thế nhưng những người này nói thà rằng cùng chết chung với nhau còn hơn là phản bội Lý Tưởng của họ là chính Đức Kitô.

 

Sau ngày đó, những người tình nguyện đầu tiên đến thu dọn chiến trường đẫm máu chính là những người Anh Giáo và các Kitô hữu hệ phái Giáng Lâm. Họ là những người cư ngụ gần chủng viện. Họ cảm kích sâu xa trước việc các bạn trẻ đã hy sinh mạng sống với niềm tin rằng:  máu tử đạo vẫn còn chảy, và sự hiệp nhất là điều có thể đạt dược. Sau đó Đức Giám Mục sở tại lập một đài tưởng niệm họ để tôn kính Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình.

 

Chính những biến cố này giúp tôi suy nghĩ chín chắn về việc dâng hiến cho Thiên Chúa trong đời sống linh mục, và cũng khám phá ra nguồn mạch gương mẫu chính là Chúa Giêsu Hiến Tế Trọn Vẹn Trên Thập Giá.

(F.N. - Burundi)

 

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa